Bún vịt Na Hang sợi to nhưng không quá dẻo, lại rất bùi, được làm thủ công từ gạo bao thai. Hòa quyện với nước dùng là nước luộc vịt, có thịt thái miếng, thịt vịt băm nhỏ, rau răm, ăn kèm với rau húng vịt. Đây là món ăn ai đến Na Hang cũng nên thử một lần.
Bún vịt Na Hang hấp dẫn thực khách.
Bún vịt là món ăn truyền thống của người Tày vùng cao xứ Tuyên. Để có một bát bún vịt chuẩn vị phải lựa chọn nguyên liệu ngay từ đầu vào. Gạo làm bún phải là gạo bao thai, bún sẽ có vị ngọt, bùi của gạo và tơi không bết dính, vịt phải là vịt thả suối hoặc nuôi trên vùng lòng hồ Na Hang có tuổi đời từ 6 - 8 tháng, bởi thịt lúc này sẽ mềm, không dai và xương cũng không quá cứng để làm nước dùng và băm nhỏ làm nhân thịt băm. Phần cổ, sườn, ức có sụn được băm nhuyễn, đem ướp với gia vị gồm hạt dổi, lá mắc mật và một ít rau húng vịt (một loại húng rừng đặc trưng) xào chín kỹ, đến độ nhân săn lại, mềm là đạt yêu cầu. Có thể thêm hạt nêm, nước mắm tùy khẩu vị, nhưng tựu chung nguyên liệu phải đạt độ mềm, tơi, mịn không cứng và vừa vị... Phần thịt nạc của vịt sau khi luộc chín, sẽ để nguội, lột thịt và thái miếng mỏng giữa cả da. Bún sau khi trần qua cho vào bát, cho nhân vịt băm, xếp ít thịt vịt thái mỏng lên trên, chan nước, rắc thêm ít rau dăm là có bát bút vịt hoàn chỉnh.
Để thưởng thức bún vịt, phải có rau húng vịt, ăn kèm măng ớt đặc trưng của vùng cao sẽ là một trải nghiệm thực sự đáng nhớ, thực khách sẽ cảm nhận vị ngọt từ thịt, vì bùi của bún, vị cay nhẹ của lá húng, và hơi chua của măng ớt quyện lại. Chính từ nguyên liệu dân dã và cách chế biến riêng biệt của đồng bào Tày nơi đây đã tạo nên sức hấp dẫn của món bún vịt, làm hài lòng thực khách và làm cho người ta luôn nhớ vị ngon khi nhắc đến ẩm thực xứ Tuyên.
Theo http://doingoaituyenquang.gov.vn