Động lực từ phát triển du lịch - Bài cuối: Liên kết, quảng bá, tạo môi trường thuận lợi phát triển du lịch

Thứ ba, ngày 13/10/2020 - 13:57
Đã xem: 3,016 views

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là yêu cầu và nhiệm vụ quan trọng được thực hiện hiệu quả trong thời gian qua nhằm thu hút và tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư các dự án trên địa bàn, trong đó có lĩnh vực du lịch. Các hoạt động xúc tiến quảng bá, liên kết được đẩy mạnh đã thu hút nhiều dự án phát triển du lịch, góp phần đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư hoàn thiện hạ tầng, cơ sở vật chất phục vụ du lịch...

Thu hút nhiều dự án lớn

Tháng 2-2017, tỉnh ta đã tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, điều này khẳng định nỗ lực của tỉnh trong mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Tại hội nghị này, tỉnh đã trao quyết định chủ trương đầu tư cho 6 nhà đầu tư, giới thiệu 15 dự án trọng điểm mời gọi đầu tư, trong đó có 7 dự án liên quan đến du lịch.

Tỉnh đã xây dựng các quy hoạch, dự án trọng điểm về du lịch để mời gọi đầu tư, bao gồm Khu đô thị nghỉ dưỡng sông Lô, Khu du lịch sinh thái núi Dùm; Khu du  lịch vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng soi Tình Húc, Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang), Khu du lịch sinh thái Phiêng Bung; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu, điểm du lịch huyện Lâm Bình; phát triển nuôi trồng thủy sản gắn với phát triển du lịch sinh thái hồ Na Hang. Từ việc triển khai hiệu quả công tác quy hoạch phát triển du lịch và xác định các dự án trọng điểm về du lịch đã thu hút được nhiều doanh nghiệp tiến hành khảo sát, đánh giá, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư du lịch trên địa bàn tỉnh.

Khu nhà phố thương mại Vincom shophouse Tuyên Quang do Tập đoàn Vingroup
đầu tư tại thành phố Tuyên Quang.   Ảnh: Quốc Việt

Nhiều nhà đầu tư có tiềm năng, kinh nghiệm trong hoạt động du lịch đã triển khai các dự án trên địa bàn như Tập đoàn Mường Thanh hoàn thành và đưa vào sử dụng khách sạn 4 sao Mường Thanh; Tập đoàn Vingroup đã đầu tư, đưa vào khai thác Trung tâm thương mại Vincom Plaza Tuyên Quang và hiện đang triển khai dự án Khu vui chơi, giải trí và nghỉ dưỡng công cộng tại Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) mang thương hiệu Vinpearl với các hạng mục khu biệt thự nghỉ dưỡng, dịch vụ khám chữa bệnh bằng liệu pháp trị liệu nước khoáng nóng, sân golf...

Đây là điều kiện để đưa Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm trở thành khu du lịch dịch vụ tổng hợp cao cấp, tạo đà thúc đẩy du lịch Tuyên Quang ngày càng phát triển trong thời gian tới. Các doanh nghiệp của tỉnh cũng đã chú trọng đầu tư vào lĩnh vực du lịch tại địa phương và từng bước phát huy hiệu quả, góp phần tạo việc làm cho nhiều lao động như Doanh nghiệp tư nhân Hòa Thu đầu tư khách sạn Royal Palace và trung tâm sự kiện tiệc cưới Royal Palace Center; Công ty TNHH Thành Tín đưa vào hoạt động trung tâm lữ hành và du lịch Tuyên Quang; Công ty TNHH Nga Viên đầu tư tại Khu du lịch sinh thái Na Hang...

Hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch ngày càng phát triển. Toàn tỉnh hiện có 335 cơ sở lưu trú, trong đó có 1 khách sạn 4 sao, trên 250 nhà hàng ẩm thực có quy mô lớn chú trọng khai thác các món ăn truyền thống của địa phương và các dân tộc đã tạo được nét riêng độc đáo của Tuyên Quang. Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để các công ty lữ hành hoạt động đưa đón khách du lịch đến với Tuyên Quang. Đến nay, tỉnh có 15 công ty lữ hành đang hoạt động. Chị Chẩu Thị Nga, Giám đốc Công ty TNHH Cô Sơn Nữ, phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) chia sẻ, thời gian qua do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên lượng khách đến với Tuyên Quang giảm mạnh. Tuy nhiên, khi dịch bệnh được kiểm soát, du khách đã bắt đầu đặt tour đến thăm thú các khu du lịch của tỉnh. Hiện tỉnh đã thu hút được nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào các khu du lịch, đây thực sự là cơ hội cho các công ty lữ hành trên địa bàn tỉnh đón khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, thúc đẩy du lịch dịch vụ phát triển.

Du lịch lòng hồ Na Hang tạo ấn tượng với đông đảo du khách.  Ảnh: K.T

Quảng bá, liên kết phát triển du  lịch

Cùng với việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, tỉnh đặc biệt quan tâm công tác quảng bá, liên kết phát triển du lịch, góp phần tạo hình ảnh đẹp đối với du khách về miền đất, văn hóa, con người Tuyên Quang.

Hoạt động quảng bá được thực hiện rộng khắp trên các phương tiện truyền thông của Trung ương, địa phương với nhiều nội dung phong phú, đa dạng về tiềm năng, lợi thế, sức hấp dẫn của du lịch Tuyên Quang, tạo dấu ấn với du khách. Các cơ quan chức năng của tỉnh đã xây dựng website cập nhật các tua, tuyến, điểm du lịch, dịch vụ của cơ sở lưu trú, nhà hàng, các điểm vui chơi giải trí trên địa bàn tỉnh; lập các trang Fanpage quảng bá hoạt động du lịch độc đáo, riêng có của Tuyên Quang như Lễ hội Thành Tuyên, du lịch Na Hang, Lâm Bình... Đặc biệt, UBND tỉnh đã triển khai thực hiện đề án Xây dựng hệ thống du lịch thông minh tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2019 - 2022, tầm nhìn đến năm 2025; khai trương Cổng thông tin du lịch và ứng dụng du lịch thông minh trên thiết bị di động kết hợp với bản đồ số du lịch tỉnh Tuyên Quang tạo thuận lợi cho du khách tìm hiểu, tra cứu, trải nghiệm trong hành trình du lịch xứ Tuyên.

Tỉnh chú trọng công tác liên kết, hợp tác liên vùng, liên tỉnh và quốc tế về du lịch với nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực. Hàng năm, trong khuôn khổ Lễ hội Thành Tuyên tỉnh tổ chức hội thảo về phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong cả nước; ký kết Chương trình hợp tác giữa tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang, trong đó có lĩnh vực phát triển du lịch lòng hồ Na Hang và các địa phương của tỉnh Hà Giang; liên kết phát triển du lịch Hà Nội - Tuyên Quang-Hà Giang; kết nối với Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Châu Văn Sơn (Trung Quốc) và Xiêng Khoảng (Lào)... để đa dạng hóa và phát triển thị trường nguồn khách và thu hút đầu tư vào du lịch.

Thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực du lịch và tăng cường xúc tiến quảng bá, đẩy mạnh liên kết, trong tương lai không xa, du lịch Tuyên Quang sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành ngành kinh tế quan trọng, là khâu đột phá, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập, đời sống nhân dân.

Theo TQĐT