Đôi nét về văn hóa ẩm thực của người Tày huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang

Thứ sáu, ngày 30/06/2017 - 13:40
Đã xem: 12,280 views

Mỗi dân tộc ở mỗi vùng miền đều có truyền thống văn hóa riêng về ngôn ngữ, trang phục, nhà ở, nền nếp sinh hoạt, cưới xin, ma chay,... trong đó ẩm thực là một nét đặc trưng hết sức riêng biệt.

      Hiện nay việc giao thoa văn hóa giữa các dân tộc thiểu số trong nước với dân tộc Kinh phát triển khá mạnh mẽ, nhiều con em dân tộc Tày đã thay đổi hoàn toàn trang phục, nếp sống và một số người không còn biết nói tiếng Tày nữa.

     Đặc biệt, trước sự thay đổi lớn của thiên nhiên như diện tích rừng bị thu hẹp, sông suối cạn kiệt, muông thú, cá tôm giảm đáng kể những tác động của tự nhiên và xã hội đã ảnh hưởng lớn đến nếp sống văn hóa cổ truyền của các dân tộc. Nhiều yếu tố văn hóa truyền thống bị thay đổi có những cái đã mất hẳn từ lâu, nay nhắc lại như truyện cổ tích. Vì vậy trong bài này xin nêu lên một số nét văn hóa ẩm thực tuyền thống của người Tày tỉnh Tuyên Quang để bạn đọc tham khảo cùng suy ngẫm.

     Ẩm thực theo tiếng Hán có nghĩa là ăn uống, nó bao hàm cả đồ ăn thức uống, cách chế biến và cách ăn cách uống của từng dân tộc, từng cộng đồng.

Xôi ngũ sắc của đồng bào dân tộc Tày

     Về đồ uống (Ẩm ): Đồ uống của người Tày cũng như nhiều dân tộc khác chủ yếu là trà và rượu.

     - Trà: Người Tày thường uống trà sau bữa cơm hay khi có khách. Nhưng điều đặc biệt là cách pha trà của người Tày ở nhà sàn khá độc đáo dụng cụ pha trà gồm: một ấm đun nước bằng đồng, một vung nồi đồng rộng khoảng 20 cm, một bộ ấm chén pha trà bằng sứ, Trà búp khô thường để trong ống nứa đặt trên gác bếp, cách pha trà như sau:

     Đặt ấm lên bếp đun cho nước sôi, lấy cặp bới than đỏ ra cạnh bếp đặt chiếc vung nồi lên đó để sao lại trà với lượng vừa đủ pha một ấm, khi trà bỏng dòn có mùi thơm thì bỏ vào ấm pha trà vừa được tráng nước sôi, đổ một ít nước sôi vào tráng trà, sau đó mới đổ nước sôi vào ấm với lượng vừa đủ, để đến khi trà ngấm thì lấy nước sôi tráng toàn bộ chén cho sạch và nóng lúc đó mới rót trà ra chén mời khách. Mùa đông người Tày thường tiếp khách tại bếp lửa vừa uống trà vừa sưởi lửa.

     Đem trà sao lại trước khi pha chính là một cách thưởng thức trà độc đáo của dân tộc Tày khác hẳn nhiều dân tộc khác.

     Ngày nay các gia đình ở nhà sàn vẫn giữ được cách pha trà này.

     - Rượu: Trong các dịp lễ tết, có khách hay những bữa cơm có thức ăn ngon người Tày thường uống rượu trắng tự nấu bằng gạo hay ngô, men nấu rượu được làm từ nhiều cây thuốc quý trong rừng như hoa hồi, quế chi có hương thơm rất độc đáo . Rượu khoảng 35-38 độ đựng trong chai thủy tinh, uống bằng chén sứ , cách mời rượu của các cô gái Tày Tuyên Quang cũng đặc biệt khéo léo làm cho người uống không thể chối từ và ngây ngất nồng say.

     Dịp tết nguyên đán hay tết Vu lan ngoài rượu trắng Người Tày còn làm thêm rượu hoãng ( lẩu vạng ) là loại rượu gạo ủ chín nhưng không trưng cất mà cứ để thế uống có màu trắng như nước gạo, khoảng 15-20 độ vừa ngọt vừa cay. Nam nữ thanh niên đều rất thích uống loại rượu này, ngày tết khi khách đến chơi nhà người Tày thường mời rượu hoẵng thay trà.

