TRÊN ĐỈNH NÚI BÀ ĐEN

Thứ sáu, ngày 02/06/2023 - 17:15
Đã xem: 644 views

Con chim sắt to lớn “gừ..rừm” lên một hơi dài, rồi co chân lao vút vào không trung bao la. Đôi cánh trắng rung rinh, dập dờn chao lượn trên bầu trời xanh, mang chúng tôi vượt qua những ngọn núi, bơi trong biển mây trắng bồng bềnh, để đến với Tây Ninh nắng ấm. Mảnh đất vùng biên ải này vốn nổi danh bởi núi Bà Đen cao ngất. Từ xa, núi Bà như tháp nón khổng lồ, sừng sững đứng giữa sa mạc xanh, trải dài mênh mang. Đêm xuống, tháp như ngọn hải đăng cao vút, lấp lánh sáng giữa biển trời xa thẳm. Núi như sợi dây giao duyên giữa trời với đất, như chiếc thang xanh, nối trần gian với cổng nhà trời.

Dừng lại dưới chân núi Bà, anh Thái Nam - một người bạn đồng nghiệp - ra tận bãi đậu xe để đón chúng tôi. Vui mừng nhận ra (vì chỉ thấy nhau qua ảnh) và xiết chặt tay nhau. Trong phút giây của lần đầu gặp gỡ, tôi thấy từng cơn sóng chân thành của người Nam Bộ dạt dào ập đến bên mình. Sau li cà phê cao nguyên thơm lừng, anh gọi bạn Thu Hằng cùng Minh Vũ và Nhựt Khoa đưa chúng tôi đi tham quan công viên dưới chân núi. Khu công viên bách thảo rộng rãi, cùng hồ nước xanh trong với những con giáp trông thật ngộ nghĩnh. Vào vãn cảnh chùa Linh Sơn Phước Trung (chùa Trung), sau khi lễ bái Đức Phật và lui ra sân ngoài, Khoa chậm rãi giới thiệu “Chùa theo hệ phái Bắc Tông, được thành lập năm 1876. Người sáng lập là Tổ Thanh Thọ và Tổ Phước Chí, trụ trì đương nhiệm là Đại đức Thích Nghiêm Tâm”. Ngắm nhìn ngôi chùa trầm mặc, bình thản dựa vào núi Bà uy nghiêm, trước mặt là màu xanh của lá, cứ nối nhau trải dài xa tắp.

Tuyên Quang tôi là miền đất Mẫu Thoải, (Tam vị thánh Mẫu Thiên, Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải), hàng năm cứ vào dịp tháng giêng, tháng hai là vào mùa lễ hội. Khắp nơi, du khách lại tụ về đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La linh thiêng, để cầu mong Thánh Mẫu ban phước lành cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng tốt tươi, nhà nhà được yên vui, no ấm. Vào ngày Lễ rước Mẫu, người người, từ trẻ, già, gái, trai thành kính, xếp thành hàng dài, đến cả cây số ở hai bên đường, từ đền Ỷ La (ngược về hướng Bắc) và đền Thượng (bên kia sông Lô) xuôi về đền Hạ để hợp tế. Dù ở quê tôi, hay ở nơi này, tôi chỉ thấy nét tươi vui bừng lên trên khuôn mặt của các cụ già, vẻ nồng nàn trong đôi mắt của những người anh, người chị và niềm hân hoan, phấn khích của các bạn nhỏ đang chơi đùa.    

  

