Phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa

Thứ hai, ngày 26/02/2018 - 15:19
Đã xem: 5,553 views

Anh Trần Đức Thắng, Trưởng Phòng Quản lý Di sản văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, trên địa bàn tỉnh có hơn 600 di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh, trong đó có 137 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia; 252 di tích được xếp hạng cấp tỉnh.

 Trong những năm qua, công tác xây dựng, bảo tồn khai thác và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa ở tỉnh ta từng bước được quan tâm đầu tư khôi phục, tôn tạo xây mới.

Đoàn cán bộ, sinh viên Lào thăm Khu di tích lịch sử cách mạng Lào tại xã Mỹ Bằng (Yên Sơn).
Ảnh: Thu Hằng

    Hầu hết các di tích lịch sử cách mạng các thời kỳ đều được dựng bia, làm nhà bia, ghi lại dấu ấn thời kỳ Chính phủ, Bác Hồ, các bộ, ngành trung ương đã ở, làm việc. Đặc biệt, thời gian qua Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp cùng cơ quan chức năng triển khai các dự án theo các giai đoạn về phục hồi, bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử cách mạng và kháng chiến (ATK). Theo đó, đã có 110/110 di tích lịch sử hoàn thành phục hồi, tu bổ, tôn tạo. Trong đó, đã hoàn thành phục hồi, tu bổ, tôn tạo và đặt bia 66 di tích tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào; 15 di tích tại cụm di tích ATK - Kim Quan; 29 di tích tại cụm di tích Kim Bình - Kiên Đài (Chiêm Hóa); tu bổ, chống xuống cấp đình Tân Trào, đình Hồng Thái, đình Thanh La (Sơn Dương).

    Huyện Sơn Dương có 205 điểm di tích lịch sử, văn hóa. Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào có nhiều điểm di tích thu hút được đông đảo khách tham quan. Bà Nguyễn Thị Hồng Nhung, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào cho biết, các điểm di tích thường xuyên được bảo vệ, tôn tạo. Những di tích như Đình Tân Trào, lán Nà Nưa đều có vật liệu là tre nứa nên thường xuyên phải tăng cường kiểm tra, theo dõi xử lý về mặt kỹ thuật tránh mối mọt, cong vênh… Còn các khuôn viên cảnh quan rừng, suối được tôn tạo với không gian gần gũi, hài hòa phù hợp nguyên mẫu…

    Huyện Yên Sơn hiện có 99 di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Huyện thường xuyên phối hợp với cơ quan chức năng sưu tầm nhiều tư liệu, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử trên địa bàn phục vụ cho việc tôn tạo, bảo tồn di tích. Bên cạnh đó huyện chú trọng công tác xã hội hóa hoạt động bảo tồn di tích lịch sử thông qua kêu gọi các cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp ủng hộ. Hàng tháng, đoàn viên thanh niên ở các địa phương phân công tham gia vệ sinh khuôn viên một số khu di tích trên địa bàn.

    Hàng năm, với mục đích về nguồn, đã có đông đảo du khách đến thăm các khu, điểm di tích lịch sử, văn hóa. Do đó, việc bảo tồn, phát huy giá trị của những di tích này không chỉ có ý nghĩa giáo dục truyền thống mà còn góp phần phát triển du lịch của tỉnh. Tỉnh ta đã có nhiều hoạt động gắn kết các khu di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh với các khu di tích của tỉnh bạn như: Thái Nguyên, Bắc Kạn, Hà Giang, Phú Thọ, Cao Bằng... Đồng thời, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức khảo sát để xây dựng các tour tuyến kết nối các điểm tham quan di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh vùng trung du và miền núi phía Bắc.

    Đặc biệt tháng 12 năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia Tân Trào đến năm 2030. Theo đó khu vực quy hoạch phát triển khu du lịch Quốc gia Tân Trào thuộc phạm vi hành chính các xã. Tân Trào, Minh Thanh, Trung Yên, Bình Yên, Lương Thiện (Sơn Dương) và Kim Quan (Yên Sơn). Diện tích vùng lõi tập trung phát triển khu du lịch Quốc gia là 2.500 ha phấn đấu đến năm 2030 đón 2 triệu lượt khách, doanh thu khoảng 1.650 tỷ đồng.

    Đây là tiền đề góp phần bảo tồn, tôn tạo khu di tích. Đồng thời thu hút đầu tư nguồn lực để phát triển các sản phẩm du lịch.

    Ngay trong dịp đầu năm mới này, ban quản lý các khu di tích lịch sử trong tỉnh đã phân công cán bộ, hướng dẫn viên phục vụ khách tham quan trong những ngày Tết. Bên cạnh đó, tăng cường vệ sinh môi trường, làm đẹp khuôn viên, góp phần tạo dấu ấn cho hoạt động du lịch ngay trong đầu năm mới.

Theo TQĐT