Kỹ sư mỏ sáng tạo đàn Tính

Thứ hai, ngày 22/07/2019 - 14:48
Đã xem: 1,826 views

Tại Cuộc thi “Thiết kế sản phẩm lưu niệm du lịch” và “Sáng tác biểu trưng” (logo), khẩu hiệu (slogan) du lịch tỉnh Tuyên Quang, Ban Tổ chức bất ngờ khi chứng kiến chiếc bầu đàn của cây đàn Tính được làm bằng tre. Sức sáng tạo không mệt mỏi của ông Nguyễn Văn Com, dân tộc Tày, tổ nhân dân Vĩnh Thịnh, thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa) đã được đền đáp xứng đáng bằng giải Nhất cho sản phẩm đàn Tính tre. Hiện nay, đàn được ông áp dụng sản xuất hàng loạt, trở thành đồ lưu niệm hấp dẫn cho khách du lịch gần xa..

 

 Ông Com làm cố vấn cho Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính thị trấn Vĩnh Lộc.

Từ say mê...

Ông Com sinh ra và lớn lên trong gia đình giàu truyền thống hát Then, chơi đàn Tính ở huyện Chiêm Hóa. Vùng quê thấm đẫm “hồn Then” trong từng nóc nhà sàn. Ông nội là thầy cúng, giỏi chữ Nho trong vùng. Đi đâu ông cũng cho cháu nội đi theo xách đồ. Rồi ông tập dần cho cháu chơi đàn Tính, hát Then. Ông còn hướng dẫn Com cách chế tác đàn Tính có âm hưởng bay xa. Sau khi tốt nghiệp THPT Chiêm Hóa, ông Com được tuyển đi học kỹ sư mỏ địa chất tại Đại học Tổng hợp Bu ca rét - Rumani. Sau 7 năm học ở trời Âu, ông trở về công tác tại Đoàn Địa chất 107-Tổng Cục Địa chất, đóng tại thị trấn Vĩnh Lộc (Chiêm Hóa). Nhiệm vụ của ông là đi tìm quặng antimon, vàng trên địa bàn. Các mũi khoan sâu trên 260 m xuống lòng đất, qua đó giúp ông lập ra bản đồ khoáng sản.

Trải qua các đơn vị công tác khác nhau ở huyện, tỉnh song công việc chính của ông vẫn là thăm dò, quản lý khoáng sản. Năm 2011 ông về hưu. Tuy ở thị trấn ít đất, nhưng ông vẫn làm ngôi nhà sàn nho nhỏ để khuây khỏa tuổi già. Ông tích cực tham gia làm cố vấn cho Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính thị trấn Vĩnh Lộc với 15 thành viên. Bà Hoàng Thị Tạ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Then, đàn Tính thị trấn Vĩnh Lộc nói, ông Com rất đam mê với văn hóa truyền thống của cha ông. Là người có trách nhiệm với việc giữ gìn bảo tồn Then trên địa bàn. Ông luôn đau đáu truyền nghề cho lớp trẻ, để từ đó Then được lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng.

Vốn có sự am hiểu về đàn Tính, ông Com chuyển sang tập trung cho công việc chế tác. Ông đi khắp vùng tìm mua quả bầu già, tròn, đẹp, giá 50 nghìn đồng/quả. Nhưng có năm bầu mất mùa, sâu bệnh, tìm được quả bầu chuẩn để làm đàn Tính không phải chuyện đơn giản. Có quả về méo ông ngâm vôi, nèn cát, chỉnh cho thật tròn. Quả bầu là chất liệu truyền thống trong chế tác đàn Tính của đồng bào Tày Chiêm Hóa, nhưng nó cũng có nhược điểm là dễ vỡ, tìm quả to tròn đường kính 20 cm hơi khó.

... Đến chế tác

Để khắc phục tình trạng trên, ông Com luôn suy nghĩ, tìm tòi ra vật liệu thay thế. Cầm cây đàn cổ của ông nội để lại ngày xưa, bầu đàn làm bằng gỗ mít. Ông Com gảy ngân nga, âm hưởng của nó không thua kém bầu đàn làm bằng quả bầu. Làm bằng gỗ mít thì chắc chắn, song giá thành cao, tìm lõi cây mít to giờ cũng khá hiếm. Chính vì không có nguồn nguyên liệu dồi dào mà công việc chế tác đàn Tính của gia đình ông nhiều lúc gián đoạn, bập bõm. Khách đặt đàn số lượng lớn làm quà lưu niệm thiếu, khiến ông mất ăn mất ngủ nhiều ngày.

