Hướng đi mới từ du lịch nông nghiệp

Thứ sáu, ngày 29/03/2019 - 09:34
Đã xem: 1,452 views

Gặt lúa, hái chè, thu hoạch cam, lê, bưởi hay trồng rau, tham quan làng nghề… là những trải nghiệm thú vị mà du lịch nông nghiệp có thể mang lại cho du khách. Đây cũng là một trong những thế mạnh để tỉnh có thể khai thác và phát triển mạnh loại hình du lịch này.

 

Du khách tham quan và trải nghiệm hái chè tại xã Mỹ Bằng (Yên Sơn). Ảnh: Quốc Việt

Chưa tương xứng với tiềm năng

Đặc điểm tự nhiên của Tuyên Quang đã tạo ra nhiều dạng địa hình, nhiều tiểu vùng khí hậu khác nhau. Qua đó, hình thành hệ động thực vật phong phú, đa dạng. Mỗi vùng miền có những sản vật đặc trưng có thương hiệu, thu hút du khách đến tham quan đón nhận. Đến với Yên Sơn, Hàm Yên là hình ảnh của những đồi chè trải dài ở Mỹ Lâm, Mỹ Bằng; vườn bưởi, vườn hồng xum xuê trái ở Xuân Vân, Phúc Ninh; những vườn cam sành ngọt lịm của người dân Phù Lưu, Minh Dân, Yên Thuận, Yên Lâm…

Cùng với đó là thương hiệu nông nghiệp sạch: Chè Bát Tiên, chè Ngọc Thúy, miến dong Hợp Thành, miến dong Hảo Hán, vịt bầu Minh Hương, mật ong Cao Đường… Lên với Na Hang được thưởng thức món cá chép ruộng Hồng Thái, cốm Côn Lôn và các sản phẩm đặc sản như thịt chua, rau sạch, thịt trâu khô, rượu ngô… Huyện Lâm Bình gần đây không chỉ được biến đến với dịch vụ homestay ở Lăng Can, Thượng Lâm, Khuôn Hà mà còn thu hút du khách với những nông sản đặc trưng như rau bò khai, rau ngót rừng, trang trại lợn đen, lợn tên lửa…

Bên cạnh đó, một số vùng, miền trong tỉnh có phương thức canh tác độc đáo. Điển hình như canh tác trên các thửa ruộng bậc thang ở Hồng Thái (Na Hang); thu hái, chế biến bằng thủ công và thưởng thức chè Shan tuyết; nuôi cá khu vực lòng hồ thủy điện Tuyên Quang… Đặc biệt, người dân bản địa luôn thân thiện, nhiệt tình và mến khách, khiến du khách đã đến một lần là nhớ mãi. Rõ ràng, từ những đặc điểm tự nhiên, phương thức canh tác độc đáo với sự đa dạng về nông sản, văn hóa ẩm thực... là cơ hội lớn cho các địa phương trong tỉnh phát triển du lịch nông nghiệp.

Du khách thăm mô hình Hợp tác xã Mây tre đan Nhật Minh, thôn Nà Kẹm, xã Khuôn Hà (Lâm Bình). Ảnh: Hoàng Niềm

Hiện nay, tỉnh ta đã xây dựng một số tua, tuyến du lịch gắn với nông nghiệp như: Tuyến du lịch sinh thái tại một số điểm trồng cam sành như Yên Phú, Phù Lưu (Hàm Yên); tuyến du lịch lịch sử kết hợp trải nghiệm làng chè Vĩnh Tân (Sơn Dương); tuyến du lịch cộng đồng tại các xã Lăng Can, Khuôn Hà, Thượng Lâm (Lâm Bình)… Nhưng trên thực tế, một số tua du lịch chưa thu hút được khách. Ông Lê Quốc Thu, Trưởng Ban Quản lý Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm (Yên Sơn) cho biết: “Chúng tôi xây dựng tua trải nghiệm đồi chè Mỹ Lâm, Mỹ Bằng. Ngoài chụp ảnh, du khách có thể tham gia hái chè, sao chè, thưởng thức trà… Tuy nhiên, thời gian đầu tua hoạt động hiệu quả, nhưng hiện nay thì rất ít khách. Nguyên nhân là do chưa có sự kết nối với các đơn vị lữ hành để giới thiệu tua, quảng bá tới du khách”.