     Tết 5/5 nhà nào cũng làm rượu nếp ( lẩu van ) bằng nếp cái hoặc nếp cẩm, ăn cả cái và nước vừa cay vừa ngọt.

     Người Tày truyền thống không uống rượu cần, không uống bia, không uống cà phê, côca, hay nước hoa quả.

     Về đồ ăn (thực): Trước hết phải nói về khẩu vị đặc biệt ưa thích của người Tày đó là vị chua. Người Tày xưa có câu: “ Ngô mí hăn pì Ngô lôộm, Tày mí hăn thôổm Tày hai “nghĩa là người Trung Quốc không thấy mỡ thì ngã, người Tày không thấy chua thì chết, điểm lại các món ăn của người Tày chủ yếu là vị chua như: Trám, khế, sấu, măng chua, thấm lầm, tai chua , mẻ, dưa cải, thịt lợn làm mắm chua, đặc biệt cá chép (nuôi ở ruộng lúa) làm mắm chua gọi là (Pia bẳm nà) là món ăn ngon nổi tiếng của người Tày. Măng chua dùng để sào thịt trâu, bò hoặc nấu canh thịt gà, cá. Trám trắng, sấu, tai chua, lá thấm lầm để nấu thịt gà nấu cá hay kho cá, khế dùng để nấu canh hay nộm thịt bò, dê, mẻ dùng làm nước chấm măng vầu nướng, rau sống hoặc nấu cá, kiệu muối dưa, dọc mon muối chua ...

     Như vậy trong bữa ăn truyền thống của người Tày không bao giờ thiếu vị chua các món canh, sào, kho, nấu, nước chấm đều có vị chua. Đó chính là khẩu vị riêng có của người Tày.

     Ngoài ra người Tày cũng rất ưa vị đắng như măng vầu đắng (mảy khôm), mướp đắng (kháy khôm), rau đắng cảy (phiắc tẳng cáy) lá đắng nấu canh (khôm kìa), hoa cây kè, quả núc nác, ngọn cây đu đủ cũng là món ăn có vị đắng ưa thích của người Tày. Khi mổ lợn, dê, trâu, bò làm cỗ không bao giờ thiếu bát canh lá đắng nấu tiết.

     Cũng như các dân tộc khác người Tày ăn cơm hàng ngày, bữa phụ buổi sáng, hai bữa chính là trưa và chiều, nhưng đặc biệt là ngày xưa người Tày hầu như chỉ ăn sôi nếp ít khi ăn cơm tẻ (Giống người Lào). Sáng sớm hàng ngày mỗi nhà đồ một chõ xôi bỏ vào cái Vàng treo lên móc ở gian bếp để ăn cả ngày. Hiện nay cá biệt còn nhà ông Ma đình Piầu thôn bản Luông xã Hồng Quang huyện Lâm Bình đến nay vẫn chỉ ăn cơm nếp. Ăn sôi nếp vừa dẻo, vừa ngon, no lâu không mất thời gian nấu ba bữa. Người Tày có câu: “Khẩu nua pia chí “ nghĩa là “cơm nếp cá nướng” thể hiện cuộc sống ấm no sung túc.

     Ngày nay với nhiều lý do khác nhau nếp sống này đã mất từ lâu người Tày cũng dùng cơm tẻ hàng ngày như các dân tộc khác, sôi nếp chỉ còn dùng trong các dịp lễ, tết, cúng, tế...

     Các loại bánh thường dùng:

     - Tết nguyên đán: Làm bánh chưng gói vuông có loại đơn có loại bó gộp hai cái vào nhau gọi là bánh quan (pẻng quăng ), có loại gói như cái bánh tẻ to gọi là bánh lưng gù ( pẻng lăng kho ). bánh khảo thường làm khuôn tròn trên mặt có hoa văn, hoặc làm khuôn hình chữ nhật, bánh bỏng, bánh bìa...