Lễ hội rước mẫu đền Hạ

Sau khi dạo một vòng quanh chùa, chúng tôi lên xe điện, đến nhà ga cáp treo để lên đỉnh núi. Vừa đến nơi, Thu Hằng hồ hởi nói “Đây là nhà ga cáp treo lớn nhất thế giới được Tổ chức Kỷ lục thế giới Guinness công nhận đấy anh ạ”. Tất cả cùng ồ lên vì ngạc nhiên và hứng thú. Quả thật, nhà ga to lớn và hiện đại như cảng hàng không chuyên dùng để bay lên đỉnh núi. Những chiếc xe/cabin không bánh lần lượt xếp hàng, nối nhau cần mẫn rời khỏi bến đỗ. Từ dưới ga nhìn lên đỉnh núi, những cabin như những đàn kiến đỏ, vàng, xanh đu mình trên sợi dây dài, nhỏ xíu chạy lên, chạy xuống. Khi chiếc cabin nhỏ tròng trành lao ra ngoài không gian, vài tiếng kêu khe khẽ của mấy cô gái nhỏ, hoà cùng tiếng cười khoái chí vỡ ra của mấy chàng trai trẻ. Một cảm giác háo hức, sờ sợ và thích thú cuộn lên từ dưới rừng cây. Tôi thấy mình bé bỏng như một đứa trẻ nhỏ, được chàng Tarzan ôm lấy, chuyền từ cành này sang cành khác, trong khu rừng rậm rạp ở tận châu Phi. Nhìn xuống dưới cánh rừng, Nhựt Khoa bảo “Hệ sinh thái núi rừng ở đây rất phong phú, có nhiều loài động, thực vật quý và các loại chim chóc bay lượn rất sinh động”, rồi cậu chỉ tay vào những cây cổ thụ to lớn, nhưng trơ trụi “Những cây này, khi nắng không nhìn thấy lá, nhưng khi có mưa, những chiếc lá không biết trốn ở đâu bỗng mọc ra xanh rì”. Thấy vẻ ngạc nhiên của tôi, cậu nghiêm trang khẳng định “không nói xạo đâu anh”. Tôi cười, vì biết đàn ông Nam Bộ luôn hào sảng, thật lòng và thẳng thắn.

Lên đến đỉnh núi là một không gian mênh mang mây trời, gió lộng. Đứng đây, ta như trên cõi tiên nhìn xuống dưới trần gian vừa xa, vừa gần. “Ở trên này, vào những buổi sáng sớm và lúc chiều buông, đỉnh núi được bao phủ bởi những đám mây trắng mỏng manh, huyền ảo, vì vậy núi Bà Đen còn được dân gian gọi là núi Vân Sơn đó anh” giọng nói trong trẻo của Thu Hằng tan ra, hoà vào mây, quyện vào gió đang vây lấy quanh mình.

Trên đỉnh Bà Đen linh thiêng, tượng Phật Bà Tây Bổ Đà Sơn đứng uy nghi trên đài sen mây, nước. Dòng suối nước trong vắt từ những bậc thác trên đài sen tuôn chảy, chuyên chở đi những lời cầu nguyện, ước mong cho đất trời được mưa thuận, gió hoà. Tay trái Phật cầm bình cam lộ dốc xuống, để ban phát phước lành, cứu rỗi chúng sinh. Tay phải Phật nâng lên bắt quyết, để lìa xa ác nghiệp. Đứng đây để chiêm bái Phật Bà, trong ta bỗng trở nên nhẹ bẫng như mây, như gió. Dường như mọi nỗi ưu tư, phiền muộn để mặc ta cô đơn, ở lại chốn này.

- Đúng là chốn bồng lai tiên cảnh - tôi khẽ thốt lên.

- Mà sao lại gọi là núi Bà Đen vậy em? - anh Quốc Tuấn tò mò hỏi Nhựt Khoa.

Khoa khẽ “dạ” một tiếng rồi kể cho chúng tôi nghe về truyền thuyết của núi rừng, rằng: “Ngày xưa, núi Bà Đen có tên gọi là núi Một. Trên núi có tượng Phật đá rất linh thiêng. Người Việt Nam, Cao Miên, Chàm,…đều cùng nhau dọn đường để lên cúng Phật. Gần đấy, ở Trảng Bàng, có một người con gái văn hay, võ giỏi tên là Lý Thị Thiên Hương. Thủa nhỏ, nàng có nước da đen đúa, nhưng khi lớn lên, khuôn trăng xinh đẹp, dáng người thanh tú, nên được rất nhiều chàng trai trong vùng để ý. Trong đó, có chàng trai tên là Lê Sĩ Triệt thầm đem lòng yêu mến Thiên Hương. Vào các ngày rằm, nàng đều lên núi thắp hương. Nhưng vào một ngày nọ, có một vị quan Cao Miên qua đấy, thấy nhan sắc nàng xinh đẹp, muốn bắt nàng đem về làm thiếp. Hắn ra lệnh cho quân lính bắt Thiên Hương về, nhưng Thiên Hương may mắn được chàng trai Lê Sĩ Triệt xông ra cứu kịp. Từ đó, hai người thề non hẹn biển với nhau. Vào một ngày nọ, trên đường lên núi dâng hương, đúng lúc bọn cướp Cao Miên tràn qua cướp phá. Nàng cùng mọi người hoảng sợ, chạy vào rừng lẩn trốn. Kể từ đó, không có tin tức gì nữa. Theo lời kể lại thì sau khi thành Bình Định thất thủ, Lê Sĩ Triệt tử tiết theo Võ Tánh, đã được phong chức Thần tướng coi sóc hai tỉnh Khánh Hòa, Bình Thuận. Còn nàng Thiên Hương thì ở lại trần gian, cứu dân độ thế. Quan Thượng Quốc Công Lê Văn Duyệt thay mặt nhà vua mà phong cho Lý Thị Thiên Hương chức vị “Linh Sơn Thánh Mẫu”, ngự ở núi Một, tức là núi Bà Đen bây giờ”.

