Hát then, giai điệu non cao

Thứ hai, ngày 25/12/2017 - 15:05
Đã xem: 6,096 views

Hát Then là loại hình nghệ thuật văn hóa dân gian luôn có sức sống khá mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Thái ở các tỉnh miền núi phía Bắc.

    Trải qua thời gian, sản phẩm văn hóa này đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào dân tộc Tày tỉnh Tuyên Quang nói riêng và của các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung. Hát then luôn có sức sống mãnh liệt trong đời sống nhân dân và là niềm tự hào của người dân nơi đây.

    Hòa trong vẻ đẹp hùng vĩ của rừng núi điệp trùng là hình ảnh các cô gái Tày trong trang phục dân tộc áo chàm váy tơ, tay cầm đàn tính, say mê với những câu hát then trong trẻo, vi vút cùng mây gió. Với người Tày, then không chỉ là khúc hát đầu xuân cầu an lành, may mắn mà còn gắn liền với sinh hoạt tín ngưỡng trong năm. Then có nghĩa là “thiên”, người Tày quan niệm khúc hát then là khúc hát thần tiên, là cầu nối tâm linh chở theo lời thỉnh cầu, mong ước của con người thấu tới tai thần thánh.

    Vì thế, mỗi dịp người Tày cúng cầu an, giải hạn, cúng tổ tiên, hay mừng nhà mới, mừng thọ ông bà, cha mẹ… đều không thể vắng bóng những giai điệu then mượt mà. Không gian Việt Bắc chính là nơi tổng hòa của nhiều vùng then nức tiếng cả nước như: Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Hà Giang. Giống như mỗi nốt nhạc trong một bản nhạc, từng vùng then lại góp vào những giai điệu, cách thể hiện rất riêng. Nếu then Lạng Sơn da diết, đằm thắm; then Hà Giang chậm rãi, dìu dặt; then Bắc Cạn thủ thỉ tâm tình; thì then Tuyên Quang lại dồn dập, mạnh mẽ như tiếng trống xuất quân… Tất cả quyện lấy nhau, mang theo từng cung bậc cảm xúc, hòa cùng tiếng suối đại ngàn tuôn chảy dạt dào qua bao thế hệ.

    Phải xem và nghe then mới thấy nể, thấy phục những người hát then làm lễ. Giống như một diễn viên phải thể hiện nhiều vai cùng lúc, người được gọi là ông then, bà then miệng vừa hát theo những giai điệu biến chuyển linh hoạt, mặt vừa diễn theo những cung bậc cảm xúc, tay múa lúc chậm lúc nhanh, chân đi nhạc ngựa lúc khoan lúc nhặt, thỉnh thoảng lại diễn tả những động tác cưỡi ngựa, phất quạt, nhai chén,… Người Tày cho rằng những ông then, bà then chính là sứ giả của thần thánh, là người giúp họ gửi vía cầu thần, chuyển tải tâm tư, nguyện vọng của gia chủ tới thần linh.

    Nhằm phát huy giá trị và vẻ đẹp văn hóa hát then, các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta thời gian qua đã có những hoạt động gìn giữ và quảng bá hát then thông qua việc tổ chức những hội diễn văn nghệ, tham gia các liên hoan đàn tính – hát then. Năm 2015, tỉnh Tuyên Quang đã đăng cai tổ chức Liên hoan nghệ thuật hát Then - đàn Tính các dân tộc Tày, Nùng, Thái Việt Nam lần thứ V để tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi với nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về loại hình nghệ thuật hát Then đặc sắc.

    Hiện nay nghi lễ Then của dân tộc Tày, Nùng, Thái Việt Nam đang hoàn thiện hồ sơ để trình UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và đã được Chính phủ phê duyệt.

    Với nỗ lực gìn giữ, quảng bá những giá trị của hát then trong thời gian vừa qua của chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang, những lời then tiếng tính sẽ không chỉ là suối nguồn nuôi dưỡng tâm hồn đồng bào dân tộc Tày nơi đây, mà còn trở thành niềm tự hào về vốn văn hóa đa dạng, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của người dân đất Việt./.

Phạm Hương