Trang phục truyền thống là một trong những di sản văn hóa, mang đậm nét đặc trưng của dân tộc Dao đỏ ở huyện Lâm Bình (Tuyên Quang) cần được bảo tồn và phát huy
Nghệ nhân Phùng Thị Tâm ở thôn Noong Cuồng, xã Phúc Sơn (Lâm Bình- Tuyên Quang) cho biết, phụ nữ Dao đỏ thường tự tay làm trang phục truyền thống với các công đoạn rất tỉ mỉ, đòi hỏi sự kiên trì và khéo léo.
|
Phụ nữ Dao đỏ thường tự tay làm trang phục cho mình và người thân |
|
Tỉ mỉ thêu những họa tiết lên trang phục truyền thống |
|
Những họa tiết, hoa văn mô phỏng hình cỏ cây, hoa lá… |
Để thêu được một bộ trang phục truyền thống hoàn chỉnh của phụ nữ Dao đỏ phải mất mấy tháng trời. Từ chiếc khăn đội đầu, áo, yếm đến dây thắt lưng… đều được thêu bởi những họa tiết, hoa văn mô phỏng hình cỏ cây, hoa lá, con vật gần gũi với cuộc sống của người dân như hình quả trám, hình cây thông, hình chữ thập... Có những hoa văn thêu rất khó, đó là những đường thêu vắt chéo, chồng nhau tạo nên những họa tiết hình cây cối, hoa lá… đòi hỏi phải là người có kỹ năng kinh nghiệm thêu thùa nhiều năm.
|
Màu đỏ vẫn là màu chủ đạo trong trang phục truyền thống |
|
Trang phục người Dao đỏ quan trọng nhất là chiếc áo dài |
|
Khăn đội đầu được thêu kín các họa tiết |
|
Chuỗi quả bông đỏ trước ngực |
Với phụ nữ người Dao đỏ, trang phục quan trọng nhất là chiếc áo dài. Áo tứ thân màu chàm hoặc đen dài ngang ống chân. Áo không khoét nách mà tay đấu thẳng vào thân với hoa văn trang trí tập trung ở viền nẹp ngực, tà áo và đầu ống tay áo bằng các họa tiết trang trí hình dấu chân hổ, hình răng cưa, quả trám, thập ngoặc và hình hoa cúc... Những họa tiết này không chỉ giúp làm đẹp cho chiếc áo mà còn thể hiện mong ước một cuộc sống phú quý, hạnh phúc, gia đình khỏe mạnh của dân tộc Dao đỏ.
Quần người Dao đỏ tuy đơn giản nhưng cũng được thêu những hoa văn và họa tiết ở nửa dưới của hai ống quần là: Hình vuông, hình chữ nhật màu đỏ, vàng, trắng, hình cây thông, hình chữ vạn... Khăn đội đầu (hay còn gọi là Goòng phà) được thêu kín các họa tiết trang trí hình tam giác, hình quả trám mô phỏng chiếc cối giã gạo bằng sức nước của người Dao, qua đó, mong muốn mùa màng bội thu, cơm gạo đủ đầy.
|
Nghệ nhân Phùng Thị Tâm (đeo kính) đang truyền đạt kinh nghiệm cho thế hệ trẻ |
Trong những năm qua, huyện Lâm Bình đã đưa trang phục truyền thống trở nên phổ biến trong cuộc sống đồng bào các dân tộc. Từ đó, nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc trên địa bàn. Hiện nay, tại các bản làng nơi đồng bào người Dao đỏ sinh sống, nhiều phụ nữ vẫn tự tay dệt thêu thùa may vá trang phục cho mình và cho người thân trong gia đình.
|
Phụ nữ Dao đỏ đẹp nhất là khi khoác trên người trang phục truyền thống |
Trong các dịp lễ hội, lễ tết, những ngày trọng đại của đất nước cũng như của gia đình của dòng họ thì người Dao đỏ Lâm Bình đều mặc trang phục dân tộc. Và thực sự, người phụ nữ Dao đỏ đẹp nhất là khi họ được khoác trên người trang phục truyền thống của dân tộc mình. Huyện Lâm Bình đang phát triển du lịch theo hướng khai thác điểm đến du lịch gắn liền với bảo vệ và phát huy đặc trưng của cộng đồng địa phương. Do vậy, việc gìn giữ bảo tồn trang phục truyền thống của người Dao đỏ là việc làm hết sức có ý nghĩa, góp phần tích cực vun đắp tình yêu văn hóa truyền thống, gìn giữ và phát huy bản sắc dân tộc.
Theo congthuong.vn/