Xác định phát triển dịch vụ du lịch cộng đồng (homestay) là một trong những thế mạnh để phát triển du lịch địa phương, huyện Chiêm Hóa đã chú trọng đến công tác quy hoạch, phát triển du lịch homestay. Từ đó, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội.
Huyện có diện tích tự nhiên rộng trên 1.200 km2, khoảng 80% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào Tày. Bà Lê Thị Thanh Tâm, Trưởng Phòng Văn hóa -Thông tin huyện cho biết, trong những năm qua huyện luôn xác định công tác quy hoạch, phát triển du lịch homestay góp phần bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp của địa phương. Đến thời điểm này, toàn huyện đã có 11 hộ đăng ký làm dịch vụ du lịch homestay, trong đó có 5 hộ đi vào hoạt động khá hiệu quả.
Hộ làm du lịch homestay thôn Bản Ba 1, xã Trung Hà chuẩn bị đón khách.
Qua rà soát tiềm năng thế mạnh của từng địa phương, huyện tập trung quy hoạch phát triển du lịch homestay tại các xã Trung Hà, Tân An, Phúc Sơn, Kim Bình, Tân Thịnh, Hòa Phú. Cụ thể, tại xã Trung Hà gắn với khu du lịch thác Bản Ba; xã Tân An gắn với cộng đồng nghệ nhân Then; xã Phúc Sơn gắn với khu sinh thái Tầng Biến; xã Kim Bình gắn với Khu di tích Quốc gia đặc biệt; xã Tân Thịnh gắn với điểm dừng chân Đèo Gà; xã Hòa Phú gắn với vẻ đẹp của Làng Đẩu, thác Tát Lụa. Nhờ công tác quy hoạch của huyện mà các xã có “phương hướng” rõ rệt trong chiến lược phát triển du lịch homestay.
Để giúp các hộ có kinh nghiệm làm du lịch homestay, năm 2019 huyện đã tổ chức cho 36 người đại diện các hộ có tiềm năng làm du lịch homestay đi tham quan, học hỏi việc làm du lịch homestay ở Làng văn hóa du lịch Hạ Thành (dân tộc Tày), xã Phượng Đô, Tp Hà Giang; Làng văn hóa du lịch Nặm Đăm (dân tộc Dao), huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang. Ông Ma Công Hùng, thôn Bản Ba 1, xã Trung Hà nói, chuyến đi tham quan cách làm du lịch homestay ở Hà Giang do huyện tổ chức rất bổ ích. Gia đình ông đã học hỏi được nhiều kinh nghiệm làm du lịch homestay, trong đó phải chú trọng việc giữ gìn và bảo tồn được ngôi nhà sàn, bản sắc văn hóa dân tộc. Hiện gia đình ông đã tiến hành tu sửa, chỉnh trang ngôi nhà sàn để đón khách du lịch khi đến tham quan danh thắng thác Bản Ba.
Bên cạnh đó, từ năm 2016 - 2018, huyện đã hỗ trợ 5 hộ dân thôn Bó Củng, xã Kim Bình phục dựng nhà sàn, phát triển du lịch homestay. Ông Sằm Văn Chu, dân tộc Tày, thôn Bó Củng, xã Kim Bình tâm sự, đến mơ tôi cũng không nghĩ mình làm được căn nhà đẹp như thế này. Tổng giá trị căn nhà của ông là 600 triệu đồng, trong đó huyện hỗ trợ 250 triệu đồng, ông còn phải đầu tư thêm 350 triệu đồng. Trước khi làm nhà, các hộ thống nhất cao việc đổi đất để lấy mặt bằng đủ rộng làm nhà sàn. Mỗi nhà nhường nhau một chút, nên nhìn tổng thể nhà nào cũng đẹp. Có căn nhà đẹp, ông Chu làm thêm dịch vụ homestay đón khách.
Đầu năm 2020, do đại dịch Covid-19 ảnh hưởng lớn đến hoạt động du lịch của tỉnh, trong đó có Chiêm Hóa. Lượng khách đi du lịch giảm hẳn. Để đón đầu một trào lưu du lịch sau khi Covid-19 được kiểm soát, huyện vẫn tiếp tục chỉ đạo các hộ tranh thủ thời gian này chỉnh trang, sửa chữa nhà cửa, khuôn viên. Đồng thời, tăng cường công tác quảng bá để đón khách an toàn. Đặc biệt, mới đây, homestay Thuôn Chang và Phiêng Khàng, thôn Bản Ba, xã Trung Hà đã tiến hành khai trương đi vào hoạt động. Từ đó, tạo điều kiện cho dịch vụ du lịch homestay phát triển, từng bước nâng cao đời sống của người dân.
Với sự quy hoạch chi tiết, định hướng rõ ràng, công tác phát triển du lịch homestay trên địa bàn huyện đã nhận được sự hưởng ứng tham gia của đông đảo người dân. Qua đó, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, tạo động lực cho ngành “công nghiệp không khói” của huyện phát triển.
Theo TQĐT