Vai trò nghệ nhân trong bảo tồn di sản

Thứ sáu, ngày 27/03/2020 - 08:57
Đã xem: 3,365 views

Toàn tỉnh hiện có 10 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để bảo tồn di sản trong cộng đồng, vai trò “hạt nhân” chính là các nghệ nhân dân gian.

Nghệ nhân Ưu tú Ma Văn Đức, dân tộc Tày, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định “nghệ nhân chính là hạt nhân của bảo tồn di sản”. Đơn cử như di sản Then được truyền từ đời này sang đời khác. Các nghệ nhân dân gian là những người kế tục, đưa Then phát triển trong cộng đồng. Nếu không có các nghệ nhân dân gian giữ và tiếp “lửa”, di sản có nguy cơ mai một là khó tránh khỏi. Các nghệ nhân vừa có khả năng thực hành được nghi lễ Then, vừa sáng tác, biểu diễn, quảng bá Then mới ra công chúng, tiêu biểu như các nghệ nhân: Nghệ nhân Nhân dân Hà Thuấn, xã Tân An; Nghệ nhân Ưu tú Hà Ngọc Cao, xã Xuân Quang (Chiêm Hóa); Nguyễn Mạnh Thẩm, xã Thanh Tương (Na Hang); Nghệ nhân Dân gian Lương Long Vân, phường An Tường và Thàm Ngọc Kiến (TP Tuyên Quang)... Bằng tình yêu Then, từ một “đốm lửa nhỏ”, các nghệ nhân đã thổi bùng lên phong trào Then của thôn, rồi lan rộng ra xã, huyện, tỉnh, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu của người Tày. Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 100 câu lạc bộ Then, Then còn được đưa vào trường học, góp phần giáo dục thế hệ trẻ bản sắc văn hóa dân tộc.

Một buổi luyện tập của các thành viên Câu lạc bộ hát Páo dung thôn Nà Cọn, xã Sơn Phú (Na Hang).

Tuyên Quang có đủ 9 ngành Dao, mỗi ngành Dao tuy có những nét khác nhau nhưng đều không thể thiếu nghi lễ cấp sắc và hát Páo dung. Ông Bàn Xuân Triều, dân tộc Dao đỏ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ bảo tồn văn hóa dân tộc Dao tỉnh cho biết, câu lạc bộ rất phấn khởi khi ngày càng có nhiều nghệ nhân tích cực tham gia bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa dân tộc Dao trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu có: Nghệ nhân Ưu tú Bàn Kim Sơn, dân tộc Dao đỏ xã Sơn Phú (Na Hang). Các nghệ nhân dân gian: Phàn Văn Phú, dân tộc Dao đỏ, xã Tân Thành (Hàm Yên); Lê Hải Thanh Thày, dân tộc Dao quần trắng, xã Mỹ Bằng (Yên Sơn); Triệu Thanh Hùng, dân tộc Dao quần chẹt, xã Hợp Hòa (Sơn Dương). Ngoài làm thầy cúng tại cộng đồng, những nghệ nhân trên còn năng nổ tham gia các liên hoan, ngày hội, lễ hội, sự kiện chính trị lớn của tỉnh, huyện để quảng bá, giới thiệu nét đặc sắc văn hóa Dao xứ Tuyên đến du khách thập phương. Đã có hàng chục câu lạc bộ biểu diễn cấp sắc, hát Páo dung trong tỉnh ra đời, làm phong phú thêm đời sống tinh thần người Dao.

Nghệ nhân Nhân dân Hà Thuấn, xã Tân An (Chiêm Hóa) truyền dạy Then cho thế hệ trẻ.

Trên địa bàn tỉnh, dân tộc Cao Lan có dân số đông thứ ba sau dân tộc Tày và Dao. Điệu hát Sình ca trong dân gian có nguy cơ mai một, vì lớp trẻ ít hát. Trước thực trạng đó, tỉnh có nhiều giải pháp để bảo tồn và phát huy giá trị của Sình ca. Trong đó, giải pháp trọng tâm nhất vẫn là nêu cao vai trò của các nghệ nhân. Ở Sơn Dương, Nghệ nhân Ưu tú Sầm Văn Dừn, xã Đại Phú là “cây đại thụ” của người Cao Lan ở địa phương đã làm tốt điều đó. Ông Dừn không những là thầy cúng cao tay, còn tích cực truyền dạy làn điệu Sình ca cho con cháu, xóm làng, quê hương. Mô hình “gia đình văn nghệ Sình ca” được ông vận dụng nhuần nhuyễn, đem lại hiệu quả rõ rệt. Các câu lạc bộ Sình ca nhờ vậy ngày càng phát triển. Hiện nay, trên địa bàn huyện Sơn Dương có 10 câu lạc bộ hát Sình Ca, trong đó có 3 câu lạc bộ của đoàn viên, thanh niên.

Nhận thức rõ nghệ nhân có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản, hàng năm Chi hội Văn nghệ dân gian tỉnh đã tiến hành khảo sát, rà soát, phát hiện, lựa chọn những hạt nhân tiêu biểu đề nghị Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian. Để từ đây Hội có cơ sở đề nghị Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước Nghệ nhân ưu tú, Nghệ nhân nhân dân. Ông Nguyễn Phi Khanh, Chi Hội trưởng Chi Hội Văn nghệ dân gian Tuyên Quang nói, thời gian qua tỉnh rất quan tâm đến các nghệ nhân. Năm 2019, UBND tỉnh đã long trọng tổ chức trao tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 2 cho 5 nghệ nhân trên địa bàn tỉnh. Qua đó, thể hiện sự ghi nhận của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với các nghệ nhân - những người đi đầu trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản trong cộng đồng.

Theo TQĐT