Trải nghiệm homestay Lâm Bình

Thứ hai, ngày 13/05/2019 - 08:49
Đã xem: 3,150 views

Hiện nay, khách du lịch đang có xu hướng ở tại nhà dân địa phương để tìm hiểu văn hóa, cuộc sống của người bản địa. Chính xu hướng này đang tạo điều kiện cho dịch vụ kinh doanh homestay ở huyện Lâm Bình phát triển và tạo được dấu ấn riêng trong lòng du khách.

 

Khách du lịch đến nghỉ tại gia đình anh Chẩu Xuân Việt, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can (Lâm Bình).

Phong cảnh thiên nhiên hoang sơ của miền sơn cước luôn thu hút những du khách phương xa. Ông Phùng Xuân Dũng, khách du lịch đến từ Hà Nội rất ấn tượng với cảnh đẹp của Lâm Bình với núi non trùng điệp bao quanh hồ thủy điện Tuyên Quang. Ông thích thú được khám phá hang động và những thác nước đẹp mê hồn. Đặc biệt hơn là được thưởng thức những điệu hát Then, đàn Tính của người Tày hay ngắm nhìn những bộ váy áo sặc sỡ của đồng bào dân tộc Dao. Ông Dũng mong muốn sẽ được trải nghiệm công việc làm bún Tày, dệt vải thổ cẩm để được hiểu hơn văn hóa truyền thống của người dân nơi đây.

Anh Xavi Subirats người Tây Ban Nha chia sẻ, anh có chuyến đi trải nghiệm ở huyện Lâm Bình cùng những người bạn Việt Nam. Vùng đất này được thiên nhiên ban tặng hệ sinh thái đa dạng với nhiều cảnh đẹp hùng vĩ, sơn thủy hữu tình; có 99 ngọn núi ở xã Thượng Lâm quyến rũ lòng người… Đặc biệt, anh được trải nghiệm dịch vụ cá massage chân miễn phí (cá rỉa chân) ở thác Khuổi Nhi, điều này thực sự một sự trải nghiệm tuyệt vời và ấn tượng. Anh hy vọng có thêm nhiều dịch vụ mới đáp ứng đa dạng nhu cầu của du khách. Theo anh, các gia đình làm du lịch homestay cũng cần biết tiếng Anh để cung cấp dịch vụ cho khách du lịch nước ngoài được tốt hơn.

Bà Triệu Thị Xướng, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm dệt vải thổ cẩm phục vụ khách du lịch.

Để phục vụ tốt hơn nhu cầu của khách du lịch, gia đình anh Chẩu Xuân Việt, thôn Nặm Đíp, xã Lăng Can đã chỉnh trang khuôn viên nhà cửa, trồng cây xanh, thảm cỏ trang trí, đào ao, nuôi cá tạo không gian nghỉ dưỡng cho du khách. Gia đình anh đã làm dịch vụ được 2 năm nay. Nhà anh có thể đón 15 - 20 người nghỉ qua đêm, phục vụ ăn uống cho khoảng 40 - 60 khách. Còn tại gia đình bà Triệu Thị Xướng, thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm cũng đã đầu tư thiết kế không gian ăn nghỉ với phong cách riêng, gần gũi, hài hòa với thiên nhiên. Ngoài chuẩn bị chu đáo các dịch vụ ăn uống, biểu diễn văn nghệ, dịch vụ thuyền du lịch tại khu vực hồ thủy điện Tuyên Quang… gia đình bà Xướng đã tu sửa lại nhà sàn truyền thống, mua sắm chăn, ga, gối, đệm… có kết hợp sử dụng các chất liệu thổ cẩm để đón khách ăn nghỉ.

Để nâng cao chất lượng phục vụ, thời gian qua, UBND huyện Lâm Bình đã tạo điều kiện cho các hộ làm dịch vụ homestay tiếp cận với nguồn vốn của ngân hàng để xây dựng, chỉnh trang khuôn viên nhà ở và khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, hình thành các tua, tuyến du lịch hấp dẫn để thu hút du khách đến với Lâm Bình. Hiện huyện lựa chọn các hộ gia đình làm bún Tày truyền thống, trồng bông dệt vải thổ cẩm để liên kết đưa khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm. Nhờ vậy lượng khách du lịch đến với Lâm Bình ngày càng tăng. Chỉ tính trong 4 tháng đầu năm 2019, Lâm Bình đã thu hút 23.000 lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt hơn 13 tỷ đồng.

Nguồn: Báo Tuyên Quang