Lễ hội Lồng Tông huyện Lâm Bình xuân Mậu Tuất 2018

Thứ hai, ngày 12/03/2018 - 16:04
Đã xem: 2,835 views

Hòa chung không khí tưng bừng, phấn khởi mừng đất nước đổi mới, mừng Đảng, mừng xuân Mậu Tuất năm 2018, ngày 03/3/2018 (tức ngày 16 tháng Giêng) vừa qua, huyện Lâm Bình đã tổ chức Lễ hội Lồng Tông - Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia và Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình xuân Mậu Tuất năm 2018 tại sân vận động Bản Kè B, xã Lăng Can.

     Lễ hội Lồng Tông - Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng. Đây là Lễ hội có từ lâu đời, là dịp để nhân dân bày tỏ lòng biết ơn đến thánh thần, tổ tiên, những người đã có công khai hoang, lập đất, trồng cấy lúa nước và hoa màu.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo tỉnh và đại biểu tham dự Lễ hội
Lồng tông và Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình Xuân Mậu Tuất 2018.

     Cứ mỗi độ xuân về, nhân dân lại tổ chức Lễ hội này cầu cho mùa màng tươi tốt, cầu cho mọi nhà an vui, hạnh phúc, làm ăn thuận lợi. Lễ hội đã trở thành nét đẹp của mùa xuân, của đời sống văn hóa độc đáo của cộng đồng các dân tộc miền núi, góp phần làm phong phú kho tàng văn hóa dân tộc. Nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, Lễ hội Lồng Tông huyện Lâm Bình luôn được quan tâm tổ chức nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, giúp cho mọi người, mọi nhà một năm mới may mắn, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của nhân dân, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày càng phát triển.

Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Minh Huấn và các đại biểu tham quan gian hàng
trưng bày nông lâm sản của huyện Lâm Bình.

     Từ năm 2017, cùng với việc tổ chức Lễ hội Lồng Tông, huyện tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình mang đậm bản sắc truyền thống các dân tộc Tày, Dao, Mông, Pà Thẻn, tộc người Thủy… và các dân tộc khác trên địa bàn huyện. Lễ hội năm nay có nhiều hoạt động lần đầu tiên được tổ chức tạo sự hấp dẫn và thu hút du khách gần xa như: Tổ chức không gian văn hóa các dân tộc, hát các làn điệu truyền thống như: Then, Cọi, Páo Dung, hát quan làng, tái hiện Lễ cấp sắc, múa sạp và múa khèn; gian hàng nông, lâm nghiệp, thủy sản, gian hàng ẩm thực giới thiệu các sản phẩm ẩm thực đặc trưng của địa phương phục vụ du khách; nghi lễ Nhảy lửa của đồng bào dân tộc Pà Thẻn; trưng bày ảnh về mảnh đất, con người Lâm Bình; trình diễn trang phục dân tộc; Giải bóng chuyền hơi cùng các trò chơi dân gian truyền thống; đánh pam, đánh yến, đua mảng ngóc, đánh cù, chọi gà, bịt mắt bắt vịt, bắn nỏ, đẩy gậy, đi cà kheo, kéo co… Qua đó tạo không khí vui tươi, lành mạnh và giữ gìn bản sắc của các dân tộc trên địa bàn.



Các trò chơi dân gian tại Lễ hội

     Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu ăn, nghỉ của du khách khi đến với lễ hội, các hộ gia đình làm dịch vụ homestay và các cơ sở lưu trú trên địa bàn huyện đã chuẩn bị các điều kiện và phục vụ du khách nhiệt tình, chu đáo. Ngoài tham gia lễ hội, du khách có thể đi tham quan các bản làng văn hóa trên địa bàn huyện bằng dịch vụ xe đạp, xe máy, xe trâu; tham gia chèo thuyền Kayak; tham quan những điểm du lịch hấp dẫn của huyện như: Thác Khuổi Nhi, Khuổi Súng, Nặm Me, động Song Long, động Khuổi Pín, hang người Việt cổ… trên lòng hồ Na Hang, Lâm Bình. Hoặc có thể cắm trại, khám phá vẻ đẹp của các khu rừng nguyên sinh trên địa bàn huyện.

Du khách thăm quan các bản làng trên địa bàn huyện bằng xe đạp

     Lễ hội Lồng Tông và Ngày hội Văn hóa các dân tộc huyện Lâm Bình thực sự là nơi hội tụ, giao lưu của nhân dân và du khách thập phương, là dịp để những người con của quê hương tri ân với nguồn cội, tổ tiên sau một năm công tác, học tập trên khắp mọi miền của Tổ quốc; đồng thời cũng nhằm giới thiệu, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh phát triển văn hóa các dân tộc, giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nâng cao mức hưởng thụ văn hóa cho nhân dân.

Phạm Hương