Đàn Tính tre đã khẳng định được chất lượng, mỹ thuật.

Trong một lần đi chơi nhà người bạn, ông thấy họ làm các đồ thủ công mỹ nghệ bằng tre ngâm rất đẹp. Ông thử đặt họ làm một cái bầu đàn bằng tre, được dán keo, đánh nhẵn, sơn pu bóng nhoáng. Kết quả sau khi lắp ráp, đàn cho âm hưởng rất tốt. Mà giá thành cũng chỉ có 100 nghìn đồng/quả bầu. Ưu điểm của đàn Tính tre, bầu đàn thích to, nhỏ bao nhiêu tùy thích. Nguyên liệu dễ tìm, rẻ, làm tròn, sơn màu theo ý muốn. Có thể sản xuất hàng loạt trên quy mô lớn. Bầu đàn chắc chắn, khi vận chuyển, va đập mạnh khó vỡ, rất phù hợp cho việc làm đồ lưu niệm du lịch. Dần dà ông cho cậu con trai Nguyễn Dân đi học nghề làm sơn mài bằng tre ngâm, để có thể mở xưởng chế tác tại nhà, giảm giá thành sản xuất. Vợ ông Com, một y sỹ về hưu cũng phụ giúp chồng con một tay trong việc sản xuất đàn Tính tre.

Cầm cây đàn Tính tre trên tay đánh vài đường Then, ông Com tâm sự, cần đàn, mặt đàn tôi vẫn làm bằng gỗ thừng mực, xoan mộc. Riêng dây cước tuyển loại cước ngoại dai, cứng, độ to nhỏ khác nhau. Cái cải tiến duy nhất của ông Com chính là việc thay thế bầu đàn làm từ tre. Tre gai, hóp, mai già ông bổ đôi ngâm kỹ. Ngâm đủ thời gian vớt lên rửa sạch, phơi khô, đem chẻ nan. Từ các nan này ông cho vào khuôn, dính keo. Dùng máy chà đánh nhẵn, công đoạn tiếp là sơn pu. Do làm bằng tre nên bầu đàn nhẹ, dai, chắc chắn, khó vỡ, độ mỹ thuật cao. Nghệ nhân Then Thàm Ngọc Kiến (TP Tuyên Quang) sau khi “thưởng thức thử” đàn Tính tre nói, ông rất ngạc nhiên về chất lượng, mỹ thuật của cây đàn. Đây là sức sáng tạo của tác giả vượt ra ngoài nguyên liệu truyền thống là quả bầu. Ngoài việc thổi hồn cho đàn Tính, ông Com đã nâng tầm cho một sản phẩm đồ lưu niệm có giá trị của quê hương.

Hiện nay tại căn nhà sàn ở tổ dân phố Vĩnh Thịnh, thị trấn Vĩnh Lộc, hàng ngày vẫn vang lên tiếng dụng cụ chế tác đàn Tính tre. Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương), Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh khuyến khích ông Com mở rộng sản xuất. Từ ngày được giải Nhất đồ lưu niệm “Đàn Tính tre”, ông Com và gia đình đã sản xuất được 200 cây đàn Tính tre bán cho các đội văn nghệ, du khách. Giá đàn to ông bán 500 nghìn đồng, đàn bé 300 nghìn đồng/chiếc.

Bà Lê Thị Thanh Tâm, Trưởng phòng Văn hóa -Thông tin huyện Chiêm Hóa cho hay, ông Nguyễn Văn Com có năng khiếu từ nhỏ, người có thể chơi thành thạo gần 10 nhạc cụ dân tộc. Niềm đam mê khiến “chàng kỹ sư mỏ địa chất” nổi tiếng trong lĩnh vực chế tác đàn Tính. Thấy đàn của ông có chất lượng, mỹ thuật tốt nên chúng tôi giới thiệu ông Com đại diện cho huyện tham gia Cuộc thi “Thiết kế sản phẩm lưu niệm du lịch” và “Sáng tác biểu trưng” (logo), khẩu hiệu (slogan) du lịch tỉnh Tuyên Quang tổ chức năm 2018. Và ông Com đã giành giải Nhất hạng mục đồ lưu niệm với tác phẩm “Đàn Tính tre”. Đàn Tính tre sẽ giúp huyện bảo tồn và phát huy Then trong cộng đồng được tốt hơn. Ngoài ra, đây là đồ lưu niệm chủ lực của huyện, tỉnh, góp phần thúc đẩy du lịch phát triển.

Theo TQĐT