Miền rừng thổ cẩm

Thứ hai, ngày 12/06/2023 - 16:40
Đã xem: 536 views

Những tia nắng đầu xuân phủ đầy lên những rặng núi cao, rồi tràn ngập ra khắp các bản làng nằm dưới thung lũng Lăng Can của huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang. Mùa này, cánh đồng bông trắng xóa đang chìm trong sương sớm, những quả bông trắng muốt ẩn mình vào đám hơi sương quánh đặc. Những cơn gió từ dưới thung lũng thổi lên đỉnh đèo Khau Lắc mang theo cánh đồng mây trải dài, trắng xóa. Mây cuộn lên từ dưới chân núi, vượt qua cánh đồng bông đang bung ra cả ngàn những hoa bông trắng muốt. Mây cuốn lấy những sợi hoa bông mỏng manh, rồi để gió thổi ngược lên đỉnh núi. Trên đỉnh đèo Khau Lắc, dòng thác mây trắng bạc từ từ chảy xuống thung lũng cạn. Cả mặt hồ mây trắng dềnh lên, bồng bềnh tràn ra phía xa rồi dâng cao, lơ lửng đến ngang lưng chừng núi.

Minh họa của Quảng Tâm

Từ bên Bình An, thả bộ giữa lưng chừng đèo, men theo con đường cheo leo bám vào triền dốc để ngược lên đỉnh núi. Vừa đi để đôi mắt được thỏa sức ngắm núi, nhìn mây, thảnh thơi để đôi tai được tận hưởng những tiếng lảnh lót của lũ chim rừng và tha hồ được hít thở những mùi hương ban sớm của những đám hoa rừng.

Lên đến đỉnh Khau Lắc là nhìn thấy Lăng Can. Thị trấn nhỏ xinh xắn, nằm lọt trong chiếc nôi khổng lồ của núi rừng trùng điệp. Cánh đồng lúa bằng phẳng, xanh mướt trải dài theo thung lũng. Con đường nhựa vắt qua những đám ruộng, như chiếc thước của người thợ dệt đang ướm đo mảnh vải thiên nhiên tươi xanh và sống động.

Trên đỉnh đèo, chúng tôi gặp một nhóm các cô, chú đi xe đạp địa hình đang dừng lại nghỉ chân tại mỏm đá nhô mình ra thung lũng. Bước ra gần mép đá, nhìn xuống thung lũng sâu, cái cảm giác giống như ta cầm hòn đá bỗng tuột tay rơi xuống mặt hồ mênh mang, sâu thẳm. Đứng trên sườn đá tai mèo xám ngắt nhìn ra xa là thấy những ngọn núi xanh mờ, như ta đang lơ lửng giữa trời. Vốc lấy từng bụm sương trắng mỏng rồi phả lên đầu, lên mặt để từng hạt sương li ti mát lạnh từ từ thấm vào da thịt. Mùi hương rừng lẫn trong sương dìu dịu, như mình đang bị lạc vào chân núi của nhà trời.  

Qua câu chuyện của cô chú, hôm nay Câu lạc bộ xe đạp Dốc Rồng rủ nhau đi chinh phục con đèo. Đây cũng là lần thứ hai họ vượt qua con đèo này.

- Mỗi chuyến đi đều có những thú vị riêng - lần trước chú đi vào mùa hè, trời trong xanh, nắng đẹp. Lần này đi vào đầu xuân, đỉnh đèo có dòng thác mây chảy như sông, rất đẹp - chú Hùng nói.

- Cái cảm giác được thả mình trên chiếc xe đạp trôi xuống dốc cứ nhẹ bẫng, rất thích thú - cô Huyền nói thêm. Tôi chợt ao ước: “Giá như bây giờ mình có một chiếc xe đạp, ngồi lên và thả trôi xuống con dốc, để xem cái cảm giác nhẹ bẫng ấy như thế nào nhỉ...”.