     - Tết thanh minh ngày 3 tháng 3 âm lịch: Xôi đỏ, xôi đen, làm bánh trôi ,bánh chay (pẻng thăng viền) bánh nẳng (pẻng đấng). Đặc biệt bánh trứng kiến (pẻng kháy lày) là loại bánh riêng biệt nhất của người Tày, bánh làm bằng bột nếp như bánh dậm nhưng nhân bánh làm bằng trứng loại kiến đen (moột lày) làm tổ trên cây đến tháng 3 thì trứng kiến mẩy nhất, người ta lấy trứng về xào cùng thịt lợn nạc băm nhỏ thêm gia vị, phi hành mỡ thơm lừng để làm nhân bánh, gói bánh bằng lá ngõa non, đưa vào chõ đồ cho chín. Khi ăn thì ăn cả lá ngõa non đó mới cảm nhận hết hương vị thơm ngậy của nhân, ngon bùi của bánh.

     - Tết rằm tháng 7 (Vu lan báo hiếu): Làm bánh gai (pẻng pán) , bánh dậm (pẻng dậm), bánh mật, bánh chuối thường gói thành cặp (gọi chung là pẻng tải).

     Trong lễ cưới: Đặc biệt trong lễ đón dâu ngoài bánh trưng, bánh dầy tượng trưng cho trời đất, người Tày còn làm một loại bánh gọi là pẻng mooc bằng bột nếp nhân thịt gà băm nhỏ phi hành mỡ, trộn với đỗ xanh nấu chín dã mịn, trông giống cái bánh dầy nhưng bằng cái đĩa to, trên mặt bánh dán một hoặc ba chiếc lá cây mat giống lá đào có hương rất thơm, loại bánh đặc biệt này làm 12 cái tượng trưng cho 12 tháng trong năm.

     Ý nghĩa sâu xa của loại bánh này trong lễ đón dâu như thế nào nay không còn ai biết nhưng nhìn chiếc bánh ta thấy nó có ý nghĩa phồn thực rất cao, nhất là loại bánh này chỉ làm trong lễ đón dâu mà không làm trong bất cứ dịp nào khác. Như vậy phải chăng nhà trai dâng loại bánh này cho nhà gái với mong muốn sẽ đón được cô thảo hiền đức hạnh.

     - Tháng chín âm lịch: Thường làm cốm (khẩu mẩu) và bánh cốm là một món ăn rất thơm ngon và tinh tế, các gia đình làm Then thì đều phải làm khẩu mẩu lẩu then như một lễ hội giã cốm.

     Các loại thực phẩm:

     Ngày xưa người Tày chủ yếu săn bắn hái lượm trong tự nhiên Như: rau dớn, rau dền, rau bao, rau ngót rừng, rau bò khai, rau đắng cảy, nõn cọ, nõn đao, măng vầu, măng tre, măng nứa, măng giang, trám, sấu, khế.

     Ngày xưa mỗi làng có một đội thợ săn thường săn hươu nai, lợn rừng, cầy cáo thậm trí cả hổ, gấu. Người Tày rất giỏi quăng chài thả lưới, làm sa, làm vẹ, đơm đó để bắt cá tôm...

     Ngày nay môi trường thay đổi so với trước rất nhiều muông thú, cá tôm hầu như không còn, người Tày đã chủ động trồng các loại rau cải, bí, mướp, su hào, bắp cải .v.v. và chăn nuôi chủ yếu là trâu, bò, dê, lợn, gà, vịt, ngan, ngỗng để làm thực phẩm.

     Các món ăn thường ngày chế biến đơn giản chủ yếu là sào, nấu, nướng, ngày lễ, tết chế biến cầu kỳ hơn thì có lợn quay, vịt quay, lạp xường, khau nhục, măng vầu nhồi thịt (nhương mảy pàu), nhưng những món ưa thích nhất là cá chép ruộng làm mắm chua (pia bẳm nà) thịt lợn làm mắm chua, thịt trâu khô làm sẵn để trên gác bếp ăn cả năm.

     Văn hóa ẩm thực là những nét đặc trưng của mỗi dân tộc đã có ngay từ khi hình thành bản mường làng xóm của từng tộc người và thay đổi dần theo điều kiện sống của mỗi thời kỳ.

     Xin được nêu một số nét về văn hóa ẩm thực cơ bản của người Tày huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang ngày xưa để bạn đọc cùng tham khảo.

Theo: http://tuyenquang.tintuc.vn