Dao Áo Dài là 1 trong 9 ngành dân tộc Dao tại tỉnh Tuyên Quang, cư trú chủ yếu tại xã Yên Thuận, huyện Hàm Yên. Trong truyền thống, người Dao Áo Dài sống du canh du cư và canh tác nương rẫy là chủ yếu.
Sự chinh phục thiên nhiên đã dần dần hình thành nét văn hóa tinh thần độc đáo, khác biệt so với các dân tộc khác cận vùng và các nhóm khác trong cùng dân tộc Dao. Từ truyền thống, họ có tục lệ cấp sắc để khẳng định sự trưởng thành và vai trò của người đàn ông trong gia đình và dòng họ, thể hiện rõ nét đạo lý thông qua những lời răn giữ gìn phong tục, không bỏ tập quán; hướng con người tới những điều thiện, trọng nghĩa tình...
Quan sát quá trình thực hiện, có một hiện tượng khá đặc biệt trong lễ cấp sắc là sự xuất hiện những trò diễn dân gian đan xen trong nghi lễ cấp sắc.
Tái hiện một trò diễn dân gian trong lễ Cấp sắc của người Dao Áo Dài.
Trò diễn thứ nhất: Người diễn trò đeo mặt nạ, cầm gậy nhảy múa quanh thầy cúng, thể hiện những động tác trêu ghẹo thầy cúng như đi chen bước, lấy đồ cúng, cầm chổi quét... thể hiện ý muốn để cho âm binh phù hộ cho thầy cúng. Trò diễn này được lặp lại nhiều lần trong lễ cấp sắc.
Trò diễn thứ hai: Được thể hiện trong khi làm lễ cấp sắc ở ngoài trời. Để thực hiện cấp sắc, người ta dựng một đàn cúng ở ngoài trời. Đàn cúng được làm bằng bốn cây gỗ cao khoảng một mét rưỡi, chôn thẳng xuống đất, dựng kiểu hình thang, trên cùng tạo thành một mặt phẳng như ghế ngồi, có bậc thang để đi lên... gần đàn cúng có ba mâm đặt đĩa vừng trộn với đường mật tượng trưng là trứng cá để dâng cho thần thánh và treo trên đàn cúng một miếng thịt để giả làm con mồi cho người đeo mặt nạ diễn trò bắn..., cạnh đàn chôn một cành phan cao khoảng tám mét, tượng trưng là cành phan của Ngọc Hoàng. Người được cấp sắc ngồi trên ghế, thầy cúng thực hiện các nghi lễ tượng trưng cho người được cấp sắc được sinh ra. Sau đó, đám cấp sắc thể hiện vui mừng bằng cách diễn trò. Tham gia diễn trò có ba người đàn ông, một người đàn ông đeo mặt nạ, cầm cung tên, đóng giả là chồng, một người mặc trang phục phụ nữ, đóng giả là vợ, trên lưng địu một đứa con, người thứ ba cũng mặc trang phục phụ nữ, đóng giả là con gái. Cặp vợ chồng và con đi từ nhà ra đàn cúng ngoài trời. Người chồng dẫn vợ con đến đứng gần đàn cúng, rồi diễn trò chạy tìm nơi để ngắm bắn con thú, khi đã tìm được nơi ngắm ưng ý thì giương cung bắn. Mũi tên trúng đích, người chồng gỡ miếng thịt đưa cho đứa con cầm trước sự hò reo của mọi người, đồng thời người chồng thể hiện tình cảm với vợ ở ngay trước đám đông. Sau đó vợ chồng con cái dẫn nhau về. Đây là một trò diễn không khí vui tươi hào hứng với sự chứng kiến của tất cả mọi người có mặt tại lễ cấp sắc.
Điều đặc biệt qua các trò diễn đó là: Trong các trò diễn, người diễn trò đều đeo mặt nạ gỗ. Đây là hiện tượng có thể làm cơ sở tìm hiểu về chức năng tôn giáo, sự đại diện cho các vị thần, ý nghĩa trong việc rước đuổi thần tà ma của người Dao... Các trò diễn trong nghi lễ có phảng phất tín ngưỡng phồn thực.
Các trò diễn dân gian trong lễ cấp sắc là một loại hình trình diễn mô tả lối sinh hoạt và văn hóa của người Dao Áo Dài ở Tuyên Quang, có thể khai thác để bảo tồn và phát huy giá trị.
Theo TQĐT