Sức bật thành phố trẻ

Thứ ba, ngày 07/01/2020 - 16:05
Đã xem: 3,489 views

Mang trong mình sự năng động của sức trẻ, những năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Tuyên Quang lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra, đến nay, nhiều chỉ tiêu KT-XH của thành phố đã về đích sớm và vượt chỉ tiêu. Một thành phố trẻ trung, năng động bên dòng Lô đang vươn mình mạnh mẽ trong sự phát triển chung của tỉnh.

Mang trong mình sự năng động của sức trẻ, những năm qua, thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Tuyên Quang lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020 đề ra, đến nay, nhiều chỉ tiêu KT-XH của thành phố đã về đích sớm và vượt chỉ tiêu. Một thành phố trẻ trung, năng động bên dòng Lô đang vươn mình mạnh mẽ trong sự phát triển chung của tỉnh.


Bước phát triển nhanh về hạ tầng, dịch vụ - thương mại

Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, Đảng bộ thành phố Tuyên Quang đã coi trọng công tác lãnh đạo phát triển hạ tầng làm đòn bẩy để phát triển kinh tế, nhất là du lịch, dịch vụ - thương mại. Thành phố đã chú trọng phát triển hệ thống thông tin liên lạc, các trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị, nhà hàng, khách sạn, các khu dịch vụ du lịch trên địa bàn. Thành phố đã hoàn thành và đưa vào sử dụng Trung tâm thương mại Vincomshophouse, khách sạn Mường Thanh, khách sạn Royalpalace, siêu thị Điện máy xanh, quy hoạch xây dựng bãi đỗ xe, khu dịch vụ đền Thượng, xã Tràng Đà; đầu tư tôn tạo di tích Chi bộ Mỏ than và đang thực hiện công trình đường dọc hai bờ sông Lô, dự án cầu Tình Húc…

Hiện nay, thành phố có 50 nhà hàng, 91 khách sạn, nhà nghỉ, trong đó có 2 khách sạn 4 sao, 7 khách sạn 2 sao và 15 khách sạn 1 sao; có trên 300 doanh nghiệp tham gia hoạt động dịch vụ thương mại và trên 10.000 hộ kinh doanh dịch vụ.

Trung tâm thương mại Vincom. Ảnh: Thủy Châu

Siêu thị Vinmart đã có mặt hầu khắp các xã, phường của thành phố Tuyên Quang. Ảnh: Thủy Châu.

Thành phố đã tập trung rà soát quy hoạch sử dụng đất, cân đối và phân bổ quỹ đất phù hợp với quy hoạch phát triển hạ tầng thương mại. Hiện nay, thành phố đã quy hoạch chi tiết xây dựng khu dịch vụ thương mại và ẩm thực; quy hoạch xây dựng chợ tại Khu công nghiệp Long Bình An. Bên cạnh đó, hệ thống thông tin liên lạc được đầu tư ngày càng đồng bộ. Thành phố đã xây dựng các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông công cộng, ngầm hóa hệ thống cáp, xây dựng mới hạ tầng cột treo cáp, cải tạo hệ thống hạ tầng mạng cáp viễn thông và cột anten thu phát sóng.

Nhằm xây dựng một thành phố xanh - sạch - đẹp, thành phố Tuyên Quang đã nghiên cứu thực hiện dự án xây dựng hệ thống thoát nước và Nhà máy xử lý nước thải; triển khai xây dựng cống thoát nước tại các khu dân cư theo hình thức “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Bên cạnh đó, thành phố đã hoàn thành xây dựng Nhà máy xử lý nước mặt sông Lô tại phường Minh Xuân và phường An Tường; cải tạo, nâng cấp hồ Trung Việt, phường Phan Thiết; hồ Tân Hà, phường Tân Hà. Thành phố đã phối hợp với các ngành chức năng đề xuất với tỉnh di chuyển các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi các khu dân cư tập trung, khắc phục triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại khu vực bãi rác phường Nông Tiến, xây dựng các công trình kè bảo vệ sông Lô, kè suối Chả, kè soi Tình Húc…

Bệnh viện Đa khoa phương Bắc đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu
khám chữa bệnh của nhân dân. Ảnh: Thủy Châu

