Tinh hoa thổ cẩm Lâm Bình - Tuyên Quang

Thứ ba, ngày 07/02/2023 - 09:43
Đã xem: 1,078 views

Di sản văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam rất đa dạng và phong phú, mang những đặc trưng riêng của văn hóa tộc người. Trong mỗi cộng đồng dân tộc đều có những nghệ nhân tài hoa, dành cả cuộc đời để bảo tồn, gìn giữ, phát huy di sản văn hóa của dân tộc mình.

Bên cạnh sự đa dạng, phong phú về văn hoá của người Tày, Mông, Dao, Pà Thẻn... thì thổ cẩm là sự đặc sắc trong trang phục thổ cẩm truyền thống của các dân tộc tại huyện đặc biệt khó khăn Lâm Bình (Tuyên Quang). Thời gian qua, nghề dệt thổ cẩm tại đây đang được hồi sinh như một nỗ lực giữ lại hồn cốt của các dân tộc trên rẻo cao này.

Với trên 97% dân số là người Tày, Mông, Dao, Pà Thẻn... sự đa dạng, đặc sắc trong thổ cẩm của các dân tộc huyện vùng cao Lâm Bình là điều đã được thừa nhận. Tuy nhiên, cùng sự phát triển của kinh tế thị trường, nghề dệt thổ cẩm truyền thống đã phần nào bị mai một. 

Theo ông Cao Văn Minh, Trưởng Phòng Văn hoá thông tin huyện Lâm Bình cho biết, toàn huyện chỉ còn khoảng gần 500 người biết thêu, dệt thổ cẩm truyền thống, 30 người biết vẽ sáp ong trên thổ cẩm, chủ yếu là phụ nữ trên 40 tuổi. Nếu như trước kia mỗi gia đình người Mông, Dao, Tày... đều có khung cửi và con gái mới lớn đều phải biết dệt thổ cẩm thì nay việc này thực sự rất hiếm. 

Sản phẩm thổ cẩm truyền thống của đồng bào các dân tộc dệt ra để làm váy, áo, làm chăn gối và một số vật dụng trong sinh hoạt gia đình. Hiện nay, đồng bào còn làm thêm các đồ lưu niệm như chăn, mũ, khăn quàng, túi… phục vụ du lịch, tăng thêm cho nhập cho gia đình.

Ở Lâm Bình, theo phong tục của một số dân tộc, trước khi đi lấy chồng, cô dâu phải tự tay thêu dệt được những tấm thổ cẩm để làm quà cưới biếu cha mẹ, người thân bên nhà chồng. 

Hợp tác xã thổ cẩm tại thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) ra đời như một nỗ lực để gìn giữ và phát triển nghề dệt truyền thống của các dân tộc trên địa bàn. Được thành lập từ đầu năm 2020, đến nay HTX đã có 20 thành viên, chủ yếu là những phụ nữ dân tộc Tày, Dao đã thành thạo nghề. 

Bà Lộc Thị Chiến, thành viên HTX cho biết, khi mới thành lập HTX dệt thổ cẩm Lâm Bình, bà đã tự nguyện xin tham gia với mong muốn thoát khỏi đói nghèo, lam lũ quanh năm, cùng với hy vọng nghề truyền thống thêu dệt thổ cẩm của dân tộc mình. Người có nghề hướng dẫn người chưa biết, những bạn trẻ trong độ tuổi học sinh cũng đã dần tiếp xúc và yêu thích nghề dệt thổ cẩm truyền thống. Với họ, đến với nghề còn là cách để hiểu về văn hoá dân tộc mình, tìm về những giá trị tốt đẹp đang có nguy cơ mai một. 

Các sản phẩm của HTX khá đa dạng, từ các sản như quần, áo đến đồ lưu niệm như chăn, mũ, khăn quàng thổ cẩm. Với những nét hoa văn tinh xảo được thêu dệt kỹ lưỡng cùng chất liệu truyền thống của đồng bào trên các sản phẩm được khách du lịch ưa chuộng. 

Theo: doingoai.tuyenquang.gov.vn