Phát triển sản phẩm lưu niệm phục vụ du lịch

Thứ ba, ngày 26/12/2017 - 11:06
Đã xem: 2,143 views

Sản phẩm lưu niệm là một trong những yếu tố tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, góp phần quảng bá hình ảnh du lịch hiệu quả. Tuy nhiên, hiện nay sản phẩm lưu niệm trên địa bàn tỉnh vẫn còn thiếu và khá đơn điệu. Để khắc phục tình trạng trên, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh mở cuộc thi nhằm tìm kiếm sản phẩm lưu niệm đặc trưng.

 

Quầy trưng bày sản phẩm lưu niệm của xã Xuân Lập (Lâm Bình) tại Lễ hội Lồng tông
Lâm Bình năm 2017. Ảnh: Minh Hoa

    Tham quan các khu, điểm du lịch trong tỉnh, du khách đều thấy sản phẩm, quà tặng lưu niệm còn đơn điệu, mẫu mã thiếu hấp dẫn. Trong đó, chủ yếu là các nhóm sản phẩm đồ uống, thảo dược, nông sản. mặt hàng thủ công mỹ nghệ có tính lưu niệm chưa nhiều. Bà Lương Thị Tý, thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) cho biết, bà đã có nhiều năm bán hàng cho khách tại khu vực đường vào lán Nà Nưa - Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào. Bà bán các loại thuốc nam, hàng đặc sản, nông sản của địa phương. Còn các sản phẩm đồ lưu niệm chủ yếu là quần áo thổ cẩm, vòng tay, sáo trúc... có xuất xứ Trung Quốc.

    Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có duy nhất cơ sở làm dệt thổ cẩm ở huyện Hàm Yên và một số nghệ nhân chế tác đàn Tính nhưng số lượng còn hạn chế. Các sản phẩm này được giới thiệu tại các hội chợ du lịch trong và ngoài tỉnh. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm còn ít, chưa tương xứng tiềm năng du lịch. Vì vậy, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh phát động Cuộc thi “Thiết kế sản phẩm du lịch” và “Sáng tác biểu trưng (logo), khẩu hiệu (slogan) du lịch”.

    Sản phẩm lưu niệm du lịch bao gồm các loại sản phẩm lưu niệm, thủ công mỹ nghệ hoàn chỉnh, đa dạng về chất liệu, màu sắc, ưu tiên các sản phẩm có chất liệu thân thiện với môi trường. Các sản phẩm dễ ứng dụng đưa vào sản xuất đại trà, có giá phù hợp với nhiều đối tượng tiêu dùng. Bên cạnh đó phải mang tính đặc thù riêng có, phản ánh được nét đặc trưng hoặc mang dấu ấn của tỉnh.

 

Một số sản phẩm lưu niệm thổ cẩm được bày bán tại Khách sạn Mường Thanh, thành phố Tuyên Quang.

    Các tác giả thực hiện theo các chủ đề: Giới thiệu văn hóa, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, địa danh, các biểu tượng tiêu biểu, các công trình kiến trúc, công trình văn hóa; cây di sản, trang phục dân tộc tiêu biểu; giới thiệu các sản vật đặc trưng của địa phương. Với chất liệu: Gốm, sứ, gỗ, mây, tre, kim loại, hợp kim, nhựa tổng hợp, thêu ren... Sản phẩm đảm bảo các yếu tố thẩm mỹ, gọn nhẹ, dễ đóng gói, vận chuyển và bảo quản. Sản phẩm thể hiện dòng chữ “Tuyên Quang” ở vị trí hợp lý, nhìn thấy được, đẹp, hài hòa trong tổng thể.

    Đối với biểu trưng và khẩu hiệu, các tác phẩm phải có tính khái quát và tính hình tượng cao, thể hiện được nhiều ý nghĩa, phù hợp làm đại diện cho du lịch Tuyên Quang trong việc quảng bá du lịch đến thị trường trong và ngoài nước. Logo thể hiện phong cách trẻ trung, sinh động, phù hợp với xu hướng logo - slogan du lịch của thế giới.

    Theo kế hoạch, Ban tổ chức nhận sản phẩm dự thi đến hết tháng 3 năm 2018. Đến tháng 6, Ban tổ chức sẽ tổng kết, trao giải thưởng và công bố sản phẩm lưu niệm, logo và slogan du lịch tỉnh. Các sản phẩm đạt giải được nhận giấy chứng nhận và giải thưởng bằng tiền, được quảng bá rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sản phẩm sau khi sản xuất sẽ được hỗ trợ giới thiệu đến các đơn vị kinh doanh dịch vụ quà lưu niệm và đặc biệt sử dụng làm sản phẩm giới thiệu quảng bá hình ảnh du lịch tỉnh nhà.

Theo TQĐT