Trên đường vào thị trấn, hai bên là những đám ruộng đang trổ lá xanh non. Vào trong phố nhỏ, những ngôi nhà sàn giờ cũng mang dáng dấp của cuộc sống hiện đại. Trước hiên nhà vài em nhỏ đang mê mải chơi đùa, tiếng cười hồn nhiên của chúng thật ngây thơ, trong trẻo.

Buổi tối, hai bên đường rực sáng bởi những ngọn đèn cao áp. Góc phố nhỏ bỗng chốc rộn lên những cười tiếng ồn ã, vui mừng của những đôi bạn trẻ.

Màn sương trắng dần thấp dần, phố núi trở nên tĩnh lặng. Đêm ở bản Nặm Đíp trời lành lạnh. Bản này nằm dưới chân dãy Pù Kiềng. Con suối Nặm Đíp ầm ào chảy từ đỉnh Pù Kiềng đổ về tưới cho cánh đồng lúa xanh tốt trước bản, mùa nào nước cũng tràn trề và trong suốt.

Trong ngôi nhà sàn của ông Ma Trung Nam người Tày, tuổi ông đã hơn bảy mươi nhưng còn khỏe lắm, ông kể: Trên núi còn nhiều loại chim, thú lắm nhưng chỉ hay thấy lũ khỉ (voọc) thôi. Ban đêm thì nghe thấy con nai, con hoẵng nó tác, lợn rừng nó kêu trong núi, ngày nó không xuống bản đâu. Nhớ lại bữa cơm ban chiều, tuy chỉ vài món đơn giản nhưng rất thấy thú vị. Tôi khoái nhất là món măng cuộn, rau bò khai xào và thịt lợn chua cùng với gói xôi hai màu đen, đỏ. Có cả món ăn được ủ bằng lá cây chua mọc trên rừng mà miền xuôi ít gặp. Lần đầu tiên được thưởng thức những hương vị lạ lẫm đó, chúng tôi thấy núi rừng nơi đây còn rất nhiều điều kỳ diệu. Ngồi bên cạnh bếp lửa, ông Nam vừa vùi những củ khoai lang vào bếp và kể cho chúng tôi nghe câu chuyện về con đèo mà ông đã hứa ban chiều: “Người già kể lại rằng, khi xưa đứng dưới chân núi nhìn lên đỉnh đèo chỉ thấy những đám mây trắng bồng bềnh, ẩn hiện. Hồi đó đi từ bên Bình An vào Lăng Can gian khó lắm. Ban đầu chỉ có những người thợ rừng mới dám đi qua con đèo này, mà phải có mấy người theo nhau mới dám vượt qua, vì nhiều rắn rết, thú dữ và cơ man những con muỗi, vắt. Họ phải chui qua những bụi mây, giang chằng chịt, luồn qua những búi nứa rậm rạp, bám theo dưới chân những gốc nghiến cổ thụ và men theo vách núi đá. Cứ mỗi lần đi qua, gặp chỗ nào vướng cây thì chặt cây, gặp đoạn nào mắc cỏ, thì phát cỏ. Có chỗ phải đục đá, kê đường để vượt qua, nhưng cũng chỉ có những người đàn ông khỏe mạnh mới hay đi lại...”.

- Ôi sợ nhỉ - Tuệ Anh ngồi sát vào gần ông. Nhẩn nha uống ngụm nước rồi ông lại kể: “Bên đất Minh Đức, có gia đình ông Quan Thổ ty họ Ma cai quản cả vùng này, hai ông bà hiếm muộn chỉ có một người con gái duy nhất là Bà Nàng. Từ nhỏ Bà đã được cha mẹ mời thầy đến để dạy những điệu Then, trồng cây bông dệt vải, thêu thùa, hay nấu những món ngon vào dịp Bươn Chiêng (1). Khi đến tuổi trăng tròn Bà Nàng nổi tiếng khéo léo và xinh đẹp nhất vùng.

