Phụ nữ Dao Đỏ xã Phúc Sơn (Lâm Bình) hàng ngày vẫn miệt mài giữ nghề thêu truyền thống. Họ làm ra những chiếc khăn, chiếc áo, khăn trải bàn… để phục vụ cho đời sống sinh hoạt hàng ngày. Đồng thời với mong muốn giới thiệu, quảng bá nét văn hóa đặc sắc của dân tộc mình tới du khách thập phương, từng bước xây dựng các sản phẩm du lịch đa dạng thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Các nhiếp ảnh gia đua nhau chụp hình các cô gái Dao đỏ thêu thổ cẩm.
Có dịp được tham dự Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao Đỏ xã Phúc Sơn 2023 vừa qua. Chúng tôi được chứng kiến những hình ảnh người phụ nữ Dao đỏ trên tay cầm cây kim, sợi chỉ mải miết thêu chiếc khăn, mũ, quần áo, túi đựng… tạo nên những hoa văn, họa tiết vô cùng đặc sắc trên các sản phẩm thổ cẩm trước sự chứng kiến của nhiều du khách. Khoảnh khắc rạng ngời của những thiếu nữ Dao Đỏ trên tay cầm tấm thổ cẩm mà bất cứ ai cũng muốn tranh thủ chụp hình. Nghệ sỹ nhiếp ảnh Quang Minh tâm sự: hình ảnh người phụ nữ Dao đỏ miệt mài thêu những sản phẩm truyền thống tại lễ hội, đã tạo điểm nhấn độc đáo riêng, đó là nét văn hóa đặc sắc bản địa mà cả giới nhiếp ảnh và du khách đều thích tìm hiểu, đồng thời muốn chụp cho mình những bộ sưu tập ảnh mới về nét văn hóa của người vùng cao nơi đây.
Để gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa nghề dệt vải thổ cẩm của người dân tộc Dao Đỏ, các chị em phụ nữ trong thôn đã tập hợp thành nhóm sở thích cùng nhau trao đổi cách thêu các hoa văn họa tiết sao cho đều và đẹp. Những người có kinh nghiệm như bà Phùng Thị Tâm, Triệu Thị Nhệ, Triệu Thị Nhím, La Thị Khói… thì nỗ lực truyền dạy lại cho con cháu trong nhà và các cô gái trẻ trong thôn biết cách thêu các sản phẩm truyền thống. Với sự tâm huyết của các bà, các chị hiện nay những phụ nữ trẻ tuổi trong thôn đã tích cực hơn trong việc học thêu váy, áo và các sản phẩm truyền thống của dân tộc mình.
Phụ nữ Dao đỏ thêu các sản phẩm thổ cẩm tại Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao Đỏ xã Phúc Sơn 2023.
Mỗi tấm vải thổ cẩm được sinh ra không chỉ là sản phẩm vật chất, mà còn mang giá trị tinh thần, thể hiện bản sắc riêng của văn hóa từng dân tộc. Ở đó là những tâm tư tình cảm của người phụ nữ, những câu chuyện về đời sống văn hóa của cộng đồng dân tộc nơi đây. Bà Phùng Thị Tâm, thôn Noong Cuồng, xã Phúc Sơn (Lâm Bình) cho biết: mỗi năm từ tháng Giêng giấc mơ thổ cẩm được phụ nữ người Dao dệt lên từ những ngày kiêng kỵ. Đó là ngày con hổ, ngày có sấm sét, ngày mưa gió. Những ngày ấy đàn ông người Dao thường kiêng làm việc lớn, không động thổ dựng nhà, không mua trâu; người đàn bà người Dao không lên rừng làm nương, ra đồng làm cỏ... mà miệt mài thêu thùa, mang những niềm vui nhỏ nhặt trong cuộc sống vào từng đường kim mũi chỉ trên từng tấm thổ cẩm.
Phụ nữ Dao Đỏ ở Phúc Sơn rất cầu kỳ trong việc văn khăn trùm đầu.
Chị Nguyễn Thị Lý, Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho biết, để giữ gìn bản sắc văn hóa, những năm qua, cấp ủy đảng, chính quyền xã Phúc Sơn luôn quan tâm, chú trọng đến việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền giúp người dân nâng cao ý thức, tích cực tham gia các hoạt động giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc của dân tộc mình và xem đó như trách nhiệm của mỗi công dân sinh sống tại địa phương. Cùng với đó là việc thường xuyên duy trì tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan, phục dựng giá trị văn hóa ở các địa phương. Hàng năm, xã tổ chức lễ hội xuân, đặc biệt vào dịp đầu năm xã đã tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Dao Đỏ với nhiều hoạt động mang đậm bản sắc văn hóa như: múa hát, thêu trang phục truyền thống… đã thu hút đông đảo người dân tham gia cũng như du khách thập phương đến tham quan, trải nghiệm.
Theo TQĐT