Những bài thơ sinh nhật của Bác Hồ

Thứ tư, ngày 27/05/2020 - 15:09
Đã xem: 3,068 views

Lâu nay, ta vẫn quen đọc thơ Bác mỗi dịp tết đến xuân về. Nhưng nhiều sinh nhật Bác, Người cũng thường có thơ. Nhìn lại những bài thơ viết nhân sinh nhật của Bác thì luôn thấy một trạng thái tinh thần lạc quan khi nhận mình “vẫn chưa già”, “còn xuân chán”, “vẫn thiếu niên”, “vẫn đương trai”, “chưa già lắm”. Bác luôn khiến mọi người yên tâm về mình. Viết về tuổi tác bản thân, nhưng bài thơ nhân sinh nhật của Bác đều hướng người đọc đến những vấn đề chung của cách mạng, đến niềm tin chung vào ngày huy hoàng của non sông, đất nước.

Lán Bác Hồ ở Khuôn Điển, Kim Quan (Yên Sơn).

Sinh nhật năm 1949, Bác Hồ ở một gia đình tại Bản Chương, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn. Đây là nơi sinh sống của đồng bào Tày, cách trụ sở UBND xã Hùng Lợi ngày nay khoảng 7 km. Xung quanh bản có các dãy núi cao bao bọc. Phía trước có suối Chương. Giữa bản có con đường mòn đi đến các xã thuộc huyện Chiêm Hóa, Tuyên Quang và huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn). Trước ngày 19/5, Bác đã làm bài thơ “Không đề”:

“Vì nước nên chưa nghĩ đến nhà
Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già
Chờ cho kháng chiến thành công đã
Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta”.

Lúc này, cuộc kháng chiến chống Pháp đang ở giai đoạn ác liệt, nên Bác không muốn tổ chức lễ mừng sinh nhật của mình. Bài thơ là để trả lời một số cán bộ đề nghị tổ chức sinh nhật Bác năm ấy. Thành thật và giản dị, hai câu thơ mở đầu nói rõ nguyên nhân để mọi người được yên lòng, hiểu rõ nguyên nhân hết sức chính đáng trong hoàn cảnh kháng chiến lúc này. Và mệnh đề Vì nước chưa nên nghĩ đến nhà là thái độ dứt khoát khước từ những gì mang đến lợi ích cho cá nhân mình, cũng là nguyên tắc sống suốt đời của Người “vui sau cái vui của thiên hạ”, mà hôm nay chúng ta đang ra sức học tập.

Câu thơ khéo léo và tinh tế chuyển sang một chút hóm hỉnh, tươi vui, gợi mở thái độ lạc quan của Bác trước tuổi tác của mình: “Năm mươi chín tuổi vẫn chưa già”. Dù người xưa quan niệm: “Ngũ thập tri thiên mệnh” (Năm mươi tuổi thì biết được mệnh trời), nhưng Bác vẫn khẳng định mình “vẫn chưa già”, để khéo léo từ chối việc tổ chức mừng sinh nhật.

Bài thơ theo thể 7 chữ, giản dị đáp lại tấm lòng của nhân dân và đồng chí, nhưng cũng hướng đến động viên, cổ vũ nhân dân và chiến sỹ quyết tâm đuổi giặc cứu nước. Nhờ thế, Người đã gửi vào đó cả ước mơ và hy vọng của một dân tộc chưa bao giờ chịu khuất phục: Chờ cho kháng chiến thành công đã/Bạn sẽ ăn mừng sinh nhật ta. Quả là một sự tài hoa hiếm có.

Dùng từ “bạn” ở câu thơ cuối bài, lời thơ trở nên thân mật như lời những người bạn hữu với nhau, không hề khách khí, cách bức. Bài thơ cũng trở nên như một lời tâm tình, sẻ chia thủ thỉ và đầy trách nhiệm trước mọi người. Với Bác, kháng chiến chưa thành công, đồng bào còn nghèo khổ, thì không thể vui cho riêng mình và Bác cũng mong mọi cán bộ, đảng viên như vậy. Đó chính là sự vĩ đại từ những điều bình dị - nét độc đáo trong nhân cách Hồ Chí Minh.

Sinh nhật năm 1950 của Bác Hồ được tổ chức tại Thác Dẫng, thuộc thôn Lập Binh, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương. Đây là nơi đặt trụ sở làm việc của Chủ tịch phủ và Thủ tướng phủ, chỉ cách nơi Bác ở tại Khấu Lấu và Hang Bòng một con sông Phó Đáy. Ở đây cũng có một ngôi nhà sàn nhỏ của Bác, dùng để Người nghỉ trưa trong những ngày họp Hội đồng Chính phủ hoặc nghỉ lại qua đêm mỗi khi không tiện qua sông về nơi ở chính của Người tại Hang Bòng, Tân Trào.