Có một chàng trai con nhà Lang họ Nguyễn của đất Lăng Can, chàng rất ham mê kinh sử và tài giỏi võ nghệ. Chàng đã thuộc hết những quyển sách có ở trong nhà. Cây lao nhọn của chàng hạ được lợn rừng to, cây nỏ khỏe của chàng đuổi được con gấu lớn. Một lần đi ngang qua vùng đất Minh Đức, khi lội qua bến con suối lớn Khuổi Quanh, chàng vô tình nhìn thấy người con gái xinh đẹp đang giặt chiếc khăn thổ cẩm. Từ đó chàng đã đem lòng yêu thương, say đắm người con gái xinh đẹp bên bờ suối kia. Chàng về thưa lại với cha mẹ xin được kết duyên với người con gái đó. Sau khi dò hỏi, biết đó là Bà Nàng con ông Quan Thổ ty họ Ma bên đất Minh Đức, cha mẹ chàng đã nhờ người mai mối để xin được gặp mặt. Một ngày kia, bên nhà trai đưa người và một đoàn ngựa dài chở đồ sính lễ đến nhà Quan Thổ ty, họ đến xin Bà Nàng về làm dâu bên đất Lăng Can. Khi ông bà mối dạm hỏi, cha của Bà không muốn con mình phải làm dâu ở xa nên đã nói rằng: Ta không lấy lễ vật của bên nhà điền chủ, chỉ cần sau ba mùa bông nở, nhà Lang đến đón dâu phải đi bằng ngựa, từ bên kia đèo sang bên này thì sẽ thuận tình gả con. Những tưởng cha Bà nói như vậy thì con nhà Lang kia sẽ bỏ cuộc”.

- Thế chàng trai có bỏ cuộc không ông? - Tuệ Anh hồi hộp hỏi.

- Ông Nam nhìn nó rồi nói: Xưa kia, từ Lăng Can đi Chiêm Hóa xa lắm, phải vượt qua Kéo Nàng, xuống thung lũng Thượng Lâm, bơi thuyền qua con sông Gâm sang thị trấn Na Hang, xuôi về đất Chiêm Hóa, qua Thổ Bình rồi mới vào đến Minh Đức. Trên đường mòn phải lội qua nhiều con suối, con đèo...

- Thế thì phải đi mất mấy ngày hở ông - Hạnh Nguyên lại hỏi - cũng phải đi mất hai ngày thật lực mới kịp đấy - ông Nam bảo.

“Sau khi ông bà mối về thưa lại câu chuyện. Cha và mẹ chàng khuyên con đi dạm hỏi đám khác. Nhưng trong tim chàng chỉ có hình bóng của người con gái xinh đẹp ngồi bên bờ suối hôm nào. Chàng đã cầu xin cha mẹ nhận lời thách cưới của ông quan Thổ ty họ Ma. Rồi chàng cùng những người đàn ông trai tráng, những cô con gái mạnh khỏe của bản trên, làng dưới quyết chặt cây, đục đá để làm đường cho ngựa đi qua được. Chàng đã cùng thầy Mo của bản leo lên đến đỉnh đèo và cầu khẩn: “Ơi thần núi, thần rừng, ơi thần mưa, thần gió hãy ban cho những người con trai, con gái bản làng này mạnh đôi chân, khỏe đôi tay để bản con làm đường qua núi, để tránh con sông sâu, để qua con suối dữ. Để những đứa con trai bên này sang ở rể bên kia, cho những đứa con gái bên kia về làm dâu bên này. Để cho những đàn dê, đàn ngựa bên này sang ăn cỏ bên kia, để những gùi ngô, cum lúa bên kia sang làm rượu bên này...”. Dường như các vị thần nghe thấu lời cầu xin của chàng đã cuộn mây, thổi gió làm ngọn đèn dầu lạc bùng lên thành đám lửa nhỏ rồi cuốn lên đỉnh núi.

Nghe được câu chuyện của chàng, những người con trai, con gái khắp các bản làng của Lăng Can đã không quản ngày hay đêm, mưa hay nắng, cho dù cả mùa đông sương sa lạnh giá, hay mùa hè nắng gắt đến cháy da, nhưng họ vẫn thay nhau miệt mài hôm sớm, cùng nhau phá những gốc cây to, đục những hòn đá lớn, xếp những bậc thang dài để thành con đường vượt qua đỉnh đèo sang đến bên kia núi...

