Là một loại bánh đặc trưng của người dân tộc Tày, hiện nay, bánh Gai không chỉ còn làm vào mỗi dịp rằm tháng 7 âm lịch để cúng tổ tiên mà đã trở thành một sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng, đặc trưng riêng có ở huyện Chiêm Hóa được đông đảo khách du lịch thập phương biết đến và thưởng thức loại bánh truyền thống này.
Các công đoạn làm bánh gai đòi hỏi phải đảm bảo chất lượng và vệ sinh.
Không ai biết rõ bánh gai có từ khi nào, chỉ biết đây là loại bánh đặc trưng của đồng bào người Tày ở Chiêm Hóa được làm vào mỗi dịp rằm tháng bảy để thờ cũng tổ tiên, dâng lên tổ tiên, ông bà thể hiện tấm lòng hiếu thảo biết ơn của con cháu. Chiếc bánh Gai nhân đậu xanh với dừa mịn màng, thơm mùi đường mía, lá gai và lá chuối khô hòa quyện với vị ngậy, giòn sần sật của gia vị là sản phẩm nức tiếng, riêng có của huyện Chiêm Hóa. Gia đình bà Đoàn Thị Tuất, tổ Vĩnh Qúy, thị trấn Vĩnh Lộc đã có nhiều năm gắn bó với nghề bánh gai truyền thống, bà chia sẻ, để làm ra sản phẩm bánh gai bảo đảm về chất lượng đòi hỏi phải qua rất nhiều công đoạn và phải có sự chuẩn bị kỹ về nguyên liệu để làm nên chiếc bánh Gai thơm ngậy.
Lễ công nhận thương hiệu bánh gai Chiêm Hóa.
Hiện nay trên địa bàn thị trấn Vĩnh Lộc có gần 100 hộ gia đình chuyên làm bánh gai. Mỗi ngày các cơ sở này cung cấp gần 3.000 cặp ra thị trường, vào các dịp lễ, Tết sản lượng có thể tăng gấp 4 đến 5 lần. Nghề sản xuất bánh gai đã tạo cho các hộ một khoản thu nhập ổn định, khoảng 4 - 5 triệu đồng/hộ/tháng. Bánh gai Chiêm Hóa đã tỏa đi mọi tỉnh thành, ra tận nước ngoài như một thứ quà quê bình dị, thơm ngon mà bất cứ du khách nào qua đây đều muốn thưởng thức.
Là loại bánh ngọt, nhưng vị ngọt của bánh gai Chiêm Hóa rất thanh, không gây cảm giác khé cổ. Khi thưởng thức, nhân đậu xanh quện với dừa tươi cho ta vị ngậy bùi. Bánh có mùi thơm của lá gai, phảng phất mùi của lá chuối khô. Cũng bởi hương vị đặc biệt của bánh gai Chiêm Hóa mà mỗi ngày, theo các chuyến xe khách, hàng nghìn cặp bánh đã được vận chuyển để làm quà cho nhiều người ở khắp các tỉnh, thành./.
Theo chiemhoa.gov.vn