Tuyên Quang có đủ 9 ngành Dao: Dao Đỏ (Đại Bản), Dao Tiền (Tiểu Bản), Quần Trắng, Quần Chẹt, Coóc Mùn, Coóc Ngáng, Ô Gang (Lồ Gang, Thanh Phán), Thanh Y, Áo Dài (Dao Tuyển, Làn Tiển, Bình Đầu) sinh sống ở khắp các địa phương trong tỉnh. Người Dao còn giữ được bản sắc văn hóa độc đáo, đặc biệt là trang phục truyền thống. Với họ, trang phục truyền thống là báu vật, là niềm tự hào. Vì thế, họ mặc trang phục truyền thống trong sinh hoạt hàng ngày và trong cả những lễ quan trọng như Tết, lễ hội, đám cưới...
Trang phục của phụ nữ Dao Quần trắng được bày bán tại chợ Thụt, xã Phù Lưu (Hàm Yên)
Bà Tướng Thị Lý, dân tộc Dao Quần trắng, xã Hùng Đức (Hàm Yên) vui vẻ cho biết: bây giờ trẻ con cũng mặc quần áo dân tộc nhiều. Người dân tộc khác thấy trang phục dân tộc Dao Quần trắng độc đáo cũng mua về làm kỷ niệm nên bà bán được khá nhiều. Chợ phiên nào ở tỉnh, bà cũng đi từ sớm tinh mơ, khi con gà còn chưa cất tiếng gáy. Đến được hội chợ cũng là lúc trời rạng sáng, bày bán trang phục là vừa.
Phụ nữ Dao Quần trắng rạng rỡ trong trang phục truyền thống
Với chủ đạo là màu chàm, nhưng trang phục của đồng bào Dao lại được trang trí bởi những họa tiết tinh tế. Kèm theo đó là rất nhiều phụ kiện như chiếc khăn, đai, bộ xà tích, và cả những chiếc túi xinh xắn được thêu hoa văn sặc sỡ và cầu kỳ. Thế nên, để thêu, may được hoàn thiện phải mất một tháng trời. Vì vậy, bà chuyên cắt may, việc thêu họa tiết, trang trí hoa văn phải cần đến chị em phụ nữ trong làng. Cầu kỳ nhất là trang phục cưới của cô dâu, bởi có nhiều họa tiết được thêu công phu.
Phụ nữ Dao Thanh Y nổi bật trong phiên chợ Thụt, xã Phù Lưu (Hàm Yên)
Một bộ quần áo kèm phụ kiện hết khoảng 1 triệu, đối với bộ cô dâu vì thêu cầu kỳ hơn nên giá bán khoảng 3 triệu đồng. Mỗi phiên chợ, trung bình bà Lý bán được từ 5-10 bộ, cũng có khi chỉ bán được những phụ kiện cho trang phục. Thu nhập từ những phiên chợ cũng đủ để bà Lý sống bằng nghề.
Cùng chung cảm xúc với bà Lý, bà Lý Như Quỳnh, xã Hùng Đức (Hàm Yên) tự hào chia sẻ, phụ nữ Dao trong thôn hầu hết đều biết thêu. Bà đã biết may, thêu trang phục truyền thống từ nhỏ. Bộ trang phục ngày cưới bà cũng tự tay làm lấy. Giờ ngày nào không thêu là bà thấy buồn, thấy nhớ. Vì thế, quần áo dân tộc, chiếc khăn đội đầu, dải yếm... cứ ngày một nhiều lên, bà tính đến chuyện đem bán. Trong tỉnh, cứ ở đâu có chợ phiên là bà lại làm trang phục của dân tộc Dao đem bán. Vừa qua, tại chợ Thụt, xã Phù Lưu (Hàm Yên), bà bán được 20 cái mũ, cái túi thổ cẩm. Bà thấy rất vui vì nhu cầu người mua khá nhiều, bà làm không đủ bán.
Đồng bào Dao đỏ mặc trang phục truyền thống trong dịp lễ, Tết.
Với những người chuyên may và bán trang phục truyền thống của dân tộc mình như bà Quỳnh, bà Lý, thì niềm vui không chỉ là thu nhập mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa và phong tục, tập quán tốt đẹp cuả dân tộc.
Theo TQĐT