Khát vọng Lung Vài

Thứ sáu, ngày 10/03/2023 - 09:35
Đã xem: 2,876 views

Hơn 2 ha đất đồi tưởng như chỉ để trồng cây và làm vườn, ao, chuồng, mỗi năm cho thu nhập chẳng đáng là bao, thì nay đã được ông Nguyễn Xuân Thị, thôn An Thái, xã Tân An (Chiêm Hóa) cải tạo, khoác lên tấm áo xanh mướt với các loài hoa, loài cây ăn quả. Mảnh đất lành ấy đang biến ước mơ của ông Thị về một khu du lịch sinh thái dần trở thành hiện thực.

Đất cằn nở hoa

Sau nhiều năm chăn nuôi, trồng trọt không hiệu quả, năm 2021, ông Thị đã cải tạo diện tích đất gia đình hiện có và nuôi giấc mơ làm du lịch. “Ban đầu gia đình tôi ai cũng can ngăn, bởi đất Lung Vài (theo tiếng Tày thì bãi đất để chăn trâu) cằn cỗi. Nhưng quyết tâm trong tôi cao lắm, đã nói là phải làm cho bằng được”- ông Thị mở đầu câu chuyện.

Tạo hình những điểm check-in được bố trí trong Khu du lịch Lung Vài.

Từ ngày khai phá, cải tạo mảnh đất ông không nhớ đã phải chở bao nhiêu xe đá, xe đất màu đổ lên mảnh vườn của mình và cũng không nhớ nổi mất bao nhiêu ngày công để có được thành quả ngày hôm nay. Sau nhiều năm “bàn tay ta làm nên tất cả” thì công sức của ông cũng được đền đáp. Những chồi non cứ thế vươn lên, xòe tán khiến cả khu đất rộng nhanh chóng được lấp đầy bởi cây cối, và các loài hoa xanh mướt. Ông Thị rất kỹ lưỡng trong khâu chọn cây giống, đó phải là các loài cây đặc sản, giống mới, lạ và năng suất cao. Hiện tại, ông đã trồng hơn 200 gốc cây hoa Phong Linh để làm tuyến đường hoa phục vụ cho du khách đến chụp ảnh. Ngoài ra, ông còn trồng các loài hoa hồng, hoa đào, hoa trà my, hoa mẫu đơn, hoa ngũ sắc... để mùa nào hoa nấy đều có hoa phục vụ du khách. 

Xen kẽ trên mảnh vườn, ông Thị còn đào ao nuôi cá, tạo khe nước chảy để đặt cọn nước làm điểm nhấn và tạo cảnh quan. Ngoài ra, diện tích vườn đồi ông sẽ trồng tre lấy măng, rau xanh và nuôi gà thả đồi để phục vụ nhu cầu gia đình, thị trường và kinh doanh trong khu du lịch của mình. Dạo quanh một vòng khó có thể nghĩ chỉ cách đây hơn 3 năm nơi này hoàn toàn hoang vắng, cằn cỗi, nay đất đã nở hoa kết trái.

Du khách tạo dáng bên cọn nước được bố trí trong Khu du lịch Lung Vài, xã Tân An (Chiêm Hóa).

Khát khao làm du lịch

Từ cổng chào của xã Tân An rẽ phía tay phải chỉ chừng 80 m đã tới ngay khu vườn của ông Thị, nằm gọn giữa thung lũng là mái nhà sàn của đồng bào dân tộc Tày được ông dựng lên, hai bên là những đồi cây rợp bóng ngút tầm mắt. Khung cảnh hiện lên thật yên bình. Ông Thị tâm sự: “Tôi muốn làm du lịch từ lâu rồi. Đi rất nhiều nơi, học hỏi cũng rất nhiều, tôi vẫn thấy du lịch sinh thái là xu hướng bền vững. Quê hương mình rất đẹp, đặc biệt là ở xã Tân An vẫn giữ được những nét hoang sơ, văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, tại sao lại không làm để thu hút khách thập phương. Tôi tin mình sẽ làm được”. Những bước đi đầu tiên của ông trên mảnh đất cằn đã bắt đầu cho kết quả. Ông Thị xác định, làm du lịch không thể ngày một ngày hai mà là quá trình lâu dài, đòi hỏi sự kiên trì “lấy ngắn nuôi dài”. Ông vừa trồng trọt, chăn nuôi để có thu nhập, nuôi sống gia đình vừa tái đầu tư cho ý tưởng làm du lịch tương lai. 

Ngôi nhà sàn dân tộc Tày được gia đình ông Nguyễn Xuân Thị, thôn An Thái, xã Tân An (Chiêm Hóa) dựng lên để đón tiếp khách du lịch.

Lần lượt chỉ tay vào từng góc vườn, ông chia sẻ dự định sắp tới: “Chỗ này tôi sẽ dựng thêm một căn nhà sàn thật khang trang, chỗ kia sẽ lắp những ngôi nhà Bungalow, chỗ thì trưng bày không gian văn hóa các dân tộc trên địa bàn, bên các ao cá sẽ làm chòi nhỏ để mọi người câu cá thư giãn. Khách đến vườn có thể tham quan, dạo chơi, hái quả, hái rau, tự tay chế biến thức ăn... Không lâu đâu, vài năm tới thôi sẽ hoàn thiện”. Hiện tại đã có nhiều lượt khách đến tham quan và tổ chức picnic tại khu vườn của gia đình ông, nhất là trong dịp Lễ hội Lồng Tông đầu năm mới vừa qua, lượng khách đến rất đông.

Đồng chí Ma Doãn Đức, Chủ tịch UBND xã Tân An nhận định, với địa thế thuận lợi, ý tưởng phát triển khu du lịch sinh thái của ông Thị hoàn toàn có thể trở thành hiện thực nếu được đầu tư bài bản. Nằm trên tuyến đường dẫn vào Khu du lịch danh thắng thác Bản Ba, là điểm du lịch vệ tinh cạnh trung tâm thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) cũng như trên cung đường từ thành phố Tuyên Quang đi Khu du lịch sinh thái Na Hang - Lâm Bình, Khu du lịch sinh thái Lung Vài mà ông Thị đang hướng đến là nơi dừng chân lý tưởng, níu giữ du khách ở lại lâu hơn để tìm hiểu con người và văn hóa truyền thống của vùng đất này”.

Theo TQĐT.