Liên kết phát triển du lịch Tuyên Quang

Thứ tư, ngày 06/06/2018 - 16:42
Đã xem: 5,722 views

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Tuyên Quang lần thứ XV, XVI giai đoạn 2010-2020 đều xác định Du lịch là một trong các lĩnh vực đột phá và đặt mục tiêu trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2020, thu hút trên 2,2 triệu lượt khách du lịch, tổng doanh thu du lịch đạt trên 6% GRDP, tạo việc làm cho trên 16.000 lao động ngành du lịch

Hiện nay, toàn tỉnh đã hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang và quy hoạch tổng thể 3 khu du lịch: Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Quốc gia Tân Trào; Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm; Khu du lịch sinh thái Na Hang. Các phân khu chức năng trong khu du lịch đang triển khai hoàn thiện. Cùng với đó, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, tập trung đẩy mạnh kinh tế phát triển; thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các chương trình, dự án phát triển du lịch…

Đoàn công tác của tỉnh Tuyên Quang do đồng chí Nguyễn Hải Anh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn

tham dự Hội nghị gặp gỡ Châu Âu được tổ chức tại Hà Nội

Ngay sau Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, các cấp, ngành liên quan đã xác định: Để du lịch Tuyên Quang thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cần phải có những giải pháp quyết liệt trong việc thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư phát triển du lịch.

Trong năm 2017, tỉnh Tuyên Quang đã tổ chức phát động Cuộc thi “Thiết kế sản phẩm du lịch” và “Sáng tác biểu trưng (logo), khẩu hiệu (slogan) du lịch” nhằm góp phần tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của du khách và quảng bá hình ảnh du lịch hiệu quả cho ngành du lịch của tỉnh nhà. Cùng với đó, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh đã phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trong và ngoài tỉnh liên kết thành lập “Góc nhìn du lịch”. Nhờ vậy, các ngành và các doanh nghiệp đã có sự gắn kết trong hoạt động kinh doanh du lịch nhằm đẩy mạnh quảng bá, thu hút khách du lịch cũng như phục vụ du khách được tốt hơn khi đến với Tuyên Quang.

Các sản phẩm du lịch của tỉnh ta có tính đặc thù và độc đáo, hấp dẫn, riêng có. Từ sản phẩm du lịch lễ hội trải rộng khắp các địa phương trong tỉnh, trong đó Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La - một lễ hội có truyền thống hơn 300 năm, đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào đầu năm 2016. Sản phẩm du lịch cách mạng, với thương hiệu Thủ đô Khu giải phóng - Thủ đô Kháng chiến tại Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương), di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình (Chiêm Hóa), Khu di tích Quốc gia Cách mạnh Lào tại thôn Làng Ngòi - Đá Bàn (Yên Sơn)…

Du lịch sinh thái, trải nghiệm tại Hồ sinh thái Na Hang cũng đang nhận được sự quan tâm của khách du lịch ưa trải nghiệm, khám phá. UBND tỉnh đang phối hợp với UBND tỉnh Bắc Kạn triển khai lập hồ sơ Khu di sản thiên nhiên Ba Bể (Bắc Kạn) - Na Hang (Tuyên Quang) đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới. Trong năm 2017, UBND tỉnh cũng đã công nhận 4 điểm du lịch cộng đồng tại Lâm Bình, bao gồm: Nà Tông, Nà Đông (Thượng Lâm), Nặm Đíp (Lăng Can), Nà Muông (Khuôn Hà). Tại các điểm này, người dân phát triển dịch vụ homestay, tạo điều kiện cho du khách được trải nghiệm, sinh hoạt cùng với bà con thôn quê.

Đặc biệt, Lễ hội thành Tuyên - Lễ hội được Kỷ lục Guiness Việt Nam xác nhận có mâm cỗ Trung thu lớn nhất và Lễ hội có nhiều mô hình đèn Trung thu độc đáo, hấp dẫn, lớn nhất Việt Nam, được đông đảo du khách trong và ngoài nước yêu thích. Tỉnh ta đặt mục tiêu xây dựng Lễ hội Thành Tuyên trở thành sản phẩm du lịch mang tầm thương hiệu quốc gia và quốc tế. Năm 2017, tỉnh ta đăng cai tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Dao toàn quốc lần thứ nhất và Lễ hội thành Tuyên, qua đó tạo điểm nhấn độc đáo về sắc màu văn hóa giữa những ngày Rằm Tháng Tám.

