Động lực từ phát triển du lịch - Bài 1: Quy hoạch và phát triển hạ tầng du lịch

Thứ ba, ngày 13/10/2020 - 08:44
Đã xem: 3,471 views

Với tiềm năng, lợi thế sẵn có, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI tiếp tục xác định du lịch là khâu đột phá. Phát huy kết quả đạt được, nhiệm kỳ qua tỉnh đã triển khai các giải pháp đồng bộ để ngành “công nghiệp không khói” trở thành ngành kinh tế quan trọng, nâng cao đời sống nhân dân. Tuyên Quang đã trở thành điểm đến của du khách, có tên trên bản đồ du lịch của cả nước, tạo động lực lớn cho các ngành, lĩnh vực khác phát triển. Trong 5 năm qua, tỉnh thu hút trên 6,7 triệu lượt khách du lịch, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra.

Tuyên Quang có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch, với nhiều loại hình du lịch độc đáo nhưng chưa thực sự mang lại giá trị kinh tế cho người dân. Nguyên nhân là do việc phát triển du lịch chưa được quy hoạch, chưa có kế hoạch cụ thể; phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch còn hạn chế…

Hình thành “khung” phát triển

Trước bối cảnh đó, tỉnh đã tập trung làm tốt công tác quy hoạch, triển khai các kế hoạch, dự án phát triển du lịch một cách bài bản, khoa học, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. UBND tỉnh đã xây dựng và thực hiện đồng bộ Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Tuyên Quang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong đó tập trung quy hoạch tổng thể Khu du lịch lịch sử, văn hóa và sinh thái Tân Trào, Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm, Khu du lịch sinh thái Na Hang. Đây là nỗ lực lớn của tỉnh để hình thành “khung” cho hoạt động du lịch phát triển phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương và thu hút đầu tư vào lĩnh vực này, tránh phát triển tự phát, dàn trải, không mang lại hiệu quả.

Tập đoàn VinGroup đầu tư hạ tầng du lịch vào Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm. Ảnh: Ngọc Hưng

Từ các quy hoạch, tỉnh đã tập trung nguồn lực triển khai thực hiện các dự án phát triển du lịch trọng điểm như Dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương) gắn với phát triển du lịch; phát triển hạ tầng tại Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang), Khu du lịch Quốc gia Tân Trào, Khu du lịch sinh thái Na Hang, Khu di tích thắng cảnh Động Tiên (Hàm Yên). Tại Khu du lịch Quốc gia Tân Trào, tỉnh đang triển khai xây dựng nhà trưng bày Bảo tàng Tân Trào; cải tạo nâng cấp Quảng trường Tân Trào gắn với xây dựng Khu tưởng niệm các vị tiền bối cách mạng; xây dựng phòng chiếu phim phục vụ giới thiệu, tuyên truyền và phát huy giá trị của các di tích với khách tham quan. Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm hiện có 6 doanh nghiệp lớn đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, trong đó có Tập đoàn VinGroup đầu tư các hạng mục công trình tầm cỡ mang thương hiệu Vinpearl...

Rút ngắn thời gian và khoảng cách

Tuyên Quang với nhiều cảnh đẹp nên thơ, hệ động thực vật phong phú, nhiều loại hình du lịch hấp dẫn nhưng nhiều khu khách còn e ngại bởi xa xôi, đường xá đi lại khó khăn. Nhận thức rõ điều này, tỉnh đã đặc biệt quan tâm phát triển hạ tầng giao thông để rút ngắn khoảng cách vùng miền và thời gian đi lại cho du khách.

5 năm qua, tỉnh đã huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp, xây dựng mới hệ thống giao thông từng bước đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển du lịch nói riêng. Tỉnh đã hoàn thành và đưa vào khai thác hơn 20 km đường Hồ Chí Minh (đoạn đi qua tỉnh) kết nối Tuyên Quang với các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Cạn, Cao Bằng; chuẩn bị đưa vào sử dụng cầu Tình Húc (TP Tuyên Quang) với hệ thống trụ tháp và dây văng hiện đại; đẩy nhanh tiến độ xây dựng, phấn đấu đến năm 2022 đưa vào khai thác 2 tuyến đường dọc sông Lô đấu nối với Quốc lộ 37, Quốc lộ 2C và đường Hồ Chí Minh liên kết với đường cao tốc nối thành phố Tuyên Quang với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, tạo bước phát triển đột phá trong việc kết nối không gian đô thị và các vùng miền. Hiện thành phố Tuyên Quang và huyện Yên Sơn đang tiến hành kiểm kê đất đai, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện tốt nhất để xây dựng đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai sẽ rút ngắn thời gian từ Hà Nội đến Tuyên Quang còn hơn 1 giờ đồng hồ, mở ra cơ hội lớn phát triển dịch vụ du lịch, giao thương hàng hóa, tạo việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân. Đây là yếu tố quan trọng nhất để thu hút du khách và các nhà đầu tư đến với Tuyên Quang triển khai các dự án không chỉ trong lĩnh vực du lịch và nhiều lĩnh vực khác như nông nghiệp, lâm nghiệp đều là những lợi thế của tỉnh được các doanh nghiệp đánh giá cao, mong muốn được đầu tư nhưng trước đây còn e ngại bởi hệ thống giao thông có khó khăn, yếu kém.

Khách sạn Mường Thanh Tuyên Quang. Ảnh: K.T

Trong quá trình triển khai các dự án giao thông đều chú trọng yếu tố liên kết vùng phát triển du lịch. Tỉnh đã hoàn thành sửa chữa Quốc lộ 279 đoạn qua tỉnh với chiều dài hơn 94 km kết nối Quốc lộ 3 địa phận tỉnh Bắc Cạn với Quốc lộ 2 địa phận tỉnh Hà Giang, tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch lòng hồ sinh thái Na Hang. Đây là điều kiện quan trọng để đón ngày càng nhiều du khách khi hồ sinh thái Na Hang và hồ Ba Bể được UNESCO công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới. Tỉnh cũng đã hoàn thành nâng cấp Quốc lộ 37 tạo điều kiện thuận lợi phát triển du lịch thành phố Tuyên Quang và Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào...

Khi hệ thống giao thông kết nối với các đô thị một cách đồng bộ, hiện đại, đặc biệt là với Thủ đô Hà Nội sẽ tạo bước đột phá phát triển du lịch, các sản phẩm du lịch, loại hình du lịch của tỉnh được phát huy giá trị, mang lại nhiều lợi ích cho người dân. 

Theo TQĐT