TỔNG QUAN VỀ TỈNH TUYÊN QUANG

Thứ bảy, ngày 08/04/2017 - 22:28
Đã xem: 46,443 views

Vị trí địa lýTuyên Quang cách thủ đô Hà Nội 140km về phía Bắc, phía Đông giáp tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên; phía Tây giáp tỉnh Yên Bái; phía Nam giáp tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc; phía Bắc giáp tỉnh Hà Giang, Cao Bằng.

1. Địa lý
Tuyên Quang cách thủ đô Hà Nội 140km về phía Bắc, phía Đông giáp tỉnh Bắc Kạn, Thái Nguyên; phía Tây giáp tỉnh Yên Bái; phía Nam giáp tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc; phía Bắc giáp tỉnh Hà Giang, Cao Bằng.

Ðịa hình tỉnh bao gồm vùng núi cao chiếm khoảng 50% diện tích toàn tỉnh gồm toàn bộ huyện Na Hang, Lâm Bình, 06 xã vùng cao của huyện Chiêm Hóa (Phúc Sơn, Minh Quang, Phú Bình, Bình Phú, Yên Lập, Kiên Đài) và 02 xã vùng cao của huyện Hàm Yên (Phù Lưu, Yên Lâm); vùng núi thấp và trung du chiếm khoảng 50% diện tích của tỉnh, bao gồm các xã còn lại của 02 huyện Chiêm Hóa, Hàm Yên và các huyện Yên Sơn, Sơn Dương, thành phố Tuyên Quang. Ðiểm cao nhất là đỉnh núi Cham Chu (Hàm Yên) có độ cao 1.587m so với mực nước biển.

Đường giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh là quốc lộ 2 từ Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Tuyên Quang, Hà Giang đoạn qua địa bàn tỉnh dài 90km; quốc lộ 37 từ Thái Nguyên qua huyện Sơn Dương, Yên Sơn đi Yên Bái; quốc lộ 2C từ Vĩnh Phúc đi Tuyên Quang đến trung tâm huyện Na Hang; quốc lộ 279 từ Bắc Kạn qua Tuyên Quang đi Hà Giang. Hệ thống sông ngòi của tỉnh bao gồm 500 sông suối lớn nhỏ chảy qua. Các sông chính như: Sông Lô, sông Gâm, sông Năng (sông Ngang) sông Phó Ðáy.

* Khí hậu
- Nhiệt độ trung bình hằng năm 220C - 240C
- Nhiệt độ cao nhất trung bình 330C - 350C.
- Nhiệt độ thấp nhất trung bình từ 120C - 130C.
- Lượng mưa trung bình hằng năm từ 1.500 - 1.700 mm.

Mang đặc điểm khí hậu nhiệt đới gió mùa, chịu ảnh hưởng của khí hậu lục địa Bắc Á Trung Hoa có 2 mùa rõ rệt: Mùa đông lạnh - khô hạn và mùa hè nóng ẩm mưa nhiều; mưa bão tập trung từ tháng 5 đến tháng 8; tháng lạnh nhất là tháng 11 và 12 (âm lịch).

* Diện tích tự nhiên: 5.867,90 km2

* Dân số: 760.289 người (năm 2015)

* Dân tộc: Tuyên Quang có 22 dân tộc cùng sinh sống, trong đó có trên 52% là người dân tộc thiểu số như: Dân tộc Tày 25,45 %; dân tộc Dao 11,38 %; dân tộc Sán Chay chiếm 8,0%; dân tộc Mông chiếm 2,16%; dân tộc Nùng chiếm 1,90%, dân tộc Sán Dìu chiếm 1,62%, các dân tộc thiểu số khác chiếm 1,28%.

2. Hành chính
Tuyên Quang có 7 đơn vị hành chính gồm 1 thành phố (thành phố Tuyên Quang) và 6 huyện (Sơn Dương, Yên Sơn, Hàm Yên, Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình).

2.1 Thành phố Tuyên Quang
Thành phố Tuyên Quang được che chắn bởi các dãy núi cao, xen kẽ nhiều đồi núi thấp. Phía Đông, phía Bắc, phía Tây giáp huyện Yên Sơn; phía Đông Nam giáp huyện Sơn Dương. Trung tâm thành phố nằm hai bên bờ sông Lô, gồm 13 xã, phường, diện tích là 119,06 km2, dân số 94.855 người (năm 2015).

Thành phố Tuyên Quang là trung tâm văn hóa - kinh tế - chính trị của tỉnh Tuyên Quang. Thành phố có 59 điểm di tích lịch sử văn hóa và 4 lễ hội độc đáo hàng năm gồm: Lễ hội đua thuyền, Lễ hội chùa Hương Nghiêm (chùa Hang), Lễ hội Rước Mẫu đền Hạ và Lễ hội Thành Tuyên (lễ hội đường phố). Trong đó có 18 điểm di tích đền chùa đã trở thành thế mạnh trong việc phát triển du lịch văn hóa tâm linh của thành phố. Đặc biệt là công trình Tượng đài "Bác Hồ với nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang" và đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quảng trường Nguyễn Tất Thành được khánh thành năm 2015, có ý nghĩa chính trị quan trọng, đồng thời là công trình văn hóa, kiến trúc nghệ thuật độc đáo thể hiện tình cảm của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang với Bác Hồ kính yêu.