Sắp hết ba mùa bông chàng và những người con trai, con gái của bản cũng gần làm xong con đường cheo leo vắt sang đỉnh núi.

Ở phía bên này, ngày nào Bà Nàng cũng nhìn về phía đỉnh núi mong ngóng chàng trai sớm thực hiện được lời ước hẹn. Cảm khích trước tình yêu của chàng trai trẻ, ông Quan Thổ ty và dân làng của bản đã cùng nhau giúp những chàng trai, cô gái bên kia làm kịp đường đi, trước khi mùa hoa bông rụng.

Ngày họ làm lễ Đảm Bái (2), dân làng hai bên đèo vui mừng khắp làng trên, bản dưới, họ cùng nhau ra đường reo mừng chào đón chàng trai tài giỏi nhà Lang đã tìm được Bà Nàng khéo léo. Họ cũng vui vì đã có con đường vượt đèo nối liền hai bên thung lũng. Từ đó những người già chưa đi ra khỏi bản đã sang hỏi thăm nhau, những đứa con gái lần đầu được theo cha đi thăm vùng đất mới. Con đường nhỏ như sợi tơ bông vắt qua đỉnh đèo đã nối những người già, người trẻ, con trai, con gái hai bên dãy núi với nhau. Người dân của bản làng ở hai bên núi đã xuôi, ngược thấm chảy sang nhau qua sợi dây mỏng manh nhưng bền chặt.

Vào những ngày đầu xuân, trên đỉnh đèo cao ấy những đám mây trắng trên đỉnh núi vẫn theo gió bồng bềnh, đung đưa rồi chảy tràn xuống chân núi rộng mênh mang, huyền ảo. Từ đó người đời sau đã gọi con đèo ấy là Khau Lắc”.

- May quá, chàng trai ấy đã làm kịp ông nhỉ - Trung Phong cười khoái chí - Bây giờ mà có ai thách cưới như vậy chắc là bọn cháu chịu thua thôi - nó nói.

- Cũng may là ông Quan Thổ ty đó thách cưới như vậy mới có đường đi chứ -  Hạnh Nguyên cười hóm hỉnh.

- Vân Vũ vừa cười vừa nói - Cũng là nhờ Bà Nàng xinh đẹp, khéo léo nên chàng trai kia mới quyết tâm như vậy. Cả bọn chí chóe cười đùa bên bếp lửa hồng.

Khi ông kể xong câu chuyện về con đèo thì những củ khoai lang mật cũng vừa chín thơm lừng. Mấy đứa tôi vừa ăn vừa bàn tán về kỳ tích của chàng trai nhà Lang, và sự đợi chờ của Bà Nàng xưa kia. Nếu không có ông kể, chắc hẳn chúng tôi cũng không tưởng tượng được, con đường mà chúng tôi vừa đi ban sáng, xưa kia lại gian khó và thấm đẫm chuyện tình của đôi trai gái ở hai bên dãy núi.

Mấy đứa tôi mỗi đứa chui vào một tấm chăn thổ cẩm để ngủ, cái cảm giác đầu tiên là tấm chăn mềm, ấm và nằng nặng, đâu đây vẫn thoảng lên mùi chàm. Tôi chỉ kịp nghĩ: “Tấm chăn này được dệt bằng khung cửi gỗ, ngày mai nhất định mình phải đến tận nơi xem mới được” rồi ngủ một giấc đến sáng vì thấm mệt.

