Du xuân nông thôn

Thứ năm, ngày 12/01/2023 - 11:28
Đã xem: 1,828 views

Với lợi thế về cảnh quan tự nhiên, truyền thống văn hóa, các sản phẩm gắn với đặc trưng nông nghiệp vùng miền là cơ hội lớn cho du lịch nông thôn Tuyên Quang phát triển.

Sức cuốn hút

Khi ngột ngạt với nhịp sống đô thị người ta muốn trở về với những nét hoang sơ nguyên bản của vùng nông thôn. Thực tế, nhiều đoàn khách nước ngoài khi đến nước ta du lịch đã chọn Tuyên Quang làm điểm đến. Chị Trần Thị Yến, Giám đốc Công ty cổ phần Giáo dục Trần Yến hiện đang sinh sống và làm việc ở Nhật Bản cho biết, chị đã từng kết nối nhiều tour cho du khách Nhật Bản đến Tuyên Quang. Họ rất yêu thích cảnh quan thiên nhiên, nông thôn Tuyên Quang vì còn lưu giữ được những nét nguyên sơ.

Du khách trải nghiệm du lịch nông thôn tại huyện Lâm Bình.  Ảnh: Minh Hoa

Nông thôn Tuyên Quang với những nét độc đáo riêng có đã tạo dấu ấn với du khách. Mùa xuân, du khách đến Tuyên Quang không thể bỏ qua tour Hồng Thái (Na Hang) ngắm hoa lê và trải nghiệm những rừng chè cổ thụ. Xuân về, những cây lê già cỗi, xù xì, rong rêu đua sắc trắng. Ông Đặng Đức Toàn, thôn Khau Tràng bảo vẻ đẹp của hoa lê cùng nét văn hóa đã đánh thức tiềm năng du lịch ở vùng đất xa xôi này. Đầu năm 2022, lần đầu tiên xã tổ chức Lễ hội hoa lê đã thu rất đông du khách đến thưởng ngoạn.

Du khách còn được trải nghiệm vẻ đẹp của những nương chè Làng Bát, xã Tân Thành (Hàm Yên); Làng Chè Vĩnh Tân, xã Tân Trào (Sơn Dương) và những đồi chè ở Mỹ Bằng (Yên Sơn) hay những vườn cam sành trĩu quả Hàm Yên. Những vườn chè hình trái tim, hình mâm xôi được nắng xuân chiếu rọi chắc chắn sẽ là điều thú vị cho du khách khám phá.

Du khách trải nghiệm mùa hoa cải vàng thôn Nà Mụ, xã Hồng Thái (Na Hang).

Anh Nguyễn Tuấn Trường, phố Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ, anh rất thích được về với núi rừng, trải nghiệm cuộc sống đồng bào nông thôn Tuyên Quang. Một cuộc sống thanh bình, dung dị, được thưởng thức những món ăn đặc sản từ núi rừng, được trải nghiệm mùa hoa lê và tham gia các lễ hội đậm bản sắc. Anh thích nghe hát Then, đàn Tính và thích thú với những trò chơi dân gian tại Lễ hội Lồng tông ở nhiều bản vùng cao... 

Gắn kết du lịch với xây dựng nông thôn mới

Trong Kế hoạch hành động Quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030, du lịch nông nghiệp và nông thôn được xác định là một trong những loại hình du lịch cần ưu tiên phát triển theo hướng tăng trưởng xanh, phát triển sản phẩm du lịch xanh.

Tỉnh cũng đã xác định mục tiêu cụ thể đến năm 2025 sẽ phát triển, chuẩn hóa các điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Mỗi huyện, thành phố phấn đấu có ít nhất một điểm du lịch nông thôn được công nhận gắn với lợi thế về nông nghiệp, văn hóa, làng nghề, môi trường sinh thái của địa phương; các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch nông thôn được công nhận đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch; các điểm du lịch nông thôn ứng dụng các giao dịch điện tử trong hoạt động du lịch…

Du khách trải nghiệm vẻ đẹp đồi chè xã Mỹ Bằng (Yên Sơn).

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng trong chuyến thăm, làm việc với tỉnh ta tháng 9-2022 khẳng định: phát triển du lịch nông thôn trong cả nước nói chung và Tuyên Quang nói riêng không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn là trách nhiệm, niềm tự hào quê hương, xứ sở.

Đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định, bằng các nguồn vốn, tỉnh đã đầu tư phát triển du lịch nông thôn gắn với việc xây dựng nông thôn mới. Năm 2021, 2022, tỉnh đã triển khai nhiều dự án đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, phục dựng hoạt động văn nghệ và tổ chức các lễ hội, làng nghề truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ...
Tài nguyên cùng những khởi tạo của tỉnh và cộng đồng cư dân, du lịch nông thôn sẽ mang đến những mùa xuân mới cho ngành du lịch tỉnh.

Theo TQĐT