Nhận diện du lịch Xứ Tuyên

Thứ ba, ngày 26/03/2019 - 15:10
Đã xem: 1,473 views

ĐNTQ: Tuyên Quang đã chính thức đưa vào sử dụng biểu trưng (logo), khẩu hiệu du lịch (sologan) trong tất cả các hoạt động thông tin tuyên truyền, quảng bá du lịch và các hoạt động phát triển du lịch của tỉnh trong và ngoài nước. Đây là dấu ấn quan trọng của du lịch Xứ Tuyên nhằm chuyển đi những thông điệp mạnh mẽ về thế mạnh cũng như cách làm du lịch ngày càng chuyên nghiệp ở một tỉnh miền núi…

 

Một góc Thành Tuyên (Ảnh: Quang Hòa)
 
Những năm gần đây du lịch Tuyên Quang đã bước “cất cánh” do chích sách “trọng” du lịch của tỉnh. Trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, tỉnh vẫn xác định “du lịch là 3 lĩnh vực cần đột phá”. Hàng năm tỉnh tổ chức nhiều sự kiện du lịch tầm cỡ, trong đó phải kể đến Lễ hội Thành Tuyên, trở hành thương hiệu và nét độc đáo riêng có của Tuyên Quang. Song năm nào tổ chức lễ hội, cái “đau đầu” nhất của Ban tổ chức chính là tỉnh chưa có “bộ nhận diện du lịch”. Cụ thể chưa có logo và sologan để in trên các loại maket sân khấu, pano, áp phích, giấy mới, công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng một cách thống nhất, bài bản.
 

Đình Tân Trào (Ảnh: Quang Hòa)
 
Trước vấn đề cấp thiết đó, tỉnh đã nhanh chóng tổ chức Cuộc thi “Thiết kế sản phẩm lưu niệm du lịch và sáng tác biểu trưng, khẩu hiệu du lịch tỉnh Tuyên Quang” đến đông đảo công chúng trong và ngoài tỉnh. Ngày 17-12-2018 lễ công bố kết quả thật bất ngờ,  2 tác giả giành giải nhất logo và sologan đều ở tỉnh ngoài. Tác giả Nguyễn Ngọc Huy Mẫn, quận Thanh Khê (Đà Nẵng), người được trao giải nhất về thiết kế logo cho biết, anh biết được cuộc thi ý nghĩa này qua hệ thống báo mạng của Tuyên Quang. Qua nghiên cứu kỹ mảnh đất và con người Xứ Tuyên “xưa và nay”, anh đã đưa ra thiết kế logo thật độc đáo.Theo đó, logo du lịch tỉnh Tuyên Quang được thiết kế với nét đặc trưng của vùng đất chiến khu xưa - "Thủ đô kháng chiến", với hình ảnh cây đa Tân Trào, đình Tân Trào như một thông điệp gửi đến du khách trong và ngoài nước về một Tuyên Quang tuyệt đẹp, mộc mạc và giàu truyền thống lịch sử, đa dạng trong bản sắc và  lòng mến khách.
 
Còn tác giả Cao Thị Thanh Hương, Chi cục Thi hành án huyện Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam, giành giải nhất sologan với thông điệp “Tuyên Quang - Nơi vẻ đẹp hội tụ”. Theo chị Hương “hội tụ” ở đây là hội tụ giữa cảnh sắc thiên nhiên và truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của tỉnh Tuyên Quang. Tuyên Quang có đầy đủ các loại hình du lịch, bản sắc thì vô cùng phong phú của 22 dân tộc anh em. Cảnh đẹp, con người đẹp thì đây chắc chắn là nơi “hội tụ” của du lịch.

Hiện nay, “bộ nhận diện du lịch Xứ Tuyên” đang từng bước được ngành du lịch tỉnh ứng dụng và phát huy mạnh mẽ cho việc quảng bá du lịch Xứ Tuyên ra công chúng. Ông Nguyễn Văn Hải, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) nhận xét, tôi đã xem và bình chọn cho các mẫu logo, sologan trên Trang Thông tin Đối ngoại của tỉnh. Theo tôi Ban tổ chức, Ban giám khảo làm việc công tâm, chọn ra được mẫu biểu trưng rất ưng ý. Tôi rất kết logo và sologan này.
Hòa vào chung dòng du khách đến Tuyên Quang trong những ngày đầu xuân, một số người được phóng viên hỏi cũng chưa biết về “bộ nhận diện du lịch Xứ Tuyên” do tính quá mới của nó. Nhưng khi được xem tận mắt, họ cũng không khỏi ngạc nhiên vì logo, sologan quá chỉnh, thể hiện được mảnh đất, con người Xứ Tuyên. Bà Cao Thị Vi, du khách Hà Nội khẳng định, việc “ra đời” được logo, sologan Xứ Tuyên là bước tiến mới trên con đường chuyên nghiệp hóa du lịch. Rất mong tỉnh quảng bá, truyền “thông điệp” này ra bằng nhiều hình thức. Theo bà Vi có thể in logo, sologan trên xe buýt hoặc các biển báo tại các khu, điểm du lịch.
 
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, việc có logo, sologan du lịch của tỉnh cũng là một thuận lợi của ngành trong công tác phối hợp tuyên tuyền, quảng bá. Năm 2019 này ngành phân đấu sẽ thu hút trên 1,89 triệu lượt du khách du lịch, doanh thu từ du lịch đạt trên 1.700 tỷ đồng.
Bài và ảnh: Lê Quang Hòa