Mùa cấp sắc ở Tân Thành

Thứ năm, ngày 14/11/2019 - 13:39
Đã xem: 2,666 views

Theo lời mời của gia chủ, chúng tôi đến thôn Thuốc Hạ 3, xã Tân Thành (Hàm Yên) để dự Lễ cấp sắc 7 đèn của người Dao đỏ. Đây là nghi lễ khá đặc biệt với quy mô lớn, tổ chức cấp sắc cho 9 chàng trai trong thôn.

Địa điểm thực hiện nghi lễ tại nhà ông Phàn Văn Phú. Theo ông Phú, để được lựa chọn nơi tổ chức hành lễ thì chủ nhà phải đáp ứng nhiều yếu tố. Trong đó, yếu tố đầu tiên là gia đình phải gương mẫu, các thành viên có chuẩn mực đạo đức, luôn hòa thuận, làm ăn thuận lợi, phát đạt…Ngoài ra, còn một điều kiện khá đặc biệt liên quan đến vật nuôi trong nhà, đó là nhà phải nuôi được con lợn nái, bao giờ con lợn nái sinh một lúc 4 con lợn đực là ý trời báo hiệu chấp thuận cho cử hành lễ. Bởi theo quan niệm, 4 con lợn đực tượng trưng cho 4 phương Đông, Tây, Nam, Bắc.

Theo chia sẻ của thầy cúng Triệu Tài Minh, lễ cấp sắc 7 đèn này là sự kiện trọng đại. Chín người con trai được cấp sắc đã qua lựa chọn kỹ càng, quy tụ nhiều chuẩn mực về đạo đức, tài năng, phẩm hạnh, ngoại hình. Người đã được cấp sắc 7 đèn sẽ được cộng đồng trọng vọng, có thể trở thành thầy cúng để đứng ra tổ chức các nghi lễ quan trọng cho bản làng.

Các chàng trai chuẩn bị trang phục và nến trước khi vào Nghi lễ Cấp sắc.

Trong suốt 3 ngày 2 đêm diễn ra đại lễ, từ thầy cúng đến học trò và khách mời đều ăn chay, tuyệt đối không có món nào dính mỡ. Các cặp vợ chồng không được ở gần nhau... phụ nữ và đàn ông phải ngồi ăn ở mâm riêng, ngủ phòng riêng, thậm chí không được đưa mắt nhìn nhau. Theo lý giải của ông Phàn Văn Hin, người cao tuổi trong thôn Thuốc Hạ 3 thì những kiêng kỵ này đều nhằm mục đích giữ gìn thân thể, tâm hồn sạch sẽ, thuần khiết để đối diện với bậc thánh thần. Chính vì thế trước khi vào cấp sắc, các cặp vợ chồng đều phải tắm nước lá có 7 hoặc 9 vị thuốc để gột sạch, giũ bỏ tội lỗi trước khi vào thực hiện nghi lễ.

Bữa cơm chay của các cặp vợ chồng người Dao.

Trang phục của người được cấp sắc khá bắt mắt, sặc sỡ. Màu chủ đạo là màu đỏ, in hình con rồng, con công, con phượng. Người Dao quan niệm Bàn Vương và các vị thần linh luôn ngự trên đầu mỗi người, chính vì vậy, chàng trai và vợ anh ta phải cuốn khăn, đội mũ chỉnh tề.

Tất cả những người được cấp sắc, họ hàng đến giúp việc, khách mời đều chờ đón buổi lễ bằng sự háo hức. Trong tiếng chuông mời rộn rã, điệu múa đón tổ tiên thiêng liêng là điệu hát của các thầy cúng. Theo trình tự, buổi lễ trải qua các nội dung chính: Các vị thầy cúng mời gọi thần thánh, gọi họp họ Bàn Vương, gọi 9 đời tổ tiên chứng giám nghi lễ; hát cầu mùa, cầu may, cầu tài, cầu lộc; hát khuyên bảo, răn dạy; lễ thắp 7 đèn; lễ tạ ơn đất trời…

Thầy cúng đọc các bài khấn mời gọi thánh thần, Bàn Vương, dòng tộc chứng giám lễ.

