Những bản làng văn hóa du lịch nổi tiếng được du khách gần xa biết đến nhiều trên bản đồ du lịch Tuyên Quang là một phần “linh hồn” ngành “công nghiệp không khói” của tỉnh. Sức hút bởi nét riêng đậm bản sắc văn hóa dân tộc của những bản làng như: homestay 99 ngọn núi, homestay Nặm Đíp, homestay Nà Muông ngày càng được nâng cao vị thế khi đạt tiêu chuẩn OCOP, tạo nên sức hút và giá trị cả một vùng đất. Với vốn văn hóa đa dạng của 22 dân tộc cùng các giá trị được bảo tồn nguyên vẹn theo thời gian, ngày càng nhiều làng văn hóa du lịch đạt tiêu chuẩn OCOP trên mảnh đất Tuyên Quang được định hướng phát triển bền vững.
Để tạo điều kiện cho du lịch nông nghiệp, nông thôn phát triển, tỉnh Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch số 223/KH-UBND ngày 7/12/2022 về thực hiện Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2021-2025, triển khai đồng bộ nhiều chính sách phù hợp, mở cửa khuyến khích đầu tư vào du lịch nông thôn. Theo kế hoạch của Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các huyện, thành phố triển khai thực hiện Đề án xây dựng ít nhất 01 làng văn hóa tiêu biểu gắn với phát triển du lịch nông thôn theo quy định có thể gọi là “Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”. Năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 3 làng văn hóa hoàn thành công nhận đạt chuẩn OCOP gồm: homestay Nà Muông và homestay Nặm Đíp, homestay 99 ngọn núi (huyện Lâm Bình). Có thể thấy, để đáp ứng các tiêu chí đánh giá của Chương trình OCOP cần nhiều nỗ lực từ các cấp và người dân các địa phương.
Từ năm 2021, homestay Nà Muông và homestay Nặm Đíp, homestay 99 ngọn núi (huyện Lâm Bình) đã trở thành một trong những làng văn hóa du lịch đầu tiên trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn OCOP 3, 4 sao cấp tỉnh với 12 tiêu chí đều đạt chuẩn. Nét văn hóa dân tộc được bảo tồn, những nếp nhà sàn thực sự trở thành một “thỏi nam châm” thu hút du khách. Từ thôn nghèo nơi vùng cao, các xã Thổ Bình, Thượng Lâm, Lăng Can giờ đây đã trở thành điểm đến nổi tiếng của huyện Lâm Bình.
Làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đíp được mọi người biết đến là nơi có đông bà con tham gia cùng làm du lịch. Toàn thôn 181 hộ người dân tộc Tày đã xây dựng bản làng yên bình thành điểm đến mang dấu ấn rất riêng. Hiện nay, Nặm Đíp có 12 hộ làm du lịch cộng đồng mang giá trị kiến trúc văn hóa bản địa phục vụ du khách. Đến Nặm Đíp tham quan, nghỉ dưỡng cũng chính là tới một không gian thôn bản thanh bình và đậm đà bản sắc. Với các tiêu chí đạt chuẩn, nơi đây được du khách ưa thích chọn làm nơi dừng chân nghỉ dưỡng trong chuyến du lịch của mình.
Các homestay đã đầu tư thêm cơ sở, vật chất phục vụ khách du lịch
Sản phẩm Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch Homestay 99 ngọn núi, của Tổ hợp tác dịch vụ Homestay 99 ngọn núi xã Thượng Lâm đã được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh Tuyên Quang, đánh giá thẩm định là sản phẩm OCOP, đạt tiêu chuẩn 4 sao đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe nhất về cơ sở vật chất, an toàn vệ sinh thực phẩm... Đây cũng là điểm du lịch "hút" khách nhất của huyện Lâm Bình, bình quân mỗi năm điểm dịch vụ du lịch Homestay 99 ngọn núi, xã Thượng Lâm phục vụ khoảng 4.000 lượt khách trong và ngoài nước đến thăm quan, trải nghiệm, doanh thu hàng năm ước đạt gần 1 tỷ đồng/năm.
Homestay Nà Muông, xã Khuôn Hà
Homestay Nà Muông, xã Khuôn Hà đã được đơn vị chuyên môn phổ biến, hướng dẫn chi tiết cần phải làm gì để du lịch cộng đồng sớm trở thành sản phẩm OCOP bằng những việc làm cụ thể như: Xây dựng quy định về việc tiếp đón du khách sao cho thật văn minh, lịch sự; vệ sinh môi trường sạch sẽ hay việc không sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã làm thực phẩm, khai thác gỗ trái phép làm nhà... được phổ biến đến người dân. Hướng đến sản phẩm OCOP, homestay dần chuẩn hóa, hoàn thiện về quy chế, quy định với du khách và cộng đồng trong quá trình làm du lịch.
Phát triển du lịch bền vững gắn với du lịch xanh, du lịch sinh thái, đa dạng bản sắc, văn hóa chính là hướng đi đúng đắn để thu hút và níu chân du khách. Các thôn bản với kiến trúc văn hóa bản địa đặc sắc mang trong mình nhiều giá trị tiềm năng, phát triển và khai thác dịch vụ du lịch là một bộ phận quan trong tạo nên thương hiệu du lịch của tỉnh Tuyên Quang. Khai thác tốt có định hướng phát huy, bảo tồn giá trị nguyên bản và phát triển dựa trên các tiêu trí sản phẩm du lịch OCOP là hướng đi khẳng định một nền công nghiệp du lịch bền vững tạo ra giá trị cho người dân.
Phạm Hương