Ông Trần Xuân Thiểm, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND phường Tân Hà cho biết, từ năm 2015 đến nay, cấp ủy, chính quyền phường đã tập trung làm tốt công tác phát triển hạ tầng, góp phần đưa thành phố trở thành đô thị loại II vào năm nay. Phường đã tập trung giải quyết các vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho việc xây dựng các dự án và phát triển đô thị. Hiện nay, nhiều dự án lớn đã được triển khai như: Trung tâm Ứng dụng khoa học kỹ thuật tỉnh, Nhà máy gạch không nung, dự án Trung tâm lữ hành và dịch vụ du lịch nhà hàng Thành Tín, Trung tâm Bảo dưỡng, bảo hành ô tô Thái Nguyên tại Tuyên Quang, Bệnh viện Đa khoa Phương Bắc, dự án Khu vui chơi giải trí Bách Thảo Ngân, khu đô thị Thịnh Hưng… Phường đã vận động nhân dân các tổ dân phố trên trục đường Trường Chinh, đường Minh Thanh, Lê Duẩn xây dựng các mô hình tuyến phố văn minh. Việc tập trung đầu tư hạ tầng đô thị tạo đà để kinh tế, văn hóa - xã hội của thành phố phát triển, đồng thời tạo ra những điểm nhấn cho thành phố.

Du lịch khởi sắc

Thành phố hiện có trên 20 điểm du lịch, văn hóa, kiến trúc trở thành những điểm đến không thể thiếu đối với mỗi du khách khi đến Tuyên Quang như: Đền thờ Bác Hồ, Quảng trường Nguyễn Tất Thành, Hồ công viên Tân Quang, Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, Bảo tàng tỉnh…Từ thành phố, du khách có thể trải nghiệm các khu du lịch trong tỉnh như: Hồ sinh thái Na Hang, suối khoáng Mỹ Lâm, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào.

Giữ vị trí là trung tâm của các tuyến, tua du lịch trong tỉnh, thành phố Tuyên Quang đã khai thác ngày càng hiệu quả tiềm năng về du lịch lịch sử văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh gắn với các lễ hội. 

Các mô hình đèn trung thu khổng lồ trong Lễ hội Thành Tuyên là sản phẩm du lịch độc đáo được du khách trong nước và ngoài nước biết đến. Ảnh: Việt Hòa.

Hàng năm, Lễ hội Đua thuyền trên sông Lô, Lễ hội Thành Tuyên, Lễ hội Đền Hạ - Đền Thượng - Đền Ỷ La được tổ chức đã tạo nên thương hiệu văn hóa lễ hội và văn hóa tâm linh đặc sắc của thành phố. Thành phố đã mở rộng quảng bá, giới thiệu với bạn bè, du khách về tiềm năng, thế mạnh du lịch; đã phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Hà Giang, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh tổ chức Tọa đàm liên kết, hợp tác phát triển du lịch Tuyên Quang - Hà Nội - Hà Giang. Qua đó,  đẩy mạnh liên kết hợp tác phát triển du lịch, mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia đầu tư, liên kết hợp tác du lịch.

Lễ hội Đền Hạ - Đền Thượng - Đền Ỷ La.

Lễ hội đua thuyền trên sông Lô được tổ chức hàng năm là một trong các lễ hội độc đáo của thành phố. Ảnh: Quang Hòa, Phan Anh

Công tác quy hoạch du lịch và đầu tư phát triển hạ tầng du lịch đã được UBND thành phố quan tâm. Nhiều quy hoạch du lịch đã được thực hiện mang tính chiến lược như: đề án phát triển Cụm du lịch sinh thái núi Dùm - Cổng trời; quy hoạch khu du lịch vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng Soi Tình Húc, phường Hưng Thành; quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch văn hóa tâm linh, di tích lịch sử, tạo tiền đề quan trọng để thu hút đầu tư về hạ tầng du lịch.

Những năm gần đây, thành phố đã phát động cho các xã, phường tổ chức hội thi thiết kế sản phẩm lưu niệm, quà tặng du lịch; tổ chức hội thi đánh giá chất lượng nhà hàng, khách sạn. Bên cạnh đó, thành phố đã tổ chức cho các xã, phường xây dựng và hình thành các sản phẩm quà tặng, quà lưu niệm của địa phương như: các sản phẩm mây tre đan phường Tân Hà, bưởi diễn xã Thái Long, mật ong Phong Thổ xã An Khang, gạo Bắc thơm phường Hưng Thành.