Trong không gian của Lễ cấp sắc có các điều răn dạy, được linh thiêng hóa và trở thành những giá trị đạo đức mà con người phải gìn giữ, phấn đấu. Anh Phàn Giao Quý người được cấp sắc cho biết, những lời khuyên răn đều hướng con người tới cái thiện. Đó là sự kính trọng tổ tiên, thần thánh, biết ơn cha mẹ, thuỷ chung với vợ con; sống chân thành, không lừa lọc; phải có lòng dũng cảm, biết trọng nghĩa tiết, tuân thủ pháp luật Nhà nước…

Một trong những điểm tạo nên giá trị của Lễ Cấp sắc chính là khúc trường ca của người Dao. Ông Triệu Tài Họ là người phục vụ, giúp việc lâu năm cho thầy cúng cho biết, mỗi lần tổ chức lễ cấp sắc là một dịp cộng đồng nghe lại nguồn gốc xuất xứ của dân tộc mình từ xưa đến nay, tạo nên lòng tự hào dân tộc, ghi nhớ công lao to lớn của tổ tiên, nguồn cội.

Trang phục cấp sắc có sắc màu sặc sỡ, bắt mắt, có họa tiết rồng, lân, công…(ảnh 1 ).
Thầy cúng đọc các điều răn dạy, khuyên bảo của tổ tiên dành cho con cháu (ảnh 2).
Thay mặt các chàng trai được cấp sắc, thầy cúng nói lên ước nguyện, mong muốn cũng như lời hứa sống chuẩn mực đạo đức, xứng đáng con cháu Bàn Vương (ảnh 3).
Những người vợ chứng kiến và hỗ trợ thực hiện thành công nghi lễ (ảnh 4).
Phục vụ nghi lễ còn có những người đánh trống, gõ chiêng, rung chuông…(ảnh 5).

Nghi thức chính đó là lễ đăng quang 7 đèn. Mỗi người cấp sắc được cầm đèn trời (làm từ các đoạn tre nối với nhau, phía trên đặt các ngọn đèn hoặc nến). Anh Phàn Giao Tiến, người được cấp sắc nói, người Dao đỏ Tân Thành chỉ có lễ cấp sắc 3 đèn, 5 đèn, 7 đèn. Lễ 7 đèn tượng trưng cho 7 vị thần oai nghiêm nhà trời soi rọi, chiếu ánh hào quang xuống nhân gian giúp các “con trời” được thông minh, tài giỏi, sống hiếu thảo, đạo đức…
 

Theo trình tự, nghi lễ được diễn ra trong vòng 3-4 tiếng đồng hồ rồi nghỉ giải lao. Có 2 đến 3 vị thầy cúng thay nhau cử hành các nghi lễ. Thầy chủ lễ Triệu Tài Minh cho biết, trước đây Lễ Cấp sắc thường kéo dài 5 đến 7 ngày đêm, nhưng nay rút gọn còn 2 ngày 3 đêm. Nghi lễ thực hiện đảm bảo nếp sống văn hóa, văn minh mà vẫn bảo tồn văn hóa truyền thống của người Dao.

Thầy cúng dẫn đầu đoàn cấp sắc giới thiệu các thành viên cho các vị thánh thần, Bàn Vương, dòng tộc và cùng các chàng trai được cấp sắc nhảy múa, hát trường ca kể về nguồn cội người Dao tại Lễ Cấp sắc.

Kết thúc lễ, thầy cúng sẽ tạ ơn Bàn Vương và tổ tiên đã phù hộ cho buổi lễ kết thúc tốt đẹp. Sau đó, thầy đem lộc là các loại bánh trái, lễ vật dâng lên thần linh để ban phát cho gia đình và dân làng thụ lộc.

Anh Triệu Văn Phấy chia sẻ, được lựa chọn cấp sắc 7 đèn là niềm vinh dự lớn lao. Những người đàn ông khi đã trải qua nghi lễ này luôn cố gắng sống chuẩn mực. Bởi họ có pháp danh, có thầy cúng chỉ bảo, đồng thời các âm binh cùng với các thần linh luôn hiện diện trong ý thức để giám sát các hành vi đạo đức.

Các chàng trai được cấp sắc thành kính với lễ đăng quang 7 đèn.

Lễ cấp sắc là một nghi lễ rất độc đáo, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Qua thực tế, người Dao cho rằng những thanh niên sau khi được cấp sắc đều sống thật thà, không dám làm trái lời dạy của tổ tiên, thánh thần. Đó chính là tính nhân văn trong lễ cấp sắc, hướng con người đến những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

Theo TQĐT