Hiện nay xu hướng con người tìm đến nơi trong lành với thiên nhiên hoang dã để tận hưởng cuộc sống yên bình đang tăng cao. Và Tuyên Quang đang nắm trong tay lợi thế này với diện tích che phủ rừng, nhất là rừng nguyên sinh, nằm trong top đầu cả nước. Hưởng ứng Năm Du lịch Tuyên Quang 2023, UBND huyện Na Hang khai trương tour du lịch mới: Tour du lịch thăm hang Bó Kim và rừng nguyên sinh Nà Niếng, thôn Bản Bung, xã Thanh Tương.
Thôn Bản Bung có tiếng bởi vẻ đẹp nguyên sơ, cộng với bản sắc đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Thôn nằm chót vót trên đỉnh núi cao quanh năm mát mẻ. Trước kia lên thôn chỉ đi được xe máy, nay ô tô có thể lên được nhờ chương trình phát triển du lịch của huyện. Thôn Bản Bung có 48 hộ với 215 nhân khẩu người Tày, Dao, Mông. Cuộc sống của người Bản Bung có thời chỉ dựa vào rừng, nay là điểm sáng về phong trào trồng các cây lương thực, nuôi gia súc, gia cầm bản địa, đoàn kết giữ rừng để phát triển du lịch sinh thái kết hợp du lịch cộng đồng.
Thôn Bản Bung nằm trong vùng lõi của Khu bảo tồn thiên nhiên.
Đồng chí Ma Thanh Khiết, Hạt trưởng Hạt Kiểm Lâm Na Hang cho biết, hang Bó Kim nằm ở Bản Bung, xã Thanh Tương là một hang động nằm trong hệ thống những hang động còn rất hoang sơ với nhiều thạch nhũ có hình thù kỳ lạ. Hang có chiều dài khoảng 1 km và chiều rộng khoảng 40 m. Càng đi sâu vào trong hang du khách sẽ được chiêm ngưỡng những ánh vàng lấp lánh khi chiếu đèn pin vào do bề mặt nhũ đá có phủ một loại nấm phản quang màu ánh kim. Có lẽ vì vậy mà theo tiếng của đồng bào Tày, Bó Kim nghĩa là mỏ vàng. Trong hang có những con suối nhỏ với lưu lượng nước chảy quanh năm tạo ra âm thanh tý tách từ giọt nước rơi xuống, độ ẩm và chiều sâu của hang tỏa ra hơi mát lạnh kỳ bí. Trải qua hàng nghìn năm kiến tạo hình thành nên cấu trúc hang đa dạng, lối đi bên trong tương đối thuận lợi. Lối vào cửa hang xung quanh là những cánh rừng nguyên sinh bao phủ, chim hót líu lo, khí hậu mát mẻ tạo cảm giác thư thái, con người hòa mình vào thiên nhiên.
Du khách ngoài đi thăm hang Bó Kim thì tiếp tục tour trải nghiệm với rừng Nà Niếng. Ngay cửa rừng, là hệ thống bờ đập, mương, ống dẫn nước sinh hoạt, tưới tiêu của bà con nơi đây từ nguồn con suối Nà Niếng. Chính nhờ việc giữ được rừng nguyên sinh, mà nguồn nước ở đây dồi dào, chưa bao giờ cạn. Ẩn hiện dưới làn nước là những viên đá sắc đỏ với nhiều kích thước và hình thù khác nhau mà không ai lý giải được tại sao chúng có màu sắc như vậy. Suối đá đỏ Nà Niếng thật sự là kiệt tác thiên nhiên ban tặng chắc chắn sẽ làm du khách thích thú.
Du khách trải nghiệm tham quan rừng nguyên sinh Nà Niếng.
Đi sâu vào rừng nguyên sinh Nà Niếng là quần thể cây nghiến hàng nghìn năm tuổi. Ở huyện vùng cao Na Hang vẫn có những thôn bản người dân sinh sống ngay trong lõi rừng già như Bản Bung. Cuộc sống của người dân gần gũi, gắn bó mật thiết với rừng. Đồng bào vẫn truyền tai nhau dạy bảo con cháu “Tuyệt đối không xâm phạm đến rừng, chung sống được với rừng thì cũng chính là bảo vệ cho cuộc sống của thế hệ tương lai”. Giữa lõi khu bảo tồn Tát Kẻ - Bản Bung có một khu vực rất đặc biệt, nơi còn giữ được những quần thể gỗ nghiến lớn, trong đó tập trung ở Tát Kẻ, xã Khau Tinh và Bản Bung, xã Thanh Tương. Do đặc thù của loài cây này chỉ sống trên tầng núi đá vôi nên đã tạo cho chúng những bộ rễ khủng bám chặt vào vách đá. Cây nghiến non bằng bắp đùi đã có mấy chục năm tuổi, vậy những cây nghiến đường kính 2-3 m, cao đến 30-35 m thì chắc phải trên nghìn năm tuổi. Hiện chưa ai xác định được tuổi của cây nghiến sống thọ được bao năm. Đây được coi là báu vật của rừng xanh.
Xuyên qua cánh rừng nguyên sinh Nà Niếng, du khách được tận mắt chiêm ngưỡng đồi chè cổ thụ tự nhiên có lẽ đã đến vài chục năm tuổi. Cây có độ cao gần 15m, cả người ôm không hết, sống len lỏi giữa những tán rừng cổ thụ. Xen giữa màu xanh của đại ngàn, là rừng hoa bo nở kín một góc trời. Cây bo theo tiếng Tày gọi là Mạy Po, loài cây có chiều cao trung bình 30 - 45m, cây phân bố trên núi đá cao. Hoa bo có hoa màu hồng và mùi hương đặc trưng, chỉ nở vào mùa xuân, khoảng từ tháng 3 đến tháng 4 âm lịch. Tại khu rừng Nà Niếng còn có những cây gỗ lim cao lớn, thuộc nhóm 2A. Trong đó có cây lim tứ thân vững chãi, hiên ngang, bất khuất giữa rừng núi. Mỗi nhánh của cây lim tứ thân có đường kính khoảng 50cm, thân gỗ thẳng, độ cao 40-50m, độ tuổi hàng trăm năm.
Hang Bó Kim với những nhũ đá lấp lánh ánh kim tuyệt đẹp.
Lên Bản Bung dịp này du khách được ở nhà sàn của đồng bào dân tộc, uống rượu ngô men lá thơm nhức mũi, thưởng thức có món ẩm thực mang bản sắc địa phương vừa tinh tế vừa dân dã. Đi thăm phiến đá vuông linh thiêng giữa bản, hiểu thêm về bản sắc, tín ngưỡng của người dân tộc thiểu số nơi đây.
Theo: TQĐT