Trong năm 2017, tỉnh đã thu hút 1.569 nghìn lượt khách du lịch, đạt 105,3% kế hoạch, tăng 9,7%; doanh thu xã hội về du lịch 1.343 tỷ đồng, đạt 105,8% kế hoạch, tăng 9,5% so với năm 2016.

Sự thay đổi về chiến lược quảng bá, thu hút đầu tư, liên kết phát triển du lịch đã “kéo” được nhiều doanh nghiệp lớn đến đầu tư. Bước đầu, một số nhà đầu tư chiến lược đã thực hiện các dự án phát triển du lịch, xây dựng cơ sở lưu trú đạt chất lượng cao tại Tuyên Quang như: Trung tâm Thương mại, nhà phố thương mại Vincom shophouse, Dự án Vinpearl Tuyên Quang của Tập đoàn Vingroup; Khách sạn Mường Thanh Grand Tuyên Quang của Tập đoàn Mường Thanh; Dự án đầu tư vào khu du lịch sinh thái Na Hang, Lâm Bình và Dự án đường cao tốc kết nối Tuyên Quang với đường cao tốc Lào Cai - Nội Bài đang được triển khai thực hiện… Đặc biệt, trong số 15 dự án trọng điểm mà Tuyên Quang mời gọi đầu tư giai đoạn 2017 - 2020 có nhiều dự án về phát triển du lịch như dự án xây dựng Khu đô thị nghỉ dưỡng Sông Lô; Khu du lịch sinh thái Núi Dùm; Khu du lịch sinh thái Phiêng Bung...

Phát huy những kết quả đã đạt được trong năm 2017, năm 2018 tỉnh tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; Kết luận số 28 KL/TU ngày 18/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nhiệm vụ, giải pháp phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020; Kế hoạch số 51/KH-UBND ngày 23/6/2016 về phát triển du lịch giai đoạn 2016 - 2020; Chương trình hành động của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chương trình hành động số 15-CTr/TU ngày 27/6/2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/W ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá, liên kết phát triển du lịch. Thường xuyên tổ chức và tham gia các hoạt động văn hóa, du lịch; Khai thác có hiệu quả các trang thông tin điện tử của tỉnh như: tuyenquang.gov.vn; dulichtuyenquang.gov.vn; lehoithanhtuyen.com.vn...; để tuyên truyền, quảng bá về tiềm năng, thế mạnh du lịch của địa phương. Tiếp tục phối hợp với các huyện xúc tiến đầu tư xây dựng các làng văn hóa du lịch: Thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình; thôn Tân Lập, xã Tân Trào, huyện Sơn Dương; thôn Giếng Tanh, xã Kim Phú, huyện Yên Sơn... Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức tốt các lễ hội truyền thống tại địa phương, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh đến tham dự.

Tăng cường tổ chức các hoạt động liên kết, khảo sát, hợp tác để xây dựng các chương trình liên kết phát triển du lịch trong tỉnh và các tỉnh thành trong nước và quốc tế. Xây dựng sản phẩm du lịch của tỉnh mang tính đặc trưng riêng để thu hút khách du lịch nhằm khai thác có hiệu quả, tiềm năng, thế mạnh du lịch của tỉnh. Tiếp tục phát huy hiệu quả của Group “Góc nhìn du lịch” để liên kết quảng bá, thu hút và phục vụ du khách được tốt hơn. Tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng du lịch và nâng cấp chất lượng hoạt động của các thiết chế văn hóa... tạo tiền đề quan trọng thu hút các nhà đầu tư phát triển du lịch nhằm sớm đạt mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh./.

Nguyễn Tiến Hưng - PGĐ Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang.