Lễ phá ngục trong tang lễ của người Cao Lan

Thứ tư, ngày 27/05/2020 - 15:07
Đã xem: 5,817 views

Cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác, người Cao Lan cũng xem sống chết là vòng tròn của tạo hóa. Qua những nghi lễ trong đám tang, cho thấy người Cao Lan quan niệm người chết không phải là đã hết mà vẫn quan hệ đến cuộc sống của những người đang sống. Theo đó, người Cao Lan coi cái chết có ý nghĩa cả ở thế giới trần gian và thế giới âm phủ, con người phải biết sống chết cho có ý nghĩa với con cháu, dân làng, sống chết là có nhân quả nên tang lễ người Cao Lan mang tính giáo dục cao trong cộng đồng.

Một buổi tập hát Sình ca dân tộc Cao Lan của đội văn nghệ thôn Gia Tiến, xã Tiến Bộ (Yên Sơn)

Trước khi đưa người đã khuất về nơi yên nghỉ, người Cao Lan tiến hành nhiều nghi lễ. Trong đó “Lễ nhẩy Tam thanh” dẫn linh hồn người đã khuất lên thiên đàng (Dương châu) phải phá đường đi qua 9 tầng mây núi non hiểm trở. Trong sình ca Cao Lan, Dương châu là nơi tượng trưng cho thiên đàng, nơi linh hồn người tốt đẹp khi đã mất tụ về, đây là khát vọng cuối cùng của mỗi người Cao Lan khi rời xa dương thế.

Quan niệm của người Cao Lan rất hồn nhiên, ai chết cũng phải xuống địa ngục nơi Diêm Vương cai quản. Do vậy, thầy cúng phải làm lễ phá ngục đưa linh hồn người chết về nhập với tổ tiên. Theo quan niệm của người Cao Lan người chết không những mất đi về thể xác mà khi về âm phủ linh hồn vẫn còn bị đọa đầy chỉ thầy cúng mới giải phóng được để về với tổ tiên. Tang lễ theo đồng bào chính là làm lễ tiếp nối cho một cuộc đời khác. Các nghi lễ trong đám tang của người Cao Lan gợi cho chúng ta quan niệm sống: Con người phải coi trọng thần linh và thương yêu đồng loại khi sống cũng như khi thác về với tổ tiên mới được giải thoát. Mặc dù tín ngưỡng dân gian mang màu sắc siêu hình, huyền bí, nhưng lễ phá ngục của người Cao Lan vẫn có ý nghĩa sâu xa về nhân bản. Con người phải sống tốt đẹp và có niềm tin vào cuộc sống và thế giới linh thiêng.

Nguồn: Báo Tuyên Quang