Giữ gìn trang phục truyền thống gắn với phát triển du lịch

Thứ hai, ngày 09/03/2020 - 10:58
Đã xem: 1,592 views

Cùng với tiếng nói, trang phục là yếu tố đầu tiên để phân biệt các tộc người với nhau, đó còn là nét đẹp văn hóa, chứa đựng tinh hoa, sáng tạo nghệ thuật của từng dân tộc. Chính vì vậy, trong những năm qua huyện Lâm Bình đã thực hiện các giải pháp để đưa trang phục truyền thống phổ biến hơn trong cuộc sống của đồng bào các dân tộc. Từ đó, nâng cao ý thức bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của các dân tộc trên địa bàn.

Bắt đầu từ thế hệ trẻ…

Xác định giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, trong đó có giữ gìn trang phục truyền thống phải bắt đầu từ thế hệ trẻ, trong những năm qua, ngành Giáo dục và Đào tạo huyện Lâm Bình đã chỉ đạo các trường học khuyến khích học sinh mặc trang phục của dân tộc mình. Trong đó, nhiều trường học đã quy định việc mặc trang phục truyền thống vào một số ngày trong tuần. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, tìm hiểu về văn hóa các dân tộc, trong đó có trang phục của từng dân tộc. Qua đó, góp phần giáo dục học sinh niềm tự hào và ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Khi bắt đầu vào học cấp 2 tại trường THCS Bình An, em Triệu Thị Phương, lớp 7C đã được mẹ tự tay thêu, may cho bộ quần áo truyền thống của dân tộc Dao đỏ. Em Triệu Thị Phương chia sẻ, chính bộ quần áo truyền thống đã giúp những bạn học, thầy, cô giáo và cả những vị khách đến thăm trường đều nhận ra em là người dân tộc Dao đỏ. Điều này khiến em rất tự hào và trân trọng, giữ gìn cẩn thận bộ trang phục của mình hơn.

Người dân xã Khuôn Hà duy trì nghề dệt truyền thống của dân tộc Tày.

Coi trọng việc giáo dục ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống cho học sinh, từ năm 2014 đến nay, trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Lâm Bình đã quy định học sinh phải có ít nhất một bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Đồng thời phải mặc trang phục dân tộc vào ngày thứ hai đầu tuần. Ngoài ra, trường còn đầu tư mua thêm một số bộ trang phục truyền thống các dân tộc như: Mông, Dao, Pà Thẻn, Tày… để trưng bày, tạo thuận lợi cho học sinh tìm hiểu, nâng cao ý thức giữ gìn trang phục dân tộc.

Thầy giáo Lê Đức Tùng, Hiệu trưởng trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS huyện Lâm Bình cho biết, giáo dục ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống nói chung, trang phục dân tộc nói riêng cho học sinh là việc làm có ý nghĩa quan trọng, bởi đây là lớp người kế cận trong tương lai. Chính vì vậy, vài năm trở lại đây cứ đến ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19-4) nhà trường lại tổ chức Ngày hội văn hóa. Tại ngày hội, ngoài những phần thi như: Nấu ăn, thi đấu các môn thể thao dân tộc, giới thiệu các sản vật đặc sản của từng dân tộc thì nhà trường còn tổ chức thi trình diễn trang phục dân tộc để học sinh có cơ hội giới thiệu nét đẹp trang phục của dân tộc mình. Từ đó khơi dậy niềm tự hào, lưu giữ nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc... 

Gắn với phát triển du lịch

Với 13 dân tộc anh em, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 98%, mỗi dân tộc trên địa bàn huyện đều có phong tục, tập quán riêng. Theo đó, trang phục cũng có những nét độc đáo riêng. Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện vẫn thường xuyên sử dụng trang phục truyền thống trong sinh hoạt hằng ngày và các dịp sinh hoạt cộng đồng. Tuy nhiên, theo sự phát triển của xã hội, thói quen sử dụng trang phục truyền thống của người dân đã thay đổi. Với người Tày, Mông, Dao, Nùng… việc sử dụng trang phục truyền thống hằng ngày chủ yếu là người cao tuổi. Thế hệ trẻ hầu như rất ít mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình trong đời sống hằng ngày mà chỉ sử dụng vào những dịp như: lễ, Tết, hội hè hay giao lưu văn nghệ. Các trang phục hiện nay cũng chủ yếu được may, bán sẵn, bởi vậy, việc làm trang phục truyền thống không còn phổ biến.

Nhận thấy sự mai một trong việc giữ gìn nghề làm trang phục truyền thống, UBND huyện đã có những giải pháp khuyến khích các địa phương phối hợp với ngành chuyên môn tổ chức các lớp dạy nghề cho người dân. Đặc biệt, việc giữ gìn nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch đang là hướng đi hiệu quả trên địa bàn huyện.

Thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang hiện có 94 hộ với 500 nhân khẩu là người dân tộc Pà Thẻn. Những năm qua, người Pà Thẻn nơi đây luôn giữ gìn nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình. UBND xã đã chú trọng đến công tác đào tạo nghề dệt truyền thống của dân tộc Pà Thẻn.

Bà Húng Thị Cháng, dân tộc Pà Thẻn, thôn Thượng Minh, xã Hồng Quang (Lâm Bình)
 hướng dẫn phụ nữ trong thôn nghề dệt truyền thống. 

Chị Phù Thị Nguyệt, thôn Thượng Minh nói, vừa qua chị tham gia học các lớp về nghề đan lát và dệt thổ cẩm do xã tổ chức. Chị được các thầy, cô hướng dẫn thực hiện thành thạo nghề và tạo ra sản phẩm du lịch riêng có của người Pà Thẻn ở thôn, đưa Thượng Minh trở thành một địa chỉ được nhiều du khách biết đến.

Chị Mụ Thị Vệ, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Yên bày tỏ, việc quan tâm dạy nghề cho người dân tộc thiểu số gắn với những nghề truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc là rất phù hợp, thiết thực và hiệu quả. Trong năm 2019, xã đã mở được 1 lớp dạy nghề làm trang phục truyền thống dân tộc Dao cho 8 học viên. Đây vừa là cách để khôi phục, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, vừa tạo ra sản phẩm du lịch đặc sắc để thu hút khách du lịch đến với địa phương.

Theo anh Hoàng Văn Thức, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Lâm Bình, bảo tồn văn hóa truyền thống gắn với phát triển du lịch là hướng đi lâu dài, bền vững của địa phương. Vì vậy, ngoài việc khuyến khích, tạo điều kiện để nghề thủ công truyền thống phát triển, huyện còn liên hệ với các doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm, quy hoạch khu bán hàng thổ cẩm tại các điểm, tuyến du lịch trên địa bàn. Nhờ đó, trang phục truyền thống các dân tộc trong huyện được người dân sử dụng thường xuyên hơn, để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách thập phương, góp phần tạo động lực thúc đẩy du lịch trên địa bàn phát triển.

Theo TQĐT