Sáng hôm sau, ông Nam đưa chúng tôi đi lễ chùa Ông. Chùa nằm ở bản Vằng Chùa, sau lưng chùa là năm ngọn núi đá vôi của dãy Pù Kiềng và dãy Pù Khan Phựa. Bên này là núi Đán Nhang cao vút, trơ ra vách đá trắng phẳng phiu như có ai đẽo gọt. Bên kia là dãy Pù Chùa với ba ngọn núi đá vôi như ba chàng khổng lồ nhìn xuống bản. Rồi ông lại dẫn cả bọn lại sang làng Chùa. Lặng lẽ thắp nén nhang lên ban, im lặng đặt hai tay lên mặt đá phiến dưới chân ban thờ và cầu Phật mong sao được bình an như mảnh đất này. Dưới cánh đồng Nà Chùa xanh ngát, hai con suối Nậm Luông và Nặm Chá từ trên núi chảy về rồi nhập vào nhau ngay ở giữa đồng, như đứa trẻ đang nằm trên tấm thảm xanh, giơ đôi tay lên đón nhận dòng nước mát.

Rời chùa, chúng tôi đi thăm đền Pú Bảo. Từ đầu Bản Kè B vượt qua dòng suối Nậm Luông trong mát là thấy cả cánh đồng bằng phẳng, thoáng đãng và rộng lớn. Cả bản này nằm trong vòng vây của những ngọn núi đá vôi cao ngất, nhấp nhô với nhiều hình dáng khác nhau thật lạ mắt. Cánh đồng rộng như bàn tay của người khổng lồ, những ngọn núi xung quanh như những ngón tay đang chụm lại vươn thẳng lên bầu trời.

Đền Pú Bảo tựa lưng vào dãy núi theo thế tay ngai hùng vĩ, sau lưng là dòng suối Nậm Luông bốn mùa trong mát, hiền hòa. Cửa Đền nhìn về hướng Bắc trông ra cánh đồng lúa mênh mang, xung quanh những ngọn núi nhỏ đuổi nhau xuống thấp dần. Gặp bác Nguyễn Thế Trân đang quét dọn ở sân đền - ông Nam tiến đến và nói:

- Có mấy cháu sinh viên Trường Đại học Tân Trào đi thực tế, nhờ bác giúp các cháu hiểu thêm về ngôi đền này - Bác Trân mời cả đoàn vào bên trong và nói: Đền Pú Bảo được xây dựng nhằm đền đáp công ơn Quận Công Nguyễn Thế Quần (mà người dân gọi là Đức Quận Công Thiếu Bảo), Ông là người Tày nhưng gốc gác ở miền xuôi, Ông đã có nhiều công tích trong việc dẹp loạn ở đạo Tuyên Quang xưa kia. Chúng tôi thành kính thắp nén nhang lên ban thờ của người võ tướng nhà Nguyễn. Sau khi tìm hiểu thêm chúng tôi được bác Trân cho biết: “Nguyễn Thế Quần là một nhân vật lịch sử thế kỷ XVIII. Với cương vị là phụ đạo phiên trấn, ông đã có nhiều đóng góp đối với đất nước trong việc đảm bảo trật tự trị an, bảo vệ lãnh thổ trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang (đặc biệt là vùng biên viễn châu Vị Long). Hàng trăm năm nay, nhân dân địa phương vẫn thành kính phụng thờ Ông tại đền Pú Bảo”.

- Ngôi đền này được con cháu mấy đời của họ Nguyễn Thế xây dựng từ thời Lê. Trải qua mấy lần tôn tạo nên mới được vững chãi như bây giờ - bác Trân nói và chỉ vào tấm bảng gỗ - đây là Sắc phong do triều đình ban tặng, cũng là bản sắc phong duy nhất liên quan đến phẩm hàm của triều đình nhà Lê được lưu giữ ở Tuyên Quang - rồi bác đọc “Siêu Nhạc Bá Nguyễn Thế Quần, xã Lăng Can, châu Vị Xuyên vì có nhiều công tích trong việc đánh dẹp loạn ở đạo Tuyên Quang với tư cách là một phụ đạo ở đất phiên thần; đã từng được chiếu chỉ chuẩn cho làm chức Phòng sự Liêm sự (Thiêm sự), là vị tướng quân quả cảm. Quân dân phòng ngự sử ti Phòng ngự Liêm sự (Thiêm sự) Siêu Nhạc Bá được mức lương hạ ban”.

