Tuyên Quang là tỉnh duy nhất trong cả nước có đủ 9 ngành Dao, với gần 100 nghìn người. Bởi vậy, đồng bào Dao trong tỉnh có đời sống văn hoá, tinh thần và nét văn hoá giàu bản sắc được gìn giữ từ nhiều đời nay. Trong đó, phải kể đến điệu múa chuông linh thiêng, được sử dụng trong hầu hết các hoạt động sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng của đồng bào Dao.
Với đồng bào dân tộc Dao, múa chuông là điệu múa chính trong các nghi lễ quan trọng như: Tết nhảy (là một nghi lễ tạ ơn tổ tiên, Bàn Vương); Lập tịnh (cấp sắc, đặt tên cho người trưởng thành); Tết thanh minh, tiễn đưa người mất, cầu mùa…
Ông Bàn Xuân Đông, Chủ nhiệm CLB Dao đeo tiền xã Yên Nguyên (Chiêm Hoá) chia sẻ, múa chuông là điệu múa linh thiêng của người dân tộc Dao tiền, vì vậy, các thành viên trong CLB đều được học điệu múa chuông. Điệu múa thường có 6 người hoặc 8 người thực hiện, được kết hợp cùng các nhạc cụ tự tạo của dân tộc, tạo nên bản sắc riêng, có ý nghĩa trang trọng, linh thiêng. Đặc biệt, múa chuông vào đầu năm còn để mong một năm mùa màng tốt tươi, bội thu; đến cuối năm lại là múa mừng được mùa, thay lời tạ ơn tổ tiên, trời đất phù hộ để đồng bào có một năm mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, đời sống ngày càng ấm no.
Phụ nữ dân tộc Dao biểu diễn điệu múa chuông.
Người xem dễ nhận thấy, chiếc chuông nhỏ bằng đồng có chuôi là đạo cụ chính để người múa cầm, tạo ra điệu nhạc nhịp nhàng, khoẻ khoắn. Tiếng chuông rộn ràng được đưa lên, chiếc tua màu đỏ ở chuôi chuông cũng được nâng lên, hạ xuống theo nhịp điệu, tạo nên sự sinh động và đẹp mắt, thể hiện tinh thần phấn khởi, vui tươi. Chính vì vậy, trong các ngày lễ, Tết, dịp lễ hội đầu năm của đồng bào Dao không thể thiếu điệu múa chuông.
Cùng với việc giữ gìn tiếng nói, trang phục… điệu múa chuông được đồng bào Dao rất quan tâm chú trọng truyền lại cho thế hệ trẻ. Em Đàng Thị Hà, thành viên Đội văn nghệ thôn Khâu Tràng, xã Hồng Thái (Na Hang) chia sẻ, từ khi học THCS em đã được học và tìm hiểu về các điệu múa của dân tộc mình, trong đó có điệu múa chuông. Ban đầu học em cũng thấy khó, nhưng khi được các ông, bà truyền dạy, hướng dẫn, em cảm thấy yêu thích và tự hào khi được mặc trang phục dân tộc và biểu diễn điệu múa chuông. Hiện nay, trong đội văn nghệ thôn có rất nhiều bạn trẻ học điệu múa chuông. Trong một số nghi lễ như cấp sắc thì phải là con trai múa chuông, nhưng trong lễ hội, các hoạt động văn nghệ, chúng em có thể múa cả nam và nữ.
Một mùa xuân mới đang về, những cô gái, chàng trai dân tộc Dao lại chuẩn bị những bộ trang phục đẹp nhất để tham gia các hoạt động văn hoá, văn nghệ, biểu diễn điệu múa chuông truyền thống. Ai cũng vui mừng khi đang góp một phần nhỏ bé để gìn giữ và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc mình.