Tháng 9 vừa qua, Ban Quản lý Khu du lịch sinh thái Nà Hang đã tổ chức khảo sát hang Khuổi Pín, thuộc xã Khuôn Hà (Lâm Bình).
Hang Khuổi Pín như một “mê cung trận” với nhiều bất ngờ thú vị.
Anh Bế Thế Linh, cán bộ của Ban Quản lý Khu du lịch sinh thái Nà Hang nói: “Tôi đã từng đi khám phá nhiều hang động của huyện Nà Hang và Lâm Bình nhưng chưa có hang động nào lớn và đẹp như hang động này. Hang Khuổi Pín thực sự được ví như hang Sơn Đoòng của tỉnh Quảng Bình, cần được nghiên cứu, khám phá, đánh giá một cách tổng thể”.
Theo khảo sát bước đầu, hang có chiều dài khoảng 500 m, chỗ rộng nhất trên 300 m, chỗ cao nhất trên 100 m. Hang có nhiều nhũ đá vôi với những hình thù tuyệt đẹp. Trong hang có nhiều mạch nước ngầm chảy ra thành suối với những hồ nước trong lòng hang. Xung quanh vùng đệm của hang là rừng cây nguyên sinh, không khí trong lành mát mẻ, phong cảnh hữu tình. Thời gian tới, Ban Quản lý sẽ tiến hành khảo sát thêm, đánh giá tổng thể các hang động núi đá vôi ở khu vực này.
Ông Chẩu Văn Chuyền và Chẩu Văn Đức, xã Khuôn Hà cho biết, trước kia nhiều người leo núi vẫn đồn thổi về một cái hang khổng lồ trên gần đỉnh núi đá. Do rừng rậm, đường đi hiểm trở nên ít người dân đặt chân tới được hang.
Ông Lê Thanh Sơn, Trưởng Ban Quản lý Khu du lịch sinh thái Nà Hang khẳng định, hang Khuổi Pín là hang động lớn, cảnh quan đẹp, Ban Quản lý đang đưa vào tua du lịch mạo hiểm, khám phá, khai thác du lịch trong thời gian tới. Mới đây, Thường trực Tỉnh ủy làm việc với ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh có đề nghị Ban Quản lý Khu du lịch sinh thái Nà Hang tiến hành khảo sát thêm các thác nước, hang động đẹp trên hành trình để phục vụ tua du lịch khám phá. Từ đó tạo ra nhiều sản phẩm du lịch, tăng sức hút cho du lịch vùng lòng hồ thủy điện Tuyên Quang.
Hiện nay, trên địa bàn xã Khuôn Hà còn có 3 di tích, danh thắng được công nhận là di tích quốc gia. Thắng cảnh động Song Long là một hang động đẹp và có quy mô khá lớn trong vùng. Hang cách mặt nước hồ thủy điện trên 200 m, lòng hang có chiều cao 40 m, rộng khoảng 50 m, dài trên 200 m. Trong hang có nhiều cột thạch nhũ với hình thù kỳ thú, màu sắc lấp lánh như hoa cương. Lòng hang được chia thành nhiều ngách ngăn nối tiếp nhau, hấp dẫn khách đến tham quan du lịch.
Thắng cảnh thác Nặm Me có chiều dài khoảng 4.000 m với 15 tầng thác lớn. Xen kẽ các tầng thác lớn là những tầng thác nhỏ với lưu lượng nước khá đều quanh năm. Thác có bề mặt rộng và thoáng, nước chảy bốn mùa len lỏi qua những cánh rừng nguyên sinh và dãy núi đá vôi trùng điệp. Vùng đệm của thác có cây rừng cổ thụ mang đặc trưng các loại gỗ quý hiếm vùng nhiệt đới, liền kề với mặt hồ thủy điện, tạo nên phong cảnh đẹp.
Di tích hang Phia Vài là di chỉ khảo cổ điển hình, tìm thấy hàng nghìn công cụ lao động có niên đại cùng thời văn hóa Hòa Bình và bộ di cốt người nguyên thủy bán hóa thạch. Những di cốt này nằm trong lớp trầm tích có độ kết vón rắn chắc cùng với các di tích động thực vật khác như ốc núi, cua đá, hạt trám là những di vật đặc trưng cho giai đoạn văn hóa có niên đại từ 10.000 đến 11.000 năm.
Việc phát hiện thêm hang Khuổi Pín, cùng với các di tích, danh thắng quốc gia sẽ là tua du lịch hấp dẫn du khách khám phá mảnh đất con người Khuôn Hà. Từ xã Khuôn Hà ra xã Thượng Lâm không xa, du khách có thể khám phá làng văn hóa du lịch Nà Tông, thăm chùa Phúc Lâm Tự, di tích lịch sử Xưởng Quân khí H52, danh thắng phong cảnh xã Thượng Lâm.
Theo baotuyenquang.com.vn