2.2 Huyện Sơn Dương
Huyện Sơn Dương nằm ở phía Nam của tỉnh Tuyên Quang, với tổng diện tích tự nhiên 787,95 km², dân số 179.499 người, có 33 đơn vị hành chính trực thuộc gồm 01 thị trấn Sơn Dương và 32 xã. Sơn Dương tự hào có Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Tân Trào gắn liền với hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các bộ, ban, ngành; ghi dấu những sự kiện trọng đại của đất nước trong thời kỳ chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 và trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, là Thủ đô Khu giải phóng - Thủ đô kháng chiến.

2.3 Huyện Yên Sơn
Huyện Yên Sơn nằm bao quanh thành phố Tuyên Quang với tổng diện tích tự nhiên là 1.133,01 km², dân số 165.908 người, và có 30 đơn vị hành chính trực thuộc. Huyện có nhiều di tích lịch sử văn hóa như: Khu di tích lịch sử cách mạng Lào (Làng Ngòi - Đá Bàn), Đình Làng Giếng Tanh, Chùa Phổ Linh, Khu di tích ATK Kim Quan…và khu du lịch Suối khoáng nóng Mỹ Lâm.

2.4 Huyện Hàm Yên
Huyện Hàm Yên nằm ở phía Bắc của tỉnh, với tổng diện tích tự nhiên 900,55 km², dân số 115.026 người, có 18 đơn vị hành chính trực thuộc. Thị trấn Tân Yên là trung tâm huyện lỵ, nằm trên quốc lộ 2, cách thành phố Tuyên Quang khoảng 40 km về hướng Tây Bắc, huyện cũng là nơi con sông Lô chảy qua. Huyện Hàm Yên có thắng cảnh quốc gia Động Tiên, khu du lịch sinh thái Cao Đường.

2.5 Huyện Chiêm Hóa
Huyện Chiêm Hóa nằm ở phía Bắc của tỉnh với diện tích tự nhiên 1.278,83 km², dân số trên 129.836 người, có 25 xã và 01 thị trấn. Huyện Chiêm Hóa nổi tiếng với khu di tích lịch sử Kim Bình nơi tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng - đây là Đại hội đầu tiên của Đảng được tổ chức ở trong nước và cũng là nơi Đại hội duy nhất hiện nay được tổ chức ở một địa phương ngoài Thủ đô Hà Nội; huyện còn nổi tiếng với danh thắng quốc gia thác Bản Ba. Cùng với huyện Na Hang, Lâm Bình, Chiêm Hóa là trung tâm đang bảo tồn, lưu giữ và phát huy giá trị của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia độc đáo Nghi lễ Then và Lễ hội Lồng Tông của người Tày.

2.6 Huyện Na Hang
Là huyện miền núi vùng cao, cách trung tâm tỉnh lỵ 110km, diện tích tự nhiên 863,53 km2, dân số 43.964 người, huyện có 12 đơn vị hành chính trực thuộc. Huyện có Công trình Hồ thủy điện Tuyên Quang lớn thứ tư toàn quốc; khu du lịch sinh thái Na Hang với diện tích lên tới 15.000 ha, khu bảo tồn thiên nhiên Tát Kẻ -Bản Bung có nhiều động thực vật quý hiếm đã được ghi vào sách đỏ thế giới. Na Hang ngoài sức cuốn hút kỳ lạ của một vùng sinh thái, nơi đây còn có bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú của nhiều dân tộc: Tày, Dao, Mông, Kinh... với những làn điệu Then, Sli, Lượn... cùng với tiếng đàn Tính, hát Páo dung làm say đắm lòng người. Na Hang còn là "Trung tâm" (vùng lõi) bảo tồn, lưu giữ những giá trị của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ cấp sắc, hát Páo dung của dân tộc Dao.

2.7 Huyện Lâm Bình
Huyện Lâm Bình có 784,97 km2 diện tích tự nhiên và 31.201 người; có 08 đơn vị hành chính trực thuộc. Lâm Bình có 6 di tích lịch sử văn hóa quốc gia những thắng cảnh đẹp như Động Song Long, thác Mặn Me, thác Khuổi Nhi, thác Khuổi Súng, nổi bật nhất là 99 ngọn núi xã Thượng Lâm được ví là "Hạ Long cạn giữa đại ngàn", có di chỉ khảo cổ hang Phia Vài với bộ di cốt người nguyên thủy hóa thạch có niên đại khoảng 12.000 năm tuổi và Lâm Bình còn được biết đến như là một trong những cái nôi của người Việt cổ.

Ban Biên tập