Dù còn nhiều điều muốn biết về ngôi Đền thờ vị tướng quân uy dũng này, nhưng đã hẹn đến gia đình bà Noọng để xem những bức thổ cẩm do chính tay bà dệt. Chúng tôi chia tay bác Trân - cũng là hậu duệ của dòng họ Nguyễn Thế để ra về.

Đường vào bản không rộng, nhưng cũng đủ cho hai cái xe ngựa tránh nhau. Những ngôi nhà sàn quanh đây vẫn còn lưu giữ được những nét cổ xưa của người Tày. Xung quanh nhà là hàng cây xanh rờn. Bác Nam vừa chỉ cho chúng tôi vừa nói: Đây là cây rau ngót rừng, hay còn gọi là cây “mỳ chính”. Nói là rau nhưng thân cây to bằng bắp chân và cao hơn đầu người. Thấy tụi tôi ngỡ ngàng, bác bảo: Cây này trước đây chỉ mọc trong rừng, mỗi lần đi lấy thì chặt cả cành mang về ăn vài bữa, sau này thì mang về trồng vừa có rau ăn lại làm luôn hàng rào. Tôi thầm nghĩ “vùng đất này còn rất nhiều điều thú vị mà mình sẽ phải khám phá”.

Bước qua khoảng sân rộng là vào đến hiên nhà. Ngôi nhà sàn rộng như tiếng ngân của điệu Then Tày. Khẽ bước lên từng bậc cầu thang, mỗi bậc như những nốt nhạc của lời bài hát: “Chín bậc núi rừng/Chín bậc nghiêng nghiêng.../Chín cung đàn bên nôi mẹ ru.../Chín khúc đợi chờ.../Chín bậc tình yêu”.

Từ trên sàn nhà, buông xuống đất những hàng chân gỗ mập mạp, lặng im đứng trên những chiếc giày bằng đá. Mái cọ vừa mới được dặm lại, những tàu lá xanh chen lẫn vào mái cọ nâu như bông hoa xanh trên tấm vải chàm. Phía sau nhà là khoảng đồi xanh mát, những cây cọ khẳng khiu, gầy guộc vẫn xòe ra chùm lá non xanh. Những chiếc lá xanh tròn vẫn vô tư vui đùa với gió và xòe tay hứng lấy ánh mặt trời. Tôi nhớ lại ngày đầu tiên đến trường, âm thanh của bài hát “Cọ xòe ô che nắng/râm mát đường em đi” vẫn theo tôi đến tận bây giờ.

Dưới sàn nhà là những khung cửi, những hàng chỉ màu xanh, trắng đang treo mình lên khung dệt. Những cái khung bằng gỗ và những đồ dệt vải lần đầu tiên tôi được nhìn tận mắt. Ngoài sân trên cây sào tre là tấm mặt chăn, mặt địu với hình hoa văn sống động. Tuệ Anh chui ra, chui vào chiếc màn to màu chàm phơi ở giữa sân với vẻ mặt rất là thích thú.

Bà Noọng cũng đã nhiều tuổi và cũng là người dệt thổ cẩm giỏi nhất của Bản Kè này còn khỏe. Bà đang truyền dạy cho các cháu trong dòng họ và những cô gái của Lăng Can đến học nghề dệt vải.

Bà vừa nhai trầu vừa kể: Lúc còn nhỏ, quãng chừng 10 tuổi bà đã được bà ngoại và mẹ của bà truyền dạy công việc quay sợi, nhuộm chàm, rồi cách mắc khung, chọn hoa văn để dệt nên tấm vải. Muốn có quả bông phải đi gieo hạt trên nương, cây bông nở thì hái về cán ra, tách hạt, đến lúc bật bông, xong thì cuộn thành từng cuộn, rồi mới kéo sợi - A lôi, nhiều việc lắm các cháu à. 

- Cây bông dệt vải này là trồng ở những vạt nương dưới chân đèo Khau Lắc nơi các cháu đã đi qua đấy - ông Nam nói thêm.

