Xuân trên bản Mông

Thứ hai, ngày 14/01/2019 - 09:45
Đã xem: 1,766 views

Cứ mỗi độ xuân về, khi những cơn mưa phùn lất phất bay trong tiết trời se lạnh cũng là lúc người Mông ở xã Hùng Lợi (Yên Sơn) hòa chung không khí rộn ràng đón Tết, vui Xuân.

 

Phụ nữ thôn Nà Mộ, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) làm đai lưng cho trang phục ngày Tết.

Xã Hùng Lợi có 1.591 hộ với 7.269 nhân khẩu, trong đó có 50% là đồng bào Mông sinh sống. Riêng hai thôn Nà Tang, Khuổi Ma có 100% đồng bào Mông. Ngày Tết không chỉ là ngày được nghỉ ngơi, vui chơi, mà còn là ngày đoàn tụ gia đình, đón người thân đi công tác, học hành, đi làm ăn xa trở về. Với đồng bào Mông cũng vậy, họ chuẩn bị cho những ngày Tết rất chu đáo, nhất là những người phụ nữ Mông. Họ tỉ mỉ may cho mình, cho người thân trong gia đình những bộ trang phục truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc để mặc trong dịp Tết.

Chị Sùng Thị Mai, thôn Nà Mộ chia sẻ, trang phục của đồng bào Mông giờ đa số mua sẵn chứ ít người dệt vải, thêu như trước, nhưng tranh thủ lúc nông nhàn, chị em phụ nữ vẫn ngồi làm, thêu tay từng họa tiết trên chiếc thắt lưng hay những chi tiết nhỏ cho bộ quần áo mới của mình. Vì cả năm chăm lo làm ăn, những ngày Tết, phụ nữ Mông mới có dịp đi chơi nên phải chuẩn bị váy áo cho tươm tất.

Những năm gần đây, đa số đồng bào Mông trên địa bàn xã ăn Tết Nguyên Đán như người Kinh, chỉ trừ một bộ phận nhỏ vẫn duy trì tập tục đón Tết theo lịch Dương. Ngày 25, 26 tháng Chạp, người Mông bắt đầu nghỉ ngơi, chuẩn bị đón Tết, mọi người trong gia đình quây quần bên bếp lửa, giúp nhau chuẩn bị gạo nếp, lá dong cùng gói bánh chưng, thịt lợn, gà... Với người Mông nơi đây, ba món không thể thiếu là thịt, rượu và bánh ngô. Cuộc sống thay đổi và ngày càng phát triển, đồng bào Mông đã ít ăn món mèn mén trong sinh hoạt hằng ngày, nhưng món ăn làm từ ngô vẫn có ý nghĩa tâm linh trong đời sống tinh thần của bà con.

Bên cạnh đó, trong mỗi gia đình, bà con đều phân công nhau dọn dẹp sạch sẽ và trang trí nhà cửa để chuẩn bị đón Tết. Anh Ngô Văn Trời, Trưởng thôn Quân cho biết, dịp Tết mỗi nhà thường chuẩn bị 1 ống nứa và dán 1 tờ giấy lên tường hoặc vách nhà để thắp hương vào đêm 30 với mong muốn cầu cho năm mới mưa thuận, gió hòa, công việc thuận lợi. Người Mông không đón giao thừa mà tiếng gà gáy đầu tiên của sáng sớm mùng 1 mới là mốc để đánh dấu một năm mới bắt đầu. Từ mùng 1 trở đi mọi người mặc quần áo mới, đi giày đi chơi. Trò đánh quay là một trong những trò chơi ngày Tết mà người Mông rất thích. Ngoài ra một số thôn tổ chức xay, nấu mèn mén...

Mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của Đảng, chính quyền địa phương, sự nỗ lực của bản thân, đời sống của đồng bào dân tộc Mông ở Hùng Lợi đã có nhiều khởi sắc. Ông Ma Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã cho biết, trình độ thâm canh, áp dụng hiệu quả các giống lúa, ngô vào sản xuất của bà con người Mông đã được nâng lên rõ rệt. Những hộ gia đình thiếu đất sản xuất không còn trông chờ, ỷ lại vào chính quyền mà đã chuyển sang hướng làm ăn hiệu quả như chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, chăn nuôi lợn, gà theo hướng hàng hóa. Nhờ đó, năm 2018 số hộ nghèo trong đồng bào Mông giảm 33 hộ/429 hộ.

Tết đến xuân về, trong không khí rộn ràng, các thôn, bản ở Hùng Lợi như vang lên câu hát và những lời yêu thương mà các chàng trai, cô gái trao gửi cho nhau... Một năm mới đến, nhà nhà đều mong mưa thuận, gió hòa, mùa màng tươi tốt và đời sống ngày càng ấm no, hạnh phúc.

Theo TQĐT