Lễ hội chùa Hang

Thứ ba, ngày 12/02/2019 - 15:06
Đã xem: 15,936 views

Ngày 12-2 (mùng 8 tháng Giêng), UBND xã An Khang (TP Tuyên Quang) tổ chức Lễ hội Chùa Hang xuân Kỷ Hợi 2019.

 

Tượng Phật nằm tại Chùa Hang - Tuyên Quang

Theo sử sách, chùa Hang hay còn gọi là chùa Hương Nghiêm, thuộc xã An Khang (TP Tuyên Quang). Đây là ngôi chùa cổ được xây dựng từ thế kỷ thứ XVI, thời nhà Mạc (Mạc Đăng Doanh), nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng và gửi gắm niềm tin tinh thần của nhân dân vào đức Phật. Chùa nằm trong núi Hương Nghiêm, thuộc thôn Phúc Lộc, trong quần thể di tích với Thành nhà Bầu, bến Bình Ca. Đây là nơi có phong cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình, mảnh đất có bề dày văn hóa với địa danh Trường Thi - nơi tổ chức thi cử của các triều đại phong kiến. Từ đầu thôn Phúc Lộc tới cuối thôn Tân Thành của xã An Khang có dãy núi mang dáng con rồng uốn lượn, núi Hương Nghiêm được ví như đầu rồng. Năm 1917, thực dân Pháp đã mở con đường qua xã An Khang và đã san ủi phần núi có hình cổ rồng.

Chùa Hang được đặt trong hang đá sâu 50 mét, chỗ rộng nhất trong chùa khoảng 30 mét. Hang đá nằm sâu trong lòng núi, bốn bề nhũ đá buông phủ như những cây cổ thụ trên vách đá tạo cho chùa Hang một vẻ kỳ bí, linh thiêng. Càng vào sâu, nền chùa càng xuống thấp, ở giữa có một phiến đá giống như con thuyền buồm đang lướt sóng.

Cụ Ngô Thị Dậu, một trong những người cao niên còn sống ở thôn Thúc Thủy, xã An Khang kể rằng: “Từ xưa, trong lòng hang có dòng suối ngầm rộng chừng 3 mét thông ra với sông Lô, khi thả quả bưởi xuống, hôm sau đã thấy theo nước ra bến sông. Với vị trí thuận lợi về giao thông, địa hình lại kín đáo, đảm bảo được bí mật nên từ năm 1951 đến năm 1976, chùa Hang đã được chọn làm nơi cất giấu vũ khí, đạn dược phục vụ chiến trường. Ngày 3-2-1941 (tức ngày 8 tháng Giêng năm Tân Tỵ), đúng ngày hội chùa, chi bộ Mỏ Than - chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Tuyên Quang đã tiến hành rải truyền đơn tại lễ hội để tuyên truyền cách mạng trong nhân dân”.

“Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chùa Hương Nghiêm là nơi cất giấu, lắp ráp và sửa chữa hai chiếc máy bay đầu tiên của quân đội Việt Nam trước khi chuyển lên sân bay Soi Đúng. Từ năm 1951-1976, chùa Hương Nghiêm là kho chứa vũ khí, đạn dược của Trạm vận tải và Trung đoàn 331”- Đại đức Thích Minh Trung chia sẻ.

Qua thời gian, chùa Hương Nghiêm không còn lưu giữ được những chứng tích lịch sử của các cuộc kháng chiến mà chỉ còn lưu giữ những hiện vật quý có giá trị như hệ thống tượng thờ, hương án…

Trước cửa chùa Hương Nghiêm có một tấm bia cổ được khắc trên vách đá ngày 27 tháng 2 niên hiệu Đại Chính thứ 8 đời Thái Tông Mạc Đăng Doanh (năm 1537). Có chiều cao 1,25m, chiều rộng 1m. Tấm bia gồm 2 phần trán bia và thân bia, trên trán bia có chạm hình lưỡng long chầu nguyệt, xung quanh bia được chạm văn dây đơn giản. Dưới trán bia là 4 chữ đại tự: "Hương Nghiêm tự bi".

"Văn bia do 2 vị đồng Tiến sĩ khoa Bính Tuất (1535) là Triều liệt Đại phu Ngô Hoằng Trinh hiệu là Trinh Túc soạn và Tri phủ Yên Bình là Đỗ Bá Chiêu hiệu là Huỳnh Phủ viết chữ”- Đại đức Thích Thanh Tân (trụ trì chùa Hương Nghiêm) cho hay.

Cũng theo Đại đức thì tấm "bi ký" chữ Hán do tiến sĩ Ngô Hoằng soạn, gồm một bài ký và một bài minh ghi tên họ những người làm công đức ở 13 huyện trong nước và nhân dân xã Thúc Thủy. Căn cứ theo nội dung ghi trên văn bia thì chùa Hương Nghiêm trước đây được dựng với quy mô khá lớn còn gọi là hành cung Phạm Vương.

Được biết "Hương Nghiêm tự bi" là một trong những tư liệu thành văn quý hiếm ở thế kỷ 16 được phát hiện ở Tuyên Quang. Vì thế, chùa đã được công nhận là di tích cấp tỉnh.

Phật tử và du khách thập phương trảy hội Chùa Hang.

Từ mùng 6 - 8 tháng Giêng âm lịch hàng năm, khi mùa vụ nông nhàn, dân làng lại mở hội tế lễ cùng trò chơi dân gian, thu hút hàng nghìn người từ khắp nơi về tham gia lễ rước nước và lễ cầu an theo các nghi thức cổ truyền. Nước được lấy từ sông Lô rước về chùa để cúng trong ngày hội và làm lễ trong suốt cả năm. Ngoài ra, ngày mùng 1, ngày rằm hàng tháng, dân làng lại tấp nập vào chùa thắp hương lễ Phật, cầu đức Phật ban cho dân cuộc sống yên lành, mùa màng bội thu, dân khang, nước thịnh. Chùa Hang từ lâu đã trở thành nơi gửi gắm niềm tin tâm linh, tín ngưỡng của người dân trong và ngoài địa phương.

Được sự quan tâm của tỉnh, ngày mùng 8 tháng Giêng (âm lịch) năm 2008 chùa Hang đã khôi phục lại lễ hội và được công nhận di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh. Đại đức Thích Thanh Tân, trụ trì chùa Hang cho biết, để hội chùa Hang ngày càng thu hút nhiều du khách, chùa Hang đã đề xuất nhiều hình thức đổi mới các hoạt động, tôn tạo khu di tích chùa Hang tạo cảnh quan đẹp và hẫp dẫn người đi lễ hội. Cho đến nay, chùa đã hoàn thành các hạng mục như cổng chùa, gác chuông, một số chi tiết của hang động...

Ngày 12-2 (mùng 8 tháng Giêng), UBND xã An Khang (TP Tuyên Quang) tổ chức Lễ hội Chùa Hang xuân Kỷ Hợi 2019. Với sự giúp đỡ của các cấp, các ngành, các nhà hảo tâm… nhà chùa đã cơ bản hoàn thành các hạng mục công trình, góp phần tạo thêm một điểm đến hấp dẫn trong tour du lịch tâm linh của tỉnh.

Phạm Hương