Lễ hội nhảy lửa là sinh hoạt văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Pà Thẻn nói chung, đồng bào Pà Thẻn tại huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang nói riêng. Việc duy trì tổ chức Lễ hội nhảy lửa định kỳ vào ngày 16-10 âm lịch hàng năm đã góp phần bảo tồn, giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Pà Thẻn.
Các chàng trai Pà Thẻn chân trần nhảy lên đống lửa đỏ rực
Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn có lịch sử lâu đời, được truyền lại qua nhiều thế hệ, thể hiện những yếu tố văn hóa, tín ngưỡng nguyên thủy sơ khai, niềm tin vào thế giới thần linh và những thế lực siêu nhiên.
Nghi lễ nhảy lửa ở thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang, Lâm Bình. Ảnh: Quang Hòa
Độc đáo Lễ hội nhảy lửa huyện Lâm Bình
Hàng năm từ ngày 16-10 âm lịch tới hết 15-1 âm lịch năm sau, các thầy cúng trong bản sẽ mở hội lễ nhảy lửa (cầu lửa) để chiêu mộ học trò, truyền nghề thầy cúng. Lễ hội còn nhằm mục đích tạ ơn các thần linh sau một năm đã phù hộ cho dân bản có một năm mùa màng tốt tươi, người dân trong bản khỏe mạnh, sống đoàn kết, gắn bó.
Thầy cúng người Pà Thẻn làm lễ cúng
Theo ông Húng Văn Hín, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình), Những lễ vật để cúng trong lễ nhảy lửa rất đơn giản, chỉ cần một bát hương, một con gà luộc, mười chén rượu trắng và những cây củi trên rừng để đốt thành những đống than đỏ hồng.
Nghi lễ được tổ chức ở một khoảng sân chung rộng ở thôn và chia làm hai phần, cúng trước khi mặt trời lặn diễn ra khoảng 3-4 tiếng và nhảy lửa sau khi trời tối diễn ra trong khoảng 1 tiếng.
Nghi thức cúng thần linh trước khi bước vào nhảy lửa
Phần đầu là phần thầy cúng gọi mời thần và "âm binh" tới tham gia lễ và nhập vào các học trò. Thầy ngồi trên một chiếc ghế dài để cúng thần linh. Gõ hai vật bằng sắt, phát ra những âm thanh gấp gáp liên tục từ năm đến bảy giờ đồng hồ như vậy. Trước mỗi buổi lễ, thầy mo phải cúng thần linh, để cho phép người Pà Thẻn có được sức mạnh phi thường để nhảy vào đống lửa.
Những thanh niên Pà Thẻn dũng cảm nhảy vào đống than hồng nhưng không hề bị bỏng rát
Thông thường, việc cúng phải bắt đầu trước lễ nhảy lửa khoảng bốn giờ đồng hồ. Ðống lửa sẽ giúp mang lại sự ấp áp, mừng cho một vụ thu hoạch hoa màu vừa kết thúc và cầu thần linh phù hộ cho an khang thịnh vượng cũng như xua đuổi tà ma, bệnh tật
Phần hai là nghi lễ nhảy lửa diễn ra từ khi mặt trời lặn, lúc này một đống lửa to đã được đốt sẵn cháy thành than đỏ rực ngay gần đó. Những người tham gia nhảy lửa sẽ thay nhau nhảy vào đống than hồng đó, dùng cả tay và chân trần để phá cho tới khi tàn lửa. Khi nhảy họ nhắm mắt và như được thần dẫn đi nên bản thân họ không biết là đang lao vào đống lửa. Vì thế, sau khi nhảy vào lửa chân tay họ không hề bị bỏng, đau đớn hay trầy xước.
Sau khi đống lửa tàn, thầy cúng chiêu mộ các học trò về lại hàng chiếu phía sau để kết thúc lễ. Họ cảm ơn các vị thần đã tới dự lễ chung vui cùng dân làng, cầu mong các vị thần phù hộ cho dân làng được ấm no, mạnh khỏe, hẹn lần nhảy lửa sau sẽ lại mời các thần xuống tham gia.
Gìn giữ và phát huy giá trị lễ hội nhảy lửa người Pà Thẻn
Lễ hội nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn với những giá trị văn hóa và khoa học của di sản, năm 2012, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã đưa Lễ hội nhảy lửa của người Pà Thẻn vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nhằm bảo tồn và phát huy một lễ hội độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa tộc người và thu hút được đông đảo cộng đồng tham gia.
Nhằm phát huy bản sắc và những truyền thống tốt đẹp trong văn hóa của dân tộc Pà Thẻn trên địa bàn xã Hồng Quang nói riêng và của huyện Lâm Bình nói chung. Trong những năm qua, UBND xã Hồng Quang thường xuyên tuyên truyền vận động bà con nhân dân tiếp tục truyền đạt các giá trị văn hóa đặc biệt là các phong tục tập quán, các giá trị truyền thống tốt đẹp cho thế hệ sau.
Trong đời sống tinh thần của người Pà Thẻn luôn quan niệm có các vị thần che chở, giúp đỡ. Lễ nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn đã trở thành một nét đẹp sinh hoạt văn hóa, tâm linh thể hiện sức mạnh phi thường của con người dám đương đầu với khó khăn, thách thức, xua đuổi những điều không may mắn.
Hiện nay, huyện Lâm Bình đang khôi phục một cách bài bản, trên cơ sở tín ngưỡng, văn hóa truyền thống thì huyện và cơ quan chuyên môn đã tham mưu cùng với xã mở các lớp để khôi phục lại nghề truyền thống. Từ đó, lượng khách du lịch đến tìm hiểu văn hóa của người Pà Thẻn (từ trang phục, tín ngưỡng, ẩm thực, nghề truyền thống, đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào Pà Thẻn, đặc biệt là nghi lễ nhảy lửa) ngày càng tăng.
Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình chia sẻ: "Văn hóa của người Pà Thẻn với nghi lễ nhảy lửa huyền bí như vậy đã tạo nên một nét rất đặc sắc, tạo trong lòng du khách kể cả những người đã biết về người Pà Thẻn nhưng vẫn rất tò mò, muốn đến trải nghiệm và khám phá nhiều lần. Chúng tôi đang đi đúng hướng khi phát huy bản sắc văn hóa của người Pà Thẻn, từ đó giúp cho huyện có một sản phẩm du lịch độc đáo mà chỉ có Hà Giang và Tuyên Quang có được. Đó được coi như điểm sáng trong sản phẩm du lịch đặc sắc của Lâm Bình không chỉ trong hiện tại mà sẽ phát triển hơn nữa trong tương lai".
Có thể nói, tuy còn mang màu sắc tâm linh và huyền bí, nhưng lễ hội nhảy lửa truyền thống của dân tộc Pà Thẻn là là minh chứng cho sức mạnh, cho quá trình lao động, chế ngự thiên nhiên để sinh tồn và phát triển của con người. Đây không chỉ là ngày vui của bản làng người Pà Thẻn, không chỉ có ý nghĩa gắn kết cộng đồng mà còn bảo lưu được rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống từ đời này qua đời khác.
Theo baomoi.com.