Bảo tồn “xanh” các khu du lịch

Thứ hai, ngày 18/11/2019 - 14:45
Đã xem: 2,180 views

Thời gian gần đây trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội rộ lên việc dư luận phản đối một số địa phương trong nước xây các công trình bê tông ảnh hưởng đến quần thể khu di tích, danh lam thắng cảnh, biểu tượng quốc gia. Tại tỉnh ta, từ lâu tỉnh đã có chiến lược bảo tồn "xanh" các khu di tích, danh lam thắng cảnh trên địa bàn.

Tuyên Quang là Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến. Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương) là địa chỉ đỏ về nguồn của nhân dân cả nước, du khách quốc tế. Hiện những cánh rừng nguyên sinh ở đây được gìn giữ, bảo tồn nguyên trạng, tạo nên hệ sinh thái xanh cho toàn cảnh khu di tích. Được sự bảo trợ của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xã Tân Trào đã lưu giữ quần thể nhà sàn giả gỗ truyền thống ở thôn Tân Lập, nay trở thành làng homestay đầy bản sắc, phù hợp với cảnh quan nơi đây.

Nhiều du khách về thăm Tân Trào được đi dưới hàng cây duối rợp mát, thấy cảnh quan nơi đây vẫn giữ được nét nguyên sơ đều cảm thấy bồi hồi. Ông Nguyễn Văn Đặng, du khách tỉnh Hải Dương nói, đây là lần thứ hai ông thăm Tân Trào. Điều ông ấn tượng nhất là khu di tích vẫn giữ được dáng vẻ xưa. Cây đa Tân Trào được tỉnh mời chuyên gia bảo tồn phần gốc, trồng lại một số cây, nay phát triển khá tốt. 

Khu du lịch sinh thái Phiêng Bung, xã Năng Khả đang được huyện Na Hang mời gọi đầu tư.

Không chỉ có Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào mà Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình (Chiêm Hóa) cũng được bảo tồn "xanh". Toàn bộ khu rừng phòng hộ, rừng đặc dụng bao quanh khu di tích được bảo vệ và gìn giữ. Mới đây huyện còn hỗ trợ một số hộ ở thôn Bó Củng xây dựng nhà sàn truyền thống để giữ cảnh quan khu di tích. Ông Ma Quang Bắc, Bí thư Đảng ủy xã Kim Bình khẳng định, hằng năm, Bảo tàng tỉnh và chính quyền địa phương tổ chức trồng cây bản địa đầu xuân để khu di tích và khu dân cư liền kề ngày càng xanh mát hơn. Xã cũng tuyên truyền đến người dân các thôn ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sống và bản sắc văn hóa dân tộc trong việc xây dựng nông thôn mới.

Tuyên Quang là tỉnh đứng thứ 3 trong cả nước về tỷ lệ che phủ rừng, đạt 64,9%. Rừng giúp cho người dân có sinh kế ổn định, tránh thiên tai, bão lũ, sạt lở đất, bảo vệ nguồn nước đầu nguồn. Hiện nay rừng cùng là sản phẩm của du lịch, khi du lịch sinh thái ngày càng được du khách ưa chuộng. Do giữ rừng tốt và phong cảnh thiên nhiên sơn thủy hữu tình mà Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình được “phong” là danh thắng Quốc gia đặc biệt. Khu bảo tồn rộng lớn trên 60.000 ha có nhiều động thực vật quý hiếm, đặc hữu của địa phương. Vùng đệm là các bản làng đồng bào dân tộc thiểu số, nay đang phát triển du lịch homestay gần gũi với thiên nhiên.

Với hướng đi đúng và những giải pháp hiệu quả để bảo tồn "xanh" tại các điểm, khu du lịch, tỉnh ta đã và đang khai thác hiệu quả các thế mạnh về du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.    

Theo TQĐT