Đặc sắc di sản văn hóa xứ Tuyên

Thứ hai, ngày 25/11/2019 - 08:15
Đã xem: 2,720 views

Nhiều khách du lịch khi đến Tuyên Quang phải thốt lên rằng, hiếm có tỉnh, thành phố nào trong cả nước lại có một kho tàng di sản văn hóa đồ sộ đến vậy. Di sản văn hóa của Tuyên Quang phong phú, đa dạng ở loại hình văn hóa vật thể và văn hóa phi vật thể. Các di sản văn hóa đã góp phần quan trọng làm nên bản sắc dân tộc của đất và người xứ Tuyên.

Khách tham quan Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương). 

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, về lĩnh vực di sản văn hóa vật thể, trên địa bàn tỉnh hiện có gần 600 di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh. Trong đó có 3 khu di tích quốc gia đặc biệt, 133 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 250 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Chính vì vậy, Tuyên Quang được gọi là “bảo tàng cách mạng” của cả nước. Tiêu biểu như: Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương), Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình (Chiêm Hóa), Danh thắng Quốc gia đặc biệt Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình. Ngoài ra, tỉnh có hàng nghìn cổ vật, tư liệu quý; trong đó có bảo vật Quốc gia Văn bia Bảo Ninh Sùng Phúc ở Yên Nguyên (Chiêm Hóa), có từ thời nhà Lý. 

Cọc vài - danh thắng Quốc gia thuộc huyện Lâm Bình.

Tuyên Quang còn có gần 70 di tích đền, chùa không chỉ nổi tiếng linh thiêng, mà còn có bề dày lịch sử, kiến trúc độc đáo cổ xưa, với phong cảnh hữu tình, nguyên sơ, huyền bí. Như đền Pú Bảo, chùa Phúc Lâm Tự (Lâm Bình); đền Pác Tạ, Bắc Vãng (Na Hang); đền Bó Cuống, Bách Thần, đền Ngọc Hội, chùa Hòa Phú, Bảo Ninh Sùng Phúc (Chiêm Hóa); đền Bắc Mục, Thác Con, Thác Cái (Hàm Yên); chùa Đại Bi, Phật Lâm (Yên Sơn); chùa Lang Đạo (Sơn Dương). Hệ thống đền, chùa nổi bật nhất phải nói đến thành phố Tuyên Quang. Ngay tại thành phố có cả một quần thể, nổi tiếng như: Đền Hạ, đền Thượng, đền Mẫu, đền Ỷ La và các chùa An Vinh, chùa Hang, Thiền viện Trúc lâm Chính pháp. Hàng năm, lượng người hành hương về tham quan đền, chùa rất đông, nhất là dịp đầu xuân năm mới.

Lĩnh vực văn hóa phi vật thể, tỉnh có 40 lễ hội đặc sắc. Trong đó có một số lễ hội tiêu biểu như: Lễ hội Lồng tông của đồng bào Tày (Chiêm Hóa, Na Hang, Lâm Bình); Lễ hội Nhảy lửa của dân tộc Pà Thẻn (Lâm Bình), Dao đỏ Na Hang), Cao Lan (Yên Sơn); Lễ hội Cầu mùa của đồng bào Tày xã Tân Trào (Sơn Dương); Lễ hội Đình Giếng Tanh của dân tộc Cao Lan (Yên Sơn); Lễ hội Động Tiên - Chợ quê (Hàm Yên); Lễ hội Đua thuyền trên sông Lô và lễ hội rước Mẫu (TP Tuyên Quang). Trong đó, Lễ hội Thành Tuyên là lễ hội cấp tỉnh lớn nhất trong năm của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang. Ở mảng văn hóa phi vật thể, do tỉnh có 22 dân tộc anh em cùng sinh sống nên phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nhạc cụ, các bài thuốc dân gian vô cùng phong phú, đa dạng. Kho tàng dân ca, dân vũ như làn điệu Then, Cọi, Quan làng, Páo dung, Sình ca, Soọng cô phát triển khá mạnh.

Then của người Tày Tuyên Quang là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Đồng chí Âu Thị Mai, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch nói, nhận thức được vai trò to lớn của văn hóa đối với phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, trong những năm qua tỉnh đã chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Đối với văn hóa vật thể, tỉnh đã đẩy mạnh chỉnh trang tôn tạo các khu, điểm di tích, giữ gìn bảo vệ nghiêm ngặt và hài hòa các khu danh thắng quốc gia. Chủ trương của tỉnh là thiên về bảo tồn xanh, tránh việc “bê tông hóa” quá mức với di tích, danh lam thắng cảnh. Đối với loại hình văn hóa phi vật thể, tỉnh chỉ đạo cơ quan chuyên môn tiến hành ưu tiên kiểm kê và lập hồ sơ khoa học cho từng đối tượng, có giải pháp bảo tồn trong cộng đồng. 

Tính từ năm 2010 đến năm 2019, tỉnh có 10 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được công nhận, gồm: Nghi lễ Then và Lễ hội Lồng tông của người Tày; nghi lễ cấp sắc và hát Páo dung của người Dao; kéo co truyền thống; hát Sình ca của người Cao Lan; hát Soọng cô của người Sán Dìu; lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La của thành phố Tuyên Quang; Lễ hội đình Thọ Vực (Sơn Dương), Nghệ thuật trang trí trên trang phục truyền thống của người Dao đỏ. Tỉnh cũng đang phối hợp với các tỉnh có Then tiến hành các bước lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận “Then Tày, Nùng, Thái” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.  

Theo TQĐT