- Chùa Bà rất linh thiêng các anh ạ - Thu Hằng tiếp lời, rồi cô nói: “Mỗi năm vào dịp đầu xuân tiết trời mát mẻ, du khách từ bốn phương kéo về núi Bà dự lễ. Lễ hội thường kéo dài hết tháng Giêng âm lịch. Nhưng ngày quan trọng nhất là lễ Vía Bà. Lễ được tổ chức từ ngày mồng 4 đến mồng 6 tháng 5 âm lịch. Rạng ngày mồng 4 sẽ làm lễ tắm và thay áo cho Bà. Họ chuyền tay nhau những gáo nước nấu bằng lá thơm của núi rừng, rồi từ từ dội lên tượng Bà. Sau khi tắm và thay áo của Bà xong, các ni cô thắp hương và đèn nến, rồi mở cửa điện để đón các thiện nam, tín nữ vào thắp hương cầu khấn. Ngày mồng 4 diễn ra các nghi thức lễ hội dân gian như: Hát bóng rối chầu mời, hát chập bóng tuồng hài “Địa nàng”, múa dâng bông, múa mâm ngũ sắc. Ngày mồng 5 là lễ “Trình Thập cúng”, và ngày mồng 6 dành cho việc cúng các cô hồn, uổng tử và chẩn tế cho bá tánh. Các sư sãi đọc kinh sám hối siêu độ cho các oan hồn”. Rồi giọng Hằng trở nên nhỏ lại: “Vào sáng ngày 24 tháng 11 năm ngoái, trên đỉnh núi này, bỗng có một đám mây hình tròn như đĩa bay tụ lại trên đỉnh núi Bà, mây và núi như hai chiếc nón xếp chồng lên nhau, rất kỳ diệu. Tương truyền đó là ngày Hội ở trên thượng giới, để trời tròn cao xanh, úp lấy đất vuông mênh mang, là ngày trên thượng giới mở cánh cổng thần tiên, để nối thiên giới và hạ giới, để đất và trời được giao duyên, để người dưới hạ giới lên thăm thượng giới, để các thiên thần hoá thân, xuống dưới hạ giới giúp đỡ dân lành”. Và cô kết luận “Núi Bà Đen như cây cầu nối đất với trời anh ạ”.

- Nơi này thật kỳ diệu - tôi thầm nghĩ và ngước lên bầu trời xa thẳm. Dưới mặt đất xanh tươi, vạn vật vẫn xoay vần, chưa bao giờ ngừng nghỉ. Đứng ở nơi giao thoa giữa trời và đất, thời gian như lắng đọng, như chiếc đồng hồ cát bỗng bị xô nghiêng, làm những hạt thời gian từ từ trượt xuống, trôi về bên kia cái cổ eo hẹp.

Thu Hằng dẫn chúng tôi đi tham quan xung quanh toàn tháp. Cả một vùng rộng lớn ngút ngàn hiện ra, những mảng màu xanh – đỏ, dọc – ngang đan cài với những mảng màu sáng trắng. Hằng chỉ tay ra xa và nói:

- Kia là hồ Dầu Tiếng, hồ nước ngọt nhân tạo lớn nhất Việt Nam và cả khu vực Đông Nam Á đó anh.

