Chủ động đầu ra cho cam sành Hàm Yên

Thứ tư, ngày 21/12/2022 - 08:21
Đã xem: 1,148 views

Thời điểm này vựa cam sành của huyện Hàm Yên bắt đầu vào vụ thu hoạch. Mọi hoạt động xúc tiến, quảng bá, phương án tiếp cận thị trường đã khởi động, tất cả vì mục tiêu đưa quả cam sành Hàm Yên mở rộng thị trường tiêu thụ.

Mở rộng thị trường

Năm nay, diện tích trồng cam của huyện Hàm Yên có trên  6.155 ha, trong đó có 5.696 ha cho thu hoạch (giảm 1.000 ha so với năm 2021). Năng suất cam ước đạt 130 tạ/ha, tổng sản lượng ước đạt 74.200 tấn. So với những năm trước, năm nay cam sành Hàm Yên chín muộn gần 1 tháng. Thường thì đầu tháng 12 cam sành đã chín vàng nhưng đến thời điểm này nửa cuối tháng cam vẫn còn xanh, độ ngọt chỉ đạt khoảng 10/12.

Theo ghi nhận của các thương lái cam, không chỉ cam của huyện Hàm Yên chín muộn mà hầu hết các vùng cam khác trong cả nước cũng tương tự, vì vậy mà thị trường cam thời điểm hiện tại khá trầm, mặc dù vậy, giá cam năm nay cao hơn so với cùng kỳ năm trước, dao động từ 9.000 đồng đến 11.000 đồng/kg (tăng 2 - 3 nghìn đồng/kg).

Theo ông Phạm Quốc Hùng, Giám đốc Trung tâm Cây ăn quả huyện Hàm Yên, việc cam chín muộn so với mọi năm không ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ của thị trường. Hiện thị trường tiêu thụ của cam Hàm Yên được chia thành 2 nhóm: đối với cam còn xanh chủ yếu tập trung vào thị trường các tỉnh miền Trung, miền Nam và Tây Nguyên trong khoảng thời gian từ tháng 11 đến tháng 12. Đối với sản phẩm cam chín chủ yếu tiêu thụ ở các tỉnh miền Bắc và một số tỉnh miền Trung thời gian từ tháng 1 đến tháng 2 hàng năm.

Cam sành Hàm Yên được trưng bày, giới thiệu tại Hội chợ triển lãm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cam chủ yếu được tiêu thụ qua các chợ đầu mối như: Bắc Thăng Long, Phùng Khoang, Chèm, Long Biên (Hà Nội), chợ Hải Dương, Bắc Ninh, Vinh (Nghệ An), Phú Hậu, Đông Ba (Huế), Hòa Cường (Đà Nẵng), thành phố Hồ Chí Minh, Đắc Lắk, Lâm Đồng... Cam còn được tiêu thụ qua các tập đoàn phân phối có các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện ích như; BigC, Vinmart & Vinmart, Lote, Fivimart, Vincom...; chuỗi các cửa hàng sản phẩm sạch. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có khoảng 30 chủ hộ chuyên kinh doanh về cam đưa đến các chợ trung tâm các tỉnh, các điểm bán hàng phục vụ cho tiêu thụ lưu động tại các tỉnh miền Bắc...

Những năm gần đây, cam còn được tiêu thụ mạnh qua các nền tảng mạng xã hội như: Facbook, Zalo, sàn Thương mại điện tử Fostmart... Bắt kịp xu thế của việc bán hàng qua mạng, UBND huyện Hàm Yên cũng đã xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị tập huấn về truyền thông và bán hàng qua các trang mạng xã hội Tiktok, facebook, Zalo cho các tổ công nghệ số cộng đồng các xã, thị trấn, các Hợp tác xã, các hộ gia đình có sản phẩm cam.

Việc tổ chức tập huấn giúp triển khai phát triển cửa hàng số cho hộ gia đình trên các nền tảng số; phát triển người mua thông qua cửa hàng số, định vị địa chỉ số, xác định nguồn gốc sản phẩm, dùng công nghệ số để kết nối người bán và người mua, phát triển tài khoản thanh toán điện tử. Với việc đẩy mạnh kênh bán hàng qua mạng, huyện Hàm Yên đặt ra mục tiêu có thể tiêu thụ trên 4.000 tấn cam qua kênh này.

Chị Nông Thúy Nga, thôn 5, xã Minh Phú hiện có 8 ha cam sành, tương đương 120 tấn chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch.  Chị Nga cho biết, nhờ có kênh bán hàng qua mạng giữ được uy tín trong thời gian qua thì việc tiêu thụ cam đối với chị không đáng lo, chỉ lo về giá. Nếu mỗi Hợp tác xã, hộ trồng cam sản xuất đảm bảo uy tín, chất lượng, không ngừng tìm cách mở rộng thị trường thì cam Hàm Yên sẽ phát triển, giá cả ổn định.