- Bà lại thong thả: muốn có tấm thổ cẩm đẹp phải khéo tay, chăm chỉ - Bà đã dệt đủ những tấm vải hoa chăn, hoa gối dành làm của hồi môn để đến lúc đi làm dâu, đấy là món quà của cha mẹ mình dành cho con gái - Bà cười hiền hậu. Tôi bỗng thấy, trong đôi môi thấm đẫm màu trầu của bà, lấp ló những hạt na đen bóng.

- Cũng nhiều người dệt thổ cẩm, nhưng hoa văn trên thổ cẩm ở Lăng Can mình làm khó hơn, tỉ mỉ hơn nơi khác cháu ạ - nói rồi bà chỉ cho chúng tôi xem những họa tiết trên tấm vải. Rồi bà kể: Ai học dệt thổ cẩm cũng đều biết đến câu chuyện xưa về cô gái trẻ, con nhà nghèo nhưng cần cù, khéo léo được Hoàng tử con Vua kén làm vợ, nhưng cô gái trẻ đã khước từ, xin ở lại bản để được phụng dưỡng mẹ già. Cảm phục tấm lòng hiếu thảo của người con gái, Hoàng tử ra lệnh cho dân cả vùng phải giữ lấy nghề trồng bông dệt vải.

Nhìn ngắm những cô gái trẻ đang khéo léo, mải miết luồn qua, luồn lại con thoi tre xinh xắn qua những hàng sợi chỉ. Mỗi lần con thoi nhỏ chạy qua, cái thoi gỗ đánh chặt lại dập từng sợi chỉ nhỏ cho thẳng hàng, phía trên những chiếc que nhỏ bằng tre chạy lên, chạy xuống, sợi chỉ đỏ gài vào những hàng chỉ trắng... tất cả bỗng làm tôi hoa mắt. Hẳn đây là cỗ máy phức tạp nhất trong các công cụ làm việc của người Tày. Nếu mỗi hoa văn là một công thức được viết ra, chắc nó sẽ dài như chiếc đòn gánh của mẹ tôi đi chợ. Chao ôi, tôi chợt nghĩ: “Nhỡ cái thoi tre này chạy nhầm lượt, những chiếc kim kia đi lạc sang hàng chỉ khác và những sợi chỉ xanh, đỏ này gài không đúng chỗ thì không biết tấm vải kia có làm sao không nhỉ” và ý nghĩ ấy bỗng làm tôi bối rối. Nhìn đôi chân trần của các cô gái nhấn lên, nhấn xuống hai thanh gỗ nhỏ đều đặn, nhịp nhàng, đôi bàn tay trắng trẻo nhẹ nhàng, thoăn thoắt trong vòng vây của những sợi chỉ nhiều màu, nhưng vẫn vuông, tròn đều đặn. Hẳn là, các cô gái đang dệt bằng những trái tim mong ước, mỗi bông hoa, ngọn lá là tình yêu của những đôi trai gái đang đợi ngày hẹn ước, hay là niềm vui của cụ già trong ngày Pù Liểng (mừng thọ) và tấm chăn của đứa trẻ trong ngày Ma nhét (đầy tháng). Tấm vải như chứa đựng lòng biết ơn với tổ tiên đã sinh thành và truyền dạy cho bao thế hệ, bao nhiêu con người về nghề dệt thổ cẩm và cũng đẹp như tâm hồn trong trẻo của những người con gái Tày Lăng Can.

Mỗi chúng tôi đều chọn cho mình một thứ yêu thích để làm kỷ niệm, đó là món quà của Miền thổ cẩm huyền thoại. Tôi thấy mỗi cánh hoa, nhành lá và từng sợi chỉ mảnh mai trên vuông vải của mình bỗng hiện ánh mắt, đôi tay và mái tóc dài lơ thơ trong làn mây trắng, mái tóc ấy vẫn thấm đẫm tình hiếu thảo của người con gái nhà nghèo năm xưa.

Tạm biệt Lăng Can, chúng tôi vượt qua Kéo Nàng để xuôi về Chiêm Hóa, thăm lại con đường mà chàng trai nhà Lang năm xưa đã từng đi qua.

Lê Quốc Thu