Xa xa, những tia nắng chiếu xuống mặt hồ, hắt lên trời những những chùm sáng lấp lánh, làm mọi vật quanh tôi cứ rung rinh, chuyển động. Hằng nói thêm

- Hồ Dầu Tiếng ở trên thượng nguồn sông Sài Gòn, cách thành phố Hồ Chí Minh hơn 100 km, nằm giữa 3 tỉnh Tây Ninh, Bình Dương và Bình Phước. Diện tích lòng hồ rộng chừng 27 km2, với dung tích chứa nước đến 1,58 tỉ m3. Nếu anh đi thuyền trên lòng hồ, mặt nước rộng mênh mang như ngoài biển khơi, nhưng không sợ say sóng. Cô nhìn tôi cười, nụ cười của cô gái Miền Nam dịu hiền, ngọt ngào, say đắm và phảng phất hương vị mật hoa thốt nốt trong li cà phê ban sáng.

- Ven hồ và cả giữa hồ còn có các đảo và bán đảo với những cây xanh bạt ngàn, đây cũng là nơi cư trú của nhiều loại chim trời. Chiều chiều, hàng đàn lớn, nhỏ bay lên, bay xuống trông rất thích thú  - cô gái vẫn say sưa.

Nhựt Khoa nói thêm “Hồ nước ngọt nhân tạo của Việt Nam mình lớn bằng 1/10 Biển Hồ (Tonlé Sap), trong mùa khô của nước bạn Campuchia. Hồ Dầu Tiếng của mình cũng có hệ sinh thái tự nhiên đa dạng, phong phú và bền vững, đây sẽ trở thành điểm đến rất tuyệt về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí anh ạ”. Khoa nhìn chúng tôi đầy rạng rỡ, với vẻ vui tươi của chàng trai có thú đam mê du lịch.

Sáng hôm sau, Minh Vũ dẫn chúng tôi đi dạo quanh thành phố, dù chỉ mới gần 7 giờ nhưng nắng đã chói chang. Vũ bảo “giờ mới cuối tháng 2 nắng đã rát rạt như vầy, lại còn gió lớn nữa”. Thật may, chúng tôi đến đây đúng vào dịp lễ hội “Nghệ thuật chế biến món ăn chay tỉnh Tây Ninh”, lần đầu tiên được mở tại đây và đây cũng là lần đầu tôi được ngắm nhìn hàng trăm các tác phẩm nghệ thuật ẩm thực chay độc đáo và lạ mắt. Ngắm nghía Tứ linh của núi Bà: Long, Lân, Quy, Phụng đang vờn mây, đón gió. Quả dưa xanh một chốc, đã biến thành bông hoa bung nở. Chú chim công cong đuôi, xoè cánh cõng những chiếc nem lạ mắt trên lưng. Hay những món rau rừng với đủ các sắc màu xanh, đỏ, tím, nâu với những vị ngọt, đắng, chua, cay thật hấp dẫn.

Tôi nếm thử món rau rừng cuộn với bánh tráng phơi sương Trảng Bàng, cùng với li rượu chay nhỏ. Vị mặn của muối, vị cay của ớt, hương thơm của tiêu, cùng tiếng giòn tan lậc cậc thật thích thú, như trong miệng ta bên này ngậm viên đá lạnh, còn bên kia là miếng sườn nướng chay nóng hổi, cảm giác lạ lẫm và dư vị hấp dẫn ấy chỉ thấy ở nơi này. Vũ bảo tôi “Tây Ninh là vùng đất Thánh, vì vậy nhiều gia đình ăn chay vào mồng một và ngày rằm hàng tháng. Món chay của người Tây Ninh rất đa dạng, ngon, đầy đủ dưỡng chất và trông rất đẹp mắt”. Tôi buột miệng ao ước, “Giá như có chàng Tài Ngào ở đây, mình sẽ nhờ chàng gánh về những món ăn này, để mọi người chiêm ngưỡng và thưởng thức nhỉ”.

Động Song Long

Tạm biệt những người bạn Tây Ninh mến khách, chúng tôi cùng hẹn nhau về thăm nơi quê tôi đang sống. Ở đó có hồ nước rộng tám ngàn ha, có rừng nghiến cổ thụ bạt ngàn, có đỉnh núi Pác Tạ uy nghi, có đền thờ Thánh Mẫu linh thiêng ngự dưới chân núi, có thác Khuổi Nhi, Khuổi Súng, có động Song Long, có hang Khuổi Pín,…và rất nhiều cảnh đẹp khác nữa. Nghe tôi kể, Nhựt Khoa tròn mắt lắng nghe với vẻ ngạc nhiên về một vùng đất có nhiều huyền thoại.

                                                          Tác giả: Lê Quốc Thu - Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Tuyên Quang

                                                                        Nguồn: Tạp Chí văn nghệ Tuyên Quang