Người Nùng dán giấy đỏ mang vận may vào nhà

Thứ năm, ngày 16/01/2020 - 14:04
Đã xem: 2,016 views

Sau khi dọn dẹp sạch sẽ nhà cửa, ruộng vườn, đồng bào người Nùng đều trang trí nhà bằng giấy đỏ. Giấy đỏ được dán lên bàn thờ và các vật dụng sinh hoạt, sản xuất với ước nguyện năm mới gặp nhiều may mắn, an khang - thịnh vượng.

Những ngày giáp Tết là ngày mang ý nghĩa quan trọng và đặc biệt trong tín ngưỡng của đồng bào Nùng. Vào ngày này, người Nùng thức dậy rất sớm để lau dọn nhà cửa sạch sẽ, sau đó tiến hành dán giấy đỏ trong nhà. Các vật dụng, vị trí trong nhà từ cối xay, cối giã gạo, cái cày, bừa cho đến bàn thờ tổ tiên đều được “niêm phong” giấy đỏ. 

Người Nùng thôn Yểng, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) dán giấy đỏ chào đón năm mới. 

Về nguồn gốc của tục dán giấy đỏ, cụ Thèn Thị Minh, thôn Khăm Kheo, xã Công Đa (Yên Sơn) cho biết, tương truyền từ xa xưa, cứ mỗi khi năm hết tết đến, cả bản tưng bừng chuẩn bị đón xuân, mọi người náo nức chuẩn bị gạo thịt làm bánh chưng, thì lũ quỷ lại mò đến trộm thịt và phá hoại đồ đạc, gia súc gia cầm. Vì vậy, dân bản thường xuyên phải cử người túc trực ngày đêm để canh gác không cho lũ quỷ đến phá hoại. Một năm, vào dịp Tết có một gia đình đầu bản phơi mảnh vải đỏ ở ngoài sân, lũ quỷ như thường lệ mò đến đầu bản, mới nhìn thấy tấm vải đỏ ở đằng xa đã vội vàng bỏ chạy. Sau lần đó, mọi người biết quỷ sợ màu đỏ nên cứ vào dịp Tết, người ta lại dán giấy đỏ lên các đồ vật, lên gia súc gia cầm để xua đuổi ma quỷ.

Theo quan niệm của người Nùng, giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành và tượng trưng cho khí dương, ánh nắng mặt trời. Vào đầu năm mới, người ta trang hoàng nhà cửa bằng giấy đỏ, dán giấy đỏ vào các đồ vật, dán giấy đỏ vào vật nuôi nhằm đánh thức đồ vật bừng dậy sau một mùa đông lạnh, bắt đầu cho một năm mới may mắn, bình an. 

Đây cũng là dịp để gia chủ tri ân “người bạn” trong lao động sản xuất. Những dụng cụ như cày, cuốc, xẻng... sẽ được rửa sạch sẽ, dán giấy đỏ. Bởi vào ngày lễ Tết con người được nghỉ và vui chơi thì các dụng cụ cũng cần được nghỉ ngơi. Có như vậy, năm mới sẽ làm việc tốt hơn, mùa màng bội thu.

Theo thường lệ vào ngày 30 Tết, gia đình anh Sùng Văn Tây, thôn Yểng, xã Hùng Lợi (Yên Sơn) dậy từ sáng sớm để trang hoàng nhà cửa. Anh cùng các con gỡ bỏ giấy cũ, người lau rửa bàn thờ tổ tiên, người lo chuẩn bị giấy mới. Những tờ giấy đỏ năm cũ sau khi gỡ ra, sẽ được người ta đem đốt. Người Nùng quan niệm không được vứt giấy năm cũ linh tinh, vì sợ bị gia súc gia cầm giẫm lên sẽ khiến gia đình gặp nhiều xui xẻo trong năm mới. Vậy nên, sau khi gỡ xong người ta mang giấy cũ ra trước sân rồi đốt để xóa đi những điều không may mắn trong năm cũ. 

Anh Tây chia sẻ, giấy để dán được gia chủ mua từ phiên chợ áp Tết, khi mua người ta phải chọn loại giấy dày, màu hồng điều, không bị nhàu rách. Ở một số hộ gia đình, tục dán giấy đỏ được thực hiện khá cầu kỳ. Chủ nhà cắt giấy thành những nét hoa văn và có hình con chim đang bay lượn, hình con cá đang bơi... để dán vào bàn thờ, cửa, dụng cụ sản xuất... thể hiện sự khéo léo và mong muốn những điều may mắn nhất sẽ đến trong năm mới.

Vào ngày Tết, những ngôi nhà ở bản làng người Nùng lại bừng sáng trong sắc đỏ. Bên cạnh sắc đào tươi thắm thì nhà cửa, đồ đạc được trang hoàng, dán giấy đỏ rực rỡ. Tất cả gửi gắm ước nguyện năm mới may mắn, hạnh phúc, bình an.

Theo TQĐT