Nét đẹp đầu năm

Thứ ba, ngày 20/02/2024 - 09:35
Đã xem: 516 views

Tuyên Quang được biết đến với hệ thống các đền, chùa nổi tiếng linh thiêng. Những ngày đầu Xuân, du khách thập phương lại nô nức đến với Tuyên Quang trong hành trình văn hóa tâm linh, cầu mong những điều tốt đẹp nhất.

iện nay, trên địa bàn thành phố Tuyên Quang có 14 ngôi đền thờ Mẫu, chủ yếu thờ Mẫu Thoải, vị thần cai quản vùng sông nước, dân gian coi nước như người mẹ ban phát nguồn sống cho muôn loài, nâng đỡ, chở che muôn dân trăm họ có cuộc sống an lành, hạnh phúc. Những ngôi đền trong lòng thành phố Tuyên Quang như: Đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La... có cảnh quan đẹp cùng với đó là các hoạt động tâm linh phong phú gắn với các thiết chế trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Ngoài 3 đền thờ Mẫu lớn nhất tại thành phố thì Mẫu còn được thờ chung tại nhiều ngôi đền như đền Bắc Mục, đền Thác Cái (Hàm Yên), đền Cảnh Xanh, đền Mỏ Than (TP Tuyên Quang).

 Lễ hội đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La.

Ông Nguyễn Tất Lập, tổ trưởng tổ quản lý di tích đền Hạ, phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) cho biết, năm Mậu Ngọ 1738, đền Hạ chỉ là một ngôi miếu nhỏ, năm 1918, đã được xây cất thành đền Hạ ngày nay. Năm 2018, đền Hạ được trùng tu, làm mới toàn bộ 3 cung, cung tiền tế, trung cung và hậu cung, mở rộng khuôn viên khang trang, sạch đẹp. Hàng năm, từ mùng 3 Tết Nguyên đán là người dân từ các tỉnh Hải Dương, Ninh Bình, Hà Nội, Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ... lại nô nức về với Tuyên Quang để lễ mẫu và xin lộc sơn lâm.

Đi lễ đầu xuân ngày càng mở rộng, thu hút đông đảo người dân tham gia, tạo thành các chuyến hành hương đầu xuân đầy ý nghĩa. Chị Nguyễn Thị Oanh, quận Long Biên (Hà Nội) cho biết, đầu Xuân năm nào chị cũng theo đoàn về lễ Mẫu tại Tuyên Quang. Nơi đây không chỉ có các ngôi đền nổi tiếng linh thiêng mà còn có cảnh quan thơ mộng, sông nước hiền hòa. Lễ Mẫu vừa giúp chị hướng tâm đến những điều tốt đẹp, bằng cái tâm hoan hỷ, vừa mong những điều tốt lành cho mình và người thân.

Còn anh Nguyễn Trung Kiên, đến từ Hải Phòng tâm niệm, đi lễ không nhất thiết phải đặt nặng chuyện lễ lớn hay nhỏ, miễn sao giữ được cái tâm trong sáng, giác ngộ về những giá trị an lành, sống có ích cho xã hội, bởi lẽ ngoài tâm thành còn do phúc đức của mỗi người. 

Nếu đền, miếu gắn với tín ngưỡng đạo Mẫu thì chùa, thiền viện lại gắn với những sinh hoạt Phật giáo. Ở Tuyên Quang, ngoài Thiền viện Trúc Lâm Chính pháp vừa được xây dựng thành một quần thể kiến trúc quy mô, bề thế, Tuyên Quang còn có một hệ thống các ngôi chùa cổ được đông đảo du khách tìm đến chiêm bái như chùa An Vinh, Linh Thông, Trùng Quang, Hương Nghiêm (Chùa Hang), Phổ Linh (TP Tuyên Quang); chùa Phật Lâm (Yên Sơn), chùa Lang Đạo (Sơn Dương), chùa Bảo Ninh Sùng Phúc (Chiêm Hóa), chùa Phúc Lâm (Lâm Bình)...

Du khách đi lễ, vãn cảnh Thiền viện Trúc lâm Chính pháp Tuyên Quang.

Đi đền chùa phản ánh khá rõ nét thái độ sống của con người. Tuy nhiên, hiện nay, ở không ít nơi, đền chùa đang dần bị biến tướng, thương mại hóa, bởi sự thiếu hiểu biết và những hành vi lệch chuẩn trong ứng xử với thế giới thiêng. Người dân chen lấn xô đẩy, lễ chồng lễ, tiền lẻ nhét vào tay tượng Phật, rác thải xả tràn lan.

Theo đại đức Thích Trúc Thành Minh, Thiền viện Trúc lâm Chính Pháp Tuyên Quang, người dân đi lễ đầu năm nên hướng tâm đến những điều tích cực, trong sáng, phù hợp với phong tục tập quán truyền thống của người Việt. Về phía Thiền viện, những người có trách nhiệm, các tăng ni luôn có những hướng dẫn để người đi lễ, những khách hành hương có nhận thức đúng, thái độ đúng và hành xử đúng theo giáo lý nhà Phật để tránh mê tín dị đoan.

Về Tuyên đi lễ đầu xuân, du khách càng hiểu hơn, trân quý hơn truyền thống văn hóa, tấm lòng trọng khách của người dân vùng đất này. Chúng ta cùng nhau đi lễ đền chùa đầu xuân mới để hướng tới những điều tốt đẹp nhất, cùng đoàn kết một lòng chung tay xây dựng quê hương, đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.      

Theo TQĐT