Ngày 19-5-1950, Chính phủ tổ chức lễ chúc thọ mừng Bác Hồ tròn 60 tuổi tại “Chủ tịch phủ”. Linh mục Phạm Bá Trực, Phó trưởng Ban Thường trực Quốc hội, đứng lên thay mặt toàn thể đọc những lời chúc thọ Bác, mở đầu bằng mấy câu tiếng Latinh rất trịnh trọng. Bác Hồ tươi cười cảm ơn và nói: Tôi có mấy câu thơ cũng chỉ là khoai khoai sắn sắn thôi xin được đọc ra đây:

Sáu mươi tuổi hãy còn xuân chán,
So với ông Bành vẫn thiếu niên
Ăn khỏe, ngủ ngon, làm việc khỏe,
Trần mà như thế kém gì tiên.

Bài thơ “khoai khoai sắn sắn” vui mà rất khoa học, chính xác, biện chứng về những hoạt động bình thường của con người. Lấy tứ từ dân gian “Ăn được, ngủ được là tiên”,  Bác điều chỉnh, bổ sung thành ăn khỏe, ngủ ngon. Làm việc khỏe của Bác là cống hiến nhiều nhất sức lực và trí tuệ cho nước, cho dân chứ không phải cho bản thân. Bác lấy việc cống hiến cho đất nước làm tiêu chuẩn hạnh phúc cao nhất. Đây chính là một cái nhìn mới, một quan niệm sống mới, đem đến một nội dung mới cho câu thơ. Khái niệm ông tiên trong câu thơ Bác do vậy trở nên thật gần gũi. Câu thơ “Trần mà như thế kém gì tiên” khiến ta nhớ đến tâm thế hào sảng, lạc quan của Bác trong những câu thơ “cháo bẹ rau măng vẫn sẵn sàng/bàn đá chông chênh dịch sử Đảng/Cuộc đời cách mạng thật là sang”. Bài thơ ứng khẩu tự nhiên, tươi trẻ, vui vẻ, khỏe khoắn và thoải mái, tràn trề sức trẻ, sức thanh xuân.

Sinh nhật năm 1953 cũng ở an toàn khu Việt Bắc, Bác làm bài thơ “Sáu mươi ba tuổi”:

“Chưa năm mươi đã kêu già
Sáu ba mình vẫn nghĩ là đương trai
Sống quen thanh đạm nhẹ người
Việc làm tháng rộng ngày dài ung dung”.

Lần này, Bác dùng thể thơ lục bát. Câu thơ nhẹ nhõm, thênh thênh như tiếng  nước suối rừng Việt Bắc.  2 câu đầu như lời đối thoại với ai đó, cũng như lời khẳng định sự yên tâm về tuổi tác “mình nghĩ vẫn là đương trai”. Hẳn là logic, khi nhớ lại mấy năm trước, Bác làm thơ nhận mình “so với ông Bành vẫn thiếu niên”. Lời thơ không chỉ là lời cảm khái về tuổi tác bản thân, mà còn như lời hướng dẫn về cách sống “quen thanh đạm nhẹ người”. Những gian nan thiếu thốn của cuộc kháng chiến trường kỳ, trong mắt vị lãnh tụ chỉ là “thanh đạm nhẹ người”. Khiến cho mọi người yên tâm về Bác, cũng tự chỉnh đốn lại bản thân, nếu bất chợt có chút gì nao núng trước khó khăn gian khổ.

Như vốn có, bài thơ của Bác tâm sự về tuổi tác của bản thân nhưng vẫn hàm chứa trong đó tinh thần lạc quan cách mạng, niềm tin vào ngày chiến thắng; đồng thời khiến cho đồng chí đồng bào cùng vững thêm niềm tin chiến thắng. Quả nhiên, với tinh thần “đương trai” ấy, “ung dung” ấy, không đầy 1 năm sau, Người đã lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Pháp của toàn quân toàn dân ta làm nên chiến thắng chấn động địa cầu. Núi rừng Tuyên Quang tháng 5-1954 được chứng kiến Bác Hồ chủ trì cuộc gặp gỡ và mở tiệc chiêu đãi các đại biểu chiến sỹ đã lập thành tích xuất sắc trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Sinh nhật năm 1968, sau khi nghe Thủ tướng chúc thọ, Bác có bài thơ:

“Bảy mươi tám tuổi chưa già lắm,
Vẫn vững hai vai việc nước nhà.
Kháng chiến dân ta đang thắng lớn
Tiến bước! Ta cùng con em ta”.

Lúc này, cuộc kháng chiến chống Mỹ của dân tộc ta đang vào thời kỳ quyết liệt. Đã ở vào tuổi “cổ lai hy”, nhưng Bác vẫn tự nhận mình “chưa già lắm”, để yên lòng đồng chí đồng bào. Vẫn tinh thần lạc quan quen thuộc, lời thơ của Bác như lời động viên cả nước quyết tâm tiến bước, cũng là lời cam kết của vị lãnh tụ tối cao sẽ đưa dân tộc tới ngày chiến thắng.

Kỷ niệm 130 năm sinh nhật Bác kính yêu, đọc lại những bài thơ Bác viết nhân sinh nhật để thấm thía hơn và học tập tinh thần lạc quan cách mạng, “vui sau cái vui của thiên hạ” của Người.

Nguồn: Báo Tuyên Quang