Tại các huyện Na Hang, Lâm Bình, mô hình homestay hấp dẫn nhiều du khách. Các tua du lịch nông nghiệp đã hình thành như: Trải nghiệm ngắm ruộng bậc thang; thưởng thức món đặc sản như thịt chua, rau sạch, thịt trâu khô, rượu ngô... Nhưng theo anh Hoàng Văn Thức, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện, phần lớn du khách chỉ mới dừng lại ở mức độ lưu trú, tham quan, ngắm cảnh và chụp ảnh mà chưa có nhiều trải nghiệm với các hoạt động trong đời sống của người dân địa phương. Vì vậy, nguồn thu nhập của người dân từ các dịch vụ du lịch chưa tương xứng với tiềm năng.

Phát triển du lịch nông nghiệp bền vững

Phát triển du lịch tiếp tục được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định là một trong ba khâu đột phá của tỉnh. Để cụ thể hóa chủ trương đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch Phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, nêu rõ về vấn đề xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao phục vụ phát triển du lịch. Ông Hà Văn Ngạc, Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, thực tế cho thấy, tại một số địa phương để nông nghiệp gắn liền với du lịch thì cần tập trung hoàn thiện các sản phẩm nông nghiệp và làng nghề mang tính đặc thù, đi đôi với xây dựng thương hiệu.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh đã xây dựng kế hoạch phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao phục vụ nhu cầu du lịch. Theo đó, ngành khuyến khích các địa phương, tổ chức, cá nhân chủ động xây dựng, quản lý nhãn hiệu sản phẩm, hình thành nên thương hiệu riêng. Hiện nay, trong số 36 nông sản hàng hóa đã được cấp nhãn hiệu, nhiều sản phẩm gắn liền với địa danh như: Chè Khau Mút Thổ Bình, cam sành Hàm Yên, bưởi Phúc Ninh, hồng Xuân Vân, mật ong Tuyên Quang, gà sạch Mỹ Bằng… Đây chính là bước đi hiệu quả để mỗi địa phương trong tỉnh định hình phong cách, bản sắc du lịch.

Khách du lịch quốc tế tham quan gian hàng nông sản tại Lễ hội Lồng tông,
xã Thượng Lâm (Lâm Bình). Ảnh: Minh Hoa

Công ty Lữ hành FiveStar travel Hà Nội đã đầu tư trang thiết bị tại thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can và Bản Bon, xã Phúc Yên (Lâm Bình). Bao gồm: Nhà vệ sinh, phông rèm, điện thắp sáng, chăn, ga, gối, đệm… với tổng kinh phí hơn 1 tỷ đồng. Giám đốc Lương Duy Doanh bày tỏ, cái khó khăn vẫn là nhận thức của người dân bản địa. Nhiều hộ dân vẫn còn dè chừng, chưa mạnh dạn tiếp cận. Do đó, trước mắt cần tuyên truyền giúp người dân hiểu rõ hơn tầm quan trọng của du lịch nông nghiệp. Từ đó từng bước thay đổi tư duy, cách làm dịch vụ, tăng thu nhập ngay trên mảnh đất quê hương. Đồng thời, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa địa phương, doanh nghiệp lữ hành để tạo ra các tua, tuyến hợp lý, giúp du khách có những trải nghiệm khác biệt chỉ có ở vùng nông thôn, miền núi xứ Tuyên.

Anh Phùng Xuân Khánh, Giám đốc Công ty du lịch Tiền Phong, đại diện Group Vietnamtravel Hà Nội nói: “Theo kinh nghiệm của nhiều địa phương, để du lịch nông nghiệp phát triển thì không nhất thiết phát triển rộng, ồ ạt mà cần tạo ra các tua đặc trưng, có điểm nhấn. Ví như nhắc đến Hà Giang thì có tua trải nghiệm cày, tra ngô trên ruộng đá; ở Lào Cai có tua hái dâu ở Sapa… Tương tự ở Tuyên Quang có nhiều sản vật cũng như phương thức canh tác đặc trưng, dựa vào đó chúng ta có thể xây dựng tua du lịch “đặc sản”. Ví dụ như: Tua trải nghiệm lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, du khách cho cá ăn, bắt cá, thưởng thức cá; Tua trải nghiệm du lịch Hồng Thái (Na Hang), ngắm ruộng bậc thang, gặt lúa, thu hoạch dâu tây…”.

