Mùa “săn” mây ở Na Hang

Thứ tư, ngày 27/11/2019 - 08:34
Đã xem: 3,520 views

Những ngày mùa đông này lên huyện vùng cao Na Hang, đến đèo Cổ Yểng sẽ nhìn bao quát cả khung cảnh thị trấn, xa xa có ngọn Pác Tạ vươn lên từ lòng hồ đang bồng bềnh trong mây. Sự huyền bí, lãng mạn đó càng làm tăng sự tò mò, phấn khích trong lòng du khách. Vì vậy mùa “săn” mây ở đây càng trở nên hấp dẫn…

Suối mây nơi rẻo cao

Nhiều người cứ nghĩ lên Na Hang du lịch phải vào mùa hè mới đẹp. Ngoài tắm thác, bơi thuyền trên lòng hồ, họ có thể cắm trại trong các khu rừng nguyên sinh với không khí trong lành, mát mẻ. Nhưng đi một vài lần du khách mới ngỡ ra ở đây vẻ đẹp bốn mùa. Nếu như mùa xuân là mùa của lễ hội, mùa hoa lê, mận, đào nở bung khoe sắc, thì mùa thu với những dải sóng vàng ruộng bậc thang kỳ vỹ, rừng cây nguyên sinh chuyển sắc và mùa đông là những ngọn núi, bản làng e ấp trong mây. Mỗi mùa một vẻ, nhưng mùa đông thể hiện rõ nhất cuộc sống đặc trưng của cư dân vùng núi.

Nhìn từ trên cao, Na Hang hiện ra với những dải núi đồi trùng điệp, xen kẽ là những thung lũng nhỏ hẹp, nơi đồng bào các dân tộc sống quây quần thành từng bản. Với độ cao trên dưới 1.000m so với mặt nước biển, vào mùa đông, Na Hang luôn chìm trong mây. Mây quấn quanh các ngọn núi. Mây bay lảng bảng trên mặt hồ. Mây sà xuống khu rừng nguyên sinh, chui vào kẽ lá. Mây lùa theo gió. Theo các nhiếp ảnh gia, mây ở Na Hang đẹp nhất vào thời điểm mặt trời mọc. Lúc đó ánh nắng xuyên qua các đám mây làm mặt đất, hồ nước bốc hơi. Mây bay lên quyện vào các ngọn núi, rừng cây càng lung linh huyền ảo.

Tác phẩm “Đường bừa trên mây” của tác giả Quang Hòa.

Một số địa danh mà khách thích “săn” mây nhất ở Na Hang đó là núi Pác Tạ, lòng hồ, xã Thanh Tương, Khau Tinh, Sinh Long, Thượng Giáp, Sơn Phú, Đà Vị và Hồng Thái. Đẹp nhất vẫn là mây ở xã Hồng Thái. Vào buổi sáng, mây bay từ dưới thung lũng lên chứ không phải mây từ trên trời sà xuống. Cứ từng lớp mây tầng tầng, lớp lớp được đùn lên, theo gió đi xa. Ở Hồng Thái tùy vào thời tiết mà có nhiều kiểu mây; có loại mây mù mịt, có loại mây từng đám, lững lờ trôi trên nền trời trong vắt; có loại mây luồn men theo các sườn núi cao, rồi theo gió tạo ra suối mây trải dài.

Một ngày mùa đông ở đây rất ngắn, bởi mây bao phủ cả buổi sáng lẫn cuối buổi chiều. Để chống chọi với khí hậu ẩm, lạnh người dân Hồng Thái thường làm nhà bưng gỗ, trên lợp ngói âm dương. Việc ngắm mây hàng ngày đã trở nên quen thuộc với người dân, nhưng với du khách thì đây quả là một khoảnh khắc ấn tượng, nhiều cung bậc cảm xúc. Nhờ đó, du lịch mùa đông ở địa phương khá phát triển.

