Lễ hội rước Mẫu: Tôn vinh nét đẹp văn hóa Thành Tuyên

Thứ ba, ngày 26/03/2019 - 15:07
Đã xem: 9,483 views

Lễ hội rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La ra đời và tồn tại từ lâu đời gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu tại ba ngôi đền này. Thánh Mẫu được thờ ở ba ngôi đền chính là tính "thiêng", là hạt nhân của Lễ hội. Lễ hội đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2017.

 

Lễ hội rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La ra đời và tồn tại từ lâu đời gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu.
 
     Đền Hạ, phường Tân Quang và đền Thượng, xã Tràng Đà được xây dựng vào thời Hậu Lê (giữa thế kỷ XVIII), đền Ỷ La, phường Ỷ La xây dựng vào thời Nguyễn (thế kỷ XIX). Ba ngôi đền được xây dựng lên để thờ Đức Thánh Mẫu Thượng Thiên (được đồng nhất với Mẫu Liễu Hạnh). Là vị đứng trong bộ Tam tòa Thánh Mẫu (gồm Mẫu Thượng Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải) của đạo Mẫu Việt Nam. Linh tượng Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh trong điện thần của Tam phủ, Tứ phủ được nhận ra bởi vị trí ngồi giữa ban thờ Tam tòa Thánh Mẫu với y phục màu đỏ - bà còn được gọi là Mẫu Đệ nhất, Mẫu Thượng Thiên hay Tiên Thiên Thánh Mẫu.

     Truyền thuyết về vị Mẫu thần được thờ tại đền Hạ, đền Thượng và đền Ỷ La được Sách "Đại Nam nhất thống chí", chép rằng: "Đền thần Ỷ La: Tương truyền đời trước có hai Công chúa là Ngọc Lân và Phương Dung theo xa giá đi xem xét địa phương, đỗ thuyền ở bờ sông. Đến đêm nổi cơn mưa gió, hai Công chúa vụt bay lên trời, người ta cho là linh dị, lập đền để thờ. Đền thờ Phương Dung công chúa ở phía hữu ngạn sông Lô thuộc địa phận xã Ỷ La. Đền thờ Ngọc Lân công chúa ở phía tả ngạn sông Lô thuộc xã Tình Húc, cầu đảo phần nhiều ứng nghiệm" (Đền thờ Phương Dung công chúa ở phía hữu ngạn sông Lô thuộc xã Ỷ La xưa, tức là đền Hạ (đền Hiệp Thuận) ngày nay. Đền thờ Ngọc Lân công chúa ở phía tả ngạn sông Lô thuộc xã Tình Húc xưa, tức là đền Thượng, xã Tràng Đà ngày nay). Còn đền Mẫu Ỷ La, thuộc tổ 4, phường Ỷ La, là nơi "lánh nạn" cho Thần tượng(tỵ Thần), nơi có địa thế linh thiêng chở che cho Thánh Mẫu, là nơi bảo toàn cái thiện, thế nên hằng năm Lễ hội đền Hạ không thể tách rời Lễ hội đền Thượng và đền Mẫu Ỷ La. Hai vị Thánh Mẫu được nhắc đến trong lời tế và Thần tích được phụng thờ ở ba ngôi đền đều có chung ngày lễ trọng rước Mẫu. Trong ngày diễn ra Lễ rước Mẫu, đền Thượng và đền Ỷ La được chọn là nơi khởi kiệu, đền Hạ là nơi hợp tế. Hằng năm họ - Công chúa Ngọc Lân và Phương Dung gặp nhau 2 lần vào trung tuần tháng Hai và tháng Bảy (âm lịch) rồi cùng cáo lên trời. Khi rước bài vị Thánh Mẫu từ đền Thượng và đền Ỷ La về đền Hạ là biểu hiện sự gặp gỡ đoàn tụ, xum họp gia đình của hai chị em Ngọc Lân và Phương Dung công chúa, được thờ ở ba ngôi đền.
 
Lễ hội rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng và đền Ỷ La là Lễ hội truyền thống
 không chỉ riêng của người dân thành phố Tuyên Quang mà còn là ngày hội của nhân dân trên địa bàn tỉnh.
 
    Lễ hội rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng và đền Ỷ La là Lễ hội truyền thống không chỉ riêng của người dân thành phố Tuyên Quang mà còn là ngày hội của nhân dân trên địa bàn tỉnh, được người dân bảo tồn và phát triển liên tục trong chiều dài lịch sử của thành phố. Trải qua thời gian, Lễ hội rước Mẫu mặc dù có tiếp thu thêm những yếu tố hiện đại nhưng về quy trình chuẩn bị, lộ trình rước, quang cảnh trang trí lễ hội, lời văn tế, trang phục diễn diễu, kiệu cờ, lễ vật dâng cúng...vẫn mang đậm sắc thái cổ truyền của địa phương. Năm 2007, nhân dân khôi phục lại Lễ hội rước Mẫu vẫn tuân thủ cách thức tổ chức từ xưa. Hằng năm lễ hội rước Mẫu diễn ra từ ngày 11 đến ngày 16 tháng Hai (âm lịch). Phần lễ, gồm lễ rước Mẫu từ đền Ỷ La, đền Thượng về đền Hạ hợp tế nhập cung: Khai mạc, lễ tế Thánh Mẫu và các vị Thần: lễ dâng hương, dâng rượu, lễ hiến sinh; lễ hoàn cung (lễ rước Thánh Mẫu từ đền Hạ hoàn cung tại đền Thượng và đền Ỷ La). Phần hội, gồm màn múa lân mở đầu, tiếp đó tổ chức đấu vật dân tộc, đánh cờ người, kéo co, chọi gà, hát chầu văn...

    Lễ hội rước Mẫu đền Hạ, đền Thượng và đền Ỷ La được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia bởi nó hàm chứa những giá trị của di sản về lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, khoa học và tính cố kết cộng đồng. Đây là lễ hội với các nghi lễ tâm linh, thể hiện sự tôn kính, ngưỡng vọng, biết ơn của nhân dân thành phố Tuyên Quang, khách thập phương với Thánh Mẫu và các vị Thần, cầu cho một năm mới có cuộc sống đủ đầy hơn, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, người dân khỏe mạnh, bình an, hạnh phúc.
 
Nguồn: Tổng hợp từ TQĐT và Cổng TTĐT