Đánh thức tiềm năng du lịch thôn Biến

Thứ sáu, ngày 15/06/2018 - 15:07
Đã xem: 3,550 views

Thôn Biến, xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) có chiều dài 5 km nằm trọn giữa 2 dãy núi đá cao cùng khu rừng nguyên sinh với nhiều hang động, thác nước tạo nên phong cảnh sơn thủy hữu tình là điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch khám phá. Vì thế, UBND huyện đã rà soát, lập đề án Xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái tại thôn Biến.

     Anh Ma Phúc Hiến, Trưởng thôn Biến cho biết, thôn hiện có 177 hộ dân là đồng bào dân tộc Dao và Tày sinh sống, trong đó, dân tộc Dao chiếm 84%. Vì vậy, thôn còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống của đồng bào Dao như những làn điệu Páo Dung, múa màng, thổi tù và. Hàng năm, thôn đều tổ chức ngày hội ngày lễ, tết theo phong tục tập quán; người già trong thôn vẫn thường mặc trang phục truyền thống, đeo trang sức, khăn quấn đầu… nói tiếng dân tộc mình.

Hang Thẳm Nặm, thôn Biến, xã Phúc Sơn (Chiêm Hóa) với những nhũ đá óng ánh
là điểm đến yêu thích của khách du lịch.

    Với những nét văn hóa riêng đó, phòng Văn hóa - Thông tin huyện đã tiến hành khảo sát xây dựng Đề án phát triển du lịch tại thôn. Trong đợt khảo sát tháng 4 vừa qua, phòng đã tổ chức tham quan 5 hộ gia đình có nhà sàn có thể đáp ứng được các tiêu chí để tham gia cung cấp dịch vụ homestay cho khách du lịch. Anh Lý Tiến Hữu, người dân trong thôn chia sẻ, gia đình anh vừa được Đoàn khảo sát của huyện vào tìm hiểu. Anh sẵn sàng đảm bảo những quy định về nhà ở có phòng cho thuê như: Làm vách ngăn các phòng; nâng cấp nhà vệ sinh, nhà tắm, khu vực nấu ăn; làm hàng rào, trang trí khuôn viên xung quanh nhà và trưng bày các vật dụng truyền thống của dân tộc Dao cũng như cung cấp các món ăn truyền thống của dân tộc. Anh và người dân trong thôn đều mong đợi và hy vọng thời gian tới có thể tham gia làm du lịch để quảng bá hình ảnh của dân tộc mình đến với du khách và có thêm hướng đi mới trong phát triển kinh tế.

    Bên cạnh việc phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, huyện còn tập trung khai thác lợi thế từ cánh rừng nguyên sinh cùng các hang động hoang sơ trên địa bàn thôn như: Hang Thẳm Nặm, hang Chợ Khỉ, Thẳm Vài, với đặc trưng là hàng nghìn khối nhũ đá muôn sắc, óng ánh màu cẩm thạch, là sản phẩm của tự nhiên có tuổi đời hàng nghìn năm sẽ là điểm đến hấp dẫn đối với du khách ưa mạo hiểm. Để khai thác tiềm năng đó, huyện sẽ tiến hành làm đường đi bộ lên các hang động, lắp điện, tôn tạo cảnh quan trong và ngoài hang, làm điểm dừng chân, chụp ảnh và các dịch vụ đi kèm giúp khách du lịch có cơ hội trải nghiệm cùng người dân bản địa.

Cán bộ Văn hóa - Xã hội xã Phúc Sơn hướng dẫn người dân thôn Biến làm dịch vụ homestay.

    Bà Trần Thị Thanh Tâm, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện cho biết, để tiến hành xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái tại thôn Biến cần phải tiến hành theo từng giai đoạn. Trước mắt, phòng đã tham mưu cho UBND huyện phối hợp với Bảo tàng tỉnh lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích các hang động và thác nước tại thôn Biến; tham mưu thực hiện việc kết nối tour, tuyến du lịch của huyện Chiêm Hóa với huyện Na Hang, Lâm Bình; lựa chọn các sản phẩm đặc trưng của huyện để giới thiệu đến du khách; tổ chức tham quan, học tập các mô hình dịch vụ homestay tại huyện Lâm Bình; phát triển các sản vật, nông sản sạch của địa phương... Cùng với đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá hình ảnh về các địa danh cũng như những giá trị văn hóa đặc trưng của thôn Biến nhằm thu hút du khách.

    Xây dựng làng văn hóa du lịch cộng đồng gắn với du lịch sinh thái tại thôn Biến không chỉ giúp lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống mà còn giải quyết vấn đề việc làm, tạo điều kiện cho các hộ gia đình trong thôn có cơ hội phát triển các loại hình dịch vụ. Từ đó, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của thôn, nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Theo TQĐT