Nét đẹp văn hóa đình làng Mỏ Tôm

Thứ ba, ngày 19/10/2021 - 15:10
Đã xem: 1,760 views

Xã Thái Long (TP Tuyên Quang) có khoảng 40% đồng bào Cao Lan sinh sống. Với số lượng đông đảo, người Cao Lan nơi đây còn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo, trong đó có nét đẹp đình làng Mỏ Tôm.

Đình làng Mỏ Tôm, thôn Tân Hải, xã Thái Long (TP Tuyên Quang)

Đình làng Mỏ Tôm nằm biệt lập giữa cánh đồng làng ẩn hiện dưới tán cây si cổ thụ và những cây bụi bao phủ. Ông Vương Văn Bình, thôn Tân Hải, người từng chủ lễ ngồi đình cho biết: Ông cũng như bậc cao niên trong làng đều không biết chính xác ngôi đình có từ bao giờ, chỉ biết rằng, đình được người xưa lập nên để thờ các vị quan làng, những người có công khai phá, bảo vệ dân làng. Sở dĩ có tên Mỏ Tôm là bởi trước đây vùng đất này có mỏ nước tự nhiên chứa rất nhiều tôm. Nhờ mỏ tôm này mà người Cao Lan không sợ đói, cuộc sống ấm no hơn. Ngày nay mỏ nước này đã được người dân khai phá, trở thành những thửa ruộng tươi tốt.

Trước đây ngôi đình dựng bằng cột gỗ. Trải qua thời gian, những trụ gỗ của ngôi đình đã bị mối mọt. Người dân trong làng đã đóng góp phục dựng và tôn tạo lại cách đây vài năm. Ngôi đình là minh chứng sống về đời sống văn hóa tinh thần, đời sống tâm linh của bà con nơi đây. Hàng năm, đình có các ngày lễ lớn: Lễ dâng hương vào mùng 2 Tết Nguyên đán và 2/2 (âm lịch). Vào ngày này, dân làng góp công, góp của cùng làm lễ dâng hương cảm tạ các vị thành hoàng làng đã che chở, phù hộ cho dân làng một năm mưa thuận, gió hòa, người dân đoàn kết xây dựng đời sống mới.

Ngoài 2 ngày đại lễ, trong năm còn diễn ra lễ cầu mùa (2-6) và Tết cơm mới vào tháng 8. Vào lễ cầu mùa, chủ lễ (người được dân làng tín nhiệm) chọn ngày lành, tháng tốt tiến hành dâng lễ cầu cho mưa thuận gió hòa, một năm mùa màng bội thu. Sau đó chủ lễ sẽ cấy những cây mạ non đầu tiên xuống một thửa ruộng. Đến mùa lúa chín, chủ lễ gặt chính những bông lúa ở ruộng cấy này để phát cho bà con trong lễ cúng cơm mới vào tháng 8. Lễ cúng cơm mới là một trong bốn nghi lễ quan trọng trong năm thể hiện lòng biết ơn của dân làng đối với các vị thần linh, quan làng đã phù hộ cho dân làng có một vụ mùa bội thu. Sau nghi lễ cúng cơm mới, ông chủ lễ mang chia cho mỗi gia đình một bát gạo. Số gạo này các gia đình mang về làm cơm cúng gia tiên mừng một vụ mùa no đủ.

Đối với người dân nơi đây, đình làng là nơi linh thiêng, cũng là nơi xây nên đời sống văn hóa tinh thần của người dân. Dù ai đi xa, đều nhớ tới đình làng, như nhớ về nguồn cội, nhớ về nếp sinh hoạt đầm ấm của quê hương.

Theo TQĐT