Ổn định đầu ra 

Theo báo cáo của UBND huyện Hàm Yên, hiện diện tích cam VietGAP và hữu cơ trên địa bàn đạt trên 1.000 ha, chiếm tỷ lệ khoảng 1/6 tổng diện tích toàn huyện. Cam trồng theo tiêu chuẩn tập trung ở 4 Hợp tác xã trên địa bàn huyện Hàm Yên. Các hộ trồng cam theo tiêu chuẩn khá yên tâm với đầu ra thị trường do Hợp tác xã đứng ra hỗ trợ tìm đầu mối tiêu thụ cho các thành viên đảm bảo giá bán theo thị trường. Để tìm kiếm các thị trường tiêu thụ cam, UBND huyện Hàm Yên hỗ trợ các Hợp tác xã tham gia các hội chợ, trưng bày giới thiệu sản phẩm cam ở các trung tâm thương mại các tỉnh, thành trong cả nước. Các Hợp tác xã tham gia vừa bán vừa giới thiệu, quảng bá sản phẩm đồng thời tìm kiếm bạn hàng mới.

Vườn cam gia đình chị Nông Thúy Nga, thôn 5, xã Minh Phú (Hàm Yên) chuẩn bị đến ngày thu hoạch.

Trong tháng 12 này, Hợp tác xã Cam sành Yên Lâm đã tham gia gian hàng giới thiệu cam tại Hội chợ thương mại tỉnh Nam Định, ngay sau đó Hợp tác xã tiếp tục tham gia gian hàng tại Hội chợ triển lãm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Với Hợp tác xã Nông nghiệp và Thương mại Minh Phú thì việc tiếp cận thị trường bằng một hướng đi khác.

Anh Đào Công Đoàn, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, để tiêu thụ cam, thời gian qua Hợp tác xã được Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Tuyên Quang và Công ty cổ phần Công nghệ phát triển quốc tế KTS DES GROUP tư vấn, hỗ trợ tạo các gian hàng trực tuyến bán cam qua mạng. Hợp tác xã cũng hỗ trợ bà con cách thức bán hàng trực tuyến qua mạng xã hội như zalo, facebook. Hợp tác xã đảm bảo bao tiêu khoảng 120 ha cam với sản lượng khoảng 1.500 tấn. Bán cam thông qua hệ thống của Hợp tác xã chất lượng sản phẩm đảm bảo đúng tiêu chuẩn do vậy khách hàng rất yên tâm khi mua sản phẩm.

Nắm bắt được xu thế của thị trường, chị Bùi Thị Hải, xã Bình Xa (Hàm Yên) một trong những hộ đầu mối đưa sản phẩm cam đi các tỉnh miền trung và phía Bắc thời gian qua đã thực hiện liên kết với trên 400 hộ trồng cam trên địa bàn các xã như Bình Xa, Minh Hương, một số xã của huyện Chiêm Hóa, Yên Sơn. Chị Hải đứng ra đầu tư cho các hộ vốn, phân bón, thuốc trừ sâu... hướng dẫn các hộ trồng cam theo đúng tiêu chuẩn VietGAP. Sau khi thu hoạch chị Hải cam kết bao tiêu sản phẩm cho các hộ theo giá thị trường. Chị Hải cho biết, việc liên kết với bà con giúp chị ổn định việc cung cấp cam cho khách hàng, bên cạnh đó các hộ trồng cam có nguồn vốn đầu tư cho cây cam cho năng suất, chất lượng, yên tâm về vấn đề tiêu thụ.

Theo đồng chí Đàm Ngọc Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hàm Yên, hiện nay  đầu ra cho thị trường cam vẫn thiếu ổn định, việc liên kết giữa hộ trồng cam với doanh nghiệp, HTX còn thiếu chặt chẽ. Muốn đưa cam vào hệ thống các siêu thị, trung tâm thương mại hoặc qua các nhà phân phối tiêu thụ lớn đòi hỏi cam phải được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc hữu cơ có chỉ dẫn địa lý. Do vậy, để nâng cao hiệu quả và phát triển thị trường cam một cách ổn định, Hàm Yên đang tập trung khuyến khích các nhà vườn sản xuất theo tiêu chuẩn, đáp ứng các điều kiện khắt khe nhất, từng bước đưa cam chinh phục các thị trường khó tính và hướng đến xuất khẩu. 

Theo TQĐT