Theo chân dân phượt

Ở thành phố Tuyên Quang, một nhóm bạn trẻ bàn nhau chuyện đi “săn” mây tại Na Hang. Ngoài được tận hưởng cái cảm giá đi trên mây, họ còn có được những tấm hình ưng ý. Tôi cũng mạnh dạn theo đoàn một chuyến. Nói thật đi phượt ngày cuối tuần với những người bạn cùng sở thích thì còn gì bằng. Cả đoàn chạy xe máy hơn 5 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã có mặt tại xã Hồng Thái. Cả đoàn nghỉ trọ tại homestay Đặng Thị Dương, thôn Khau Tràng. Đây là ngôi nhà gỗ, ngói âm dương nằm ở địa thế khá đẹp trên sườn núi, địa điểm thích hợp cho việc “săn” mây. 5 giờ sáng, khi tiếng gà gáy vừa ngớt canh, chuông điện thoại báo thức vang lên, cả đoàn lập tức chuẩn bị dụng cụ máy ảnh, điện thoại ra địa điểm “săn” mây.

Văn hóa của người Dao tiền ở Hồng Thái là nguồn cảm hứng sáng tác của các nhiệp ảnh gia.

Hôm trước trời nắng hanh, sáng nay đúng là “hên” với cả đoàn. Khi bình minh chưa ló rạng, mây từ dưới thung lũng đùn lên rất đẹp. Tuy mùa này không có lúa chín của ruộng bậc thang Hồng Thái, nhưng cảnh mây quấn vào vườn lê, ngọn tre, ôm lên mái nhà ngói âm dương, bay qua điểm trường tiểu học... khiến cho khung cảnh mờ ảo nơi đây trở nên tuyệt đẹp. Mây tiếp tục đùn lên, ánh nắng chiếu xuống, cả thung lũng mây bạc hiện ra dày đặc. Lúc này ai cũng có cảm giác lâng lâng, như mình đang đứng trên lưng trời. Suối mây thật kỳ ảo!.

Ông Bàn Tiến Sỹ, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái cho biết, trước kia chúng tôi cứ nghĩ chỉ làm được du lịch khi mùa lúa chín. Nhưng giờ lượng khách đi du lịch “săn” mây mùa đông khá lớn. Các homestay tại địa phương đều làm ăn được nên ai cũng phấn khởi. Ngay trên địa bàn có thôn Khuổi Phầy toàn người Mông sinh sống, giáp với huyện Pác Nậm (Bắc Kạn) hàng năm vào đầu mùa xuân vẫn phối hợp tổ chức Lễ hội Mù Là, tức là lễ hội trên mây. Mây ở khu vực này nhiều, khá mù mịt nhưng lượng gió cũng mạnh. Bởi vậy, mây ở Khuổi Phầy vừa đến lại vừa đi. Ngớt đám mây này lại có đám mây khác theo gió ùa đến.

Không chỉ có Hồng Thái, mây ở xã Đà Vị cũng rất đẹp. Đà Vị có nhiều dãy núi cao sừng sững, nơi giáp ranh với Bắc Kạn. Từ Bản Tâng, Nà Pin đến Bản Lục, đoàn quyết định nghỉ chân tại trung tâm xã Đà Vị, để sáng sớm hôm sau thuê thuyền, cho cả xe máy lên, chạy theo tuyến ra thị trấn Na Hang. Trên lòng hồ vào mùa đông, thời tiết lạnh, buổi sáng mặt nước bốc hơi, khung cảnh mờ ảo. Hình ảnh người ngư dân kéo bẫy tôm, xa xa những cái cây ven hồ hiện lên như tranh thủy mặc. Càng đi, mặt trời lên, mây quấn vào 99 ngọn núi, quấn vào ngọn Pác Tạ, Na Hang càng trở lên huyền bí, đẹp tuyệt như một bức tranh sơn thủy hữu tình.

Ngày nay, du lịch vào mùa đông có sức hút lạ thường, nhất là giới nhiếp ảnh gia chuyên và không chuyên, những người mê phượt, mê cảm giác bồng bềnh, để rồi khi được nhìn những suối mây bất tận, cảm xúc họ đã vỡ òa. “Săn” mây giờ đây cũng trở thành một sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn du khách gần xa đến với Na Hang, góp phần thúc đẩy du lịch trên địa bàn phát triển.

Theo TQĐT