Bên cạnh đó, công tác quảng bá du lịch nông nghiệp cần được chú trọng triển khai qua nhiều hình thức như: Ấn phẩm du lịch, phương tiện truyền thông, mạng xã hội. Ông Đỗ Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh cho biết, Trung tâm thường xuyên xây dựng các gian hàng về du lịch tham gia nhiều hội chợ, ngày hội về du lịch ở các địa phương trong nước. Trong đó, ưu tiên lựa chọn xúc tiến tại những thị trường lớn như: Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội, Ngày hội du lịch thành phố Hồ Chí Minh, Lễ hội Tràng An (Ninh Bình)…

Phát triển nông nghiệp gắn với du lịch được đánh giá là tiềm năng mới để người nông dân làm giàu trên chính làng quê của mình, nâng cao giá trị sản phẩm. Hy vọng các đơn vị, địa phương sẽ có bước đi vững chắc, cách làm phù hợp để loại hình dịch vụ này trở thành “con gà đẻ trứng vàng” cho ngành du lịch và nông nghiệp tỉnh nhà.

Theo TQĐT

Ông Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

Khuyến khích mở các tua du lịch nông nghiệp

Hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp có vai trò không nhỏ trong việc thu hút khách du lịch. Sự kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp ở các địa phương ngày càng chặt chẽ về sự trải nghiệm, quảng bá thương hiệu. Ở tỉnh ta có nhiều tiềm năng về lĩnh vực này, nhưng chưa được khai thác nhiều. Hiện nay, ngành du lịch tỉnh luôn tạo điều kiện, khuyến khích các công ty lữ hành phối hợp với các địa phương mở các tua, tuyến du lịch trải nghiệm vùng chuyên canh trồng cam sành ở Hàm Yên, nuôi cá lồng trên Hồ sinh thái Na Hang, vùng sản xuất chè ở Yên Sơn, Sơn Dương… Nếu vấn đề này được làm bài bản, chuyên nghiệp, tôi nghĩ sức hút từ các tua du lịch nông nghiệp sẽ rất hấp dẫn du khách, tạo ra nét riêng trong phát triển du lịch của từng địa phương.

Ông Ma Ngọc Trường, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lâm Bình

Chưa có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ

Để phát triển nông nghiệp gắn với du lịch trên địa bàn huyện còn gặp nhiều khó khăn. Đó là việc xây dựng và hoàn thiện các chuỗi giá trị nông sản của huyện như lợn đen, giảo cổ lam, rau bò khai, lạc... còn hạn chế. Do đó, việc công nhận nhãn hàng, góp phần đưa các sản phẩm ra thị trường, đến gần hơn với du khách và người tiêu dùng chưa được nhiều. Phần lớn sản xuất của người dân còn manh mún, quy mô nhỏ lẻ, không theo nhu cầu thị trường, nguồn thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm còn ít; tính liên kết, hợp tác của nông dân trong sản xuất còn hạn chế... Vì vậy, chưa phát huy được thế mạnh trong phát triển nông nghiệp gắn với du lịch.

Ông Sùng Văn Páo, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Dân tộc và Miền núi (Hà Nội)

Tạo các tua, tuyến du lịch hấp dẫn

Những năm gần đây, du lịch Tuyên Quang có bước phát triển tích cực. Nhiều tua, tuyến được hình thành, có nhiều sự lựa chọn cho du khách. Tuy nhiên, tua du lịch trải nghiệm nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn du khách. Nguyên nhân là do sản phẩm du lịch chưa mang tính đặc thù, việc quảng bá tua vẫn còn hạn chế. Là một đơn vị lữ hành tại Hà Nội, tôi mong muốn các đơn vị, địa phương trong tỉnh và các công ty lữ hành cùng xây dựng kế hoạch, quảng bá tua, tuyến hợp lý. Trong đó, chú trọng các tua du lịch liên tỉnh phù hợp với hành trình để tạo sự đa dạng, hấp dẫn du khách.

Chị Đàng Thị Hà, thôn Khau Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang)

Phát triển cây trồng, vật nuôi đặc sản phục vụ du lịch

Gia đình tôi phát triển mô hình du lịch homestay được hơn 1 năm và đã đón trên 200 lượt khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Đặc biệt, du khách rất thích thú khi được tham gia các hoạt động trải nghiệm nông nghiệp cùng người dân như: Hái lê, cho cá ăn, bắt cá tại ao, gặt lúa trên ruộng bậc thang... Trong thời gian tới, tôi và những hộ làm du lịch homestay mong muốn tiếp tục được tỉnh, huyện quan tâm tạo điều kiện để phát triển mô hình. Được tham gia các lớp tập huấn về nghiệp vụ du lịch và tạo điều kiện về nguồn vốn vay ưu đãi để sửa sang nhà ở, phát triển cây trồng, vật nuôi đặc sản, mở thêm các gian hàng giới thiệu sản vật của địa phương để thu hút nhiều khách du lịch, tăng nguồn thu nhập cho gia đình.