Năm 2019, doanh thu xã hội về hoạt động du lịch của thành phố tăng 35,8% so với năm 2018. Lượng khách du lịch đến với thành phố ước vào năm 2020 đạt trên 626.560 lượt người.

Phát triển nông nghiệp chất lượng cao

Mặc dù là vùng đô thị nhưng thành phố đã triển khai hiệu quả Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 22-5-2016 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI về phát triển nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2016 - 2025. Thành phố đã chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, từng bước xây dựng các nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa. Đến nay, thành phố đã hình thành trên 60 ha rau an toàn tập trung, 217 ha cây ăn quả, trên 31 ha hoa và cây cảnh, 247,2 ha lúa đặc sản, chất lượng cao tại các xã, phường.

Ở thôn 2, xã Đội Cấn đã hình thành vùng chuyên canh trồng rau vụ đông quy mô lớn với nhiều hộ dân thực hiện. Ảnh: Thủy Châu.​

Trong phát triển nông nghiệp, thành phố đã chú trọng chuyển đổi diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Hiện nay, toàn thành phố đã có 158 mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Đồng chí Đào Quang Hậu, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Hưng Thành cho biết, Đảng ủy đã chỉ đạo chuyển đổi diện tích đất lúa sang kém hiệu quả sang sản xuất rau an toàn, lúa Bắc Thơm chất lượng cao tại tổ 8 với diện tích 5 ha. Phường cũng quy hoạch trồng 20 ha rau sản xuất theo hướng hàng hóa cho thu nhập ổn định từ 120 triệu đến 140 triệu đồng/ha. Năm 2019, giá trị sản xuất nông nghiệp của phường tăng 9,1% so với năm trước.

Sản phẩm mật ong Phong Thổ đã trở thành sản phẩm du lịch nổi tiếng của thành phố Tuyên Quang.
Ảnh: Thúy Nga.

Các chuỗi sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp cũng được hình thành rõ nét như: sản xuất mật ong và các sản phẩm từ ong mật của HTX chăn nuôi ong Phong Thổ ở xã An Khang; sản xuất và chế biến tinh bột nghệ ở xã Lưỡng Vượng; sản xuất và tiêu thụ bưởi ở xã Thái Long.

Đồng chí Vũ Đức Long, Bí thư Đảng ủy xã Thái Long cho biết, đến nay xã đã bê tông hóa 100% km đường giao thông nông thôn, tạo thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Xã cũng đang xây dựng nhãn hiệu bưởi Thái Long. Toàn xã hiện có 52 ha cây bưởi. Đời sống nhân dân trở nên khá giả hơn từ cây bưởi. Bà Nguyễn Thị Trình, người dân thôn Hòa Mục cho biết, gia đình bà có trên 100 cây bưởi. Từ 2 năm nay, mô hình trồng bưởi của gia đình bà đã cho thu nhập trung bình mỗi năm từ 50 triệu đồng trở lên. Từ những mô hình trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, đời sống người dân xã Thái Long được nâng lên đáng kể. Thu nhập bình quân đầu người đạt 40 triệu đồng/người/ năm.

Mô hình trồng bưởi cho thu nhập cao của gia đình bà Nguyễn Thị Trình, thôn Hòa Mục, xã Thái Long.
Ảnh: Thủy Châu

Lấy phát triển hạ tầng, thương mại dịch vụ và du lịch làm mũi nhọn nhưng cũng chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng chất lượng cao là kết quả nổi bật của thành phố trong những năm qua. Từ đó làm nên sức bật của một thành phố trẻ năng động để có những bước tiến xa hơn trong tương lai.

Các chỉ tiêu thành phố Tuyên Quang phấn đấu trong năm 2020

- Thu nhập bình quân đầu người 80,5 triệu đồng/năm.

- Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp thủy sản tăng bình quân 5,6%.

- Thu ngân sách nội địa 500,49 tỷ đồng.

- Giá trị xuất khẩu hàng hóa 67 triệu USD.

Theo TQĐT