Bánh trứng kiến - hạt ngọc của núi rừng

Thứ tư, ngày 29/05/2024 - 10:00
Đã xem: 2,172 views

Vào những ngày tháng 3, tháng 4 âm lịch hằng năm, người Tày ở vùng cao lại náo nức kéo nhau lên rừng để thu hoạch trứng kiến. Những hạt trứng kiến quý giá, trắng muốt, bóng loáng như những hạt ngọc nhỏ lấp lánh núi rừng là món quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho người dân nơi đây.

Người dân thôn Bản Thàng, xã Phúc Yên tham gia làm bách trứng kiến trong Ngày hội Văn hóa ẩm thực, trải nghiệm du lịch sinh thái xã Phúc Yên năm 2024.

Món ăn truyền thống

Chúng tôi đến thôn Bản Thàng, xã Phúc Yên (Lâm Bình) thăm ngôi làng nhỏ nằm sâu trong dãy núi Pù Kha Hao vào đúng mùa trứng kiến. Khung cảnh xanh tươi, thanh bình với những ngôi nhà sàn của đồng bào người Tày hiện ra trước mắt khi gia đình chị Chẩu Thị Tiêu đang tất bật chuẩn bị làm bánh trứng kiến.

Chị Tiêu với đôi bàn tay khéo léo, nhẹ nhàng lấy từng nắm trứng kiến trắng mịn, cẩn thận sàng lọc những tạp chất ra khỏi và nhanh chóng thực hiện các công đoạn tiếp theo. Vừa làm, chị vừa chia sẻ với chúng tôi rằng: “Món bánh truyền thống này năm nào gia đình tôi cũng làm. Khi còn bé, được bố mẹ làm cho ăn, đến khi trưởng thành thì học cách tự làm rồi truyền lại cho con cháu”.

Chị cho biết thêm, vào ngày Tết Thanh minh, hầu hết các gia đình trong làng đều làm bánh trứng kiến để tỏ lòng hiếu thuận với tổ tiên và truyền lại tín ngưỡng cho thế hệ trẻ. Trong không khí ấm áp của ngôi nhà, mọi người cùng nhau gói bánh, tiếng cười nói rộn ràng hòa cùng mùi thơm của bột gạo và trứng kiến, làm cho không khí trở nên ấm cúng và đậm đà tình thân.

Chị Chẩu Thị Tiêu (bên phải), thôn Bản Thàng, xã Phúc Yên (Lâm Bình) kiểm tra chất lượng tổ kiến vừa được thu hái.

Việc làm bánh trứng kiến không chỉ là một nét văn hóa đặc trưng của người Tày mà còn là cách để họ thể hiện lòng biết ơn sâu sắc đối với tổ tiên. Những chiếc bánh được đặt lên bàn thờ, trở thành biểu tượng của sự tri ân và gắn bó gia đình, là lời cảm ơn chân thành đến những công lao và nỗ lực mà tổ tiên đã dành cho gia đình.

Đặc sản vùng cao

Bánh nếp nhân trứng kiến (hay còn gọi là Pẻng lăng lay), là một món ăn đậm đà bản sắc của dân tộc Tày. Món ăn này được chế biến từ nếp nương và trứng kiến (ấu trùng kiến), tạo nên hương vị độc đáo và hấp dẫn. Không chỉ vậy, sự kỳ công trong quá trình thu hái và chế biến cũng góp phần làm nên sức hút đặc biệt của món bánh này. Trứng kiến được thu hái từ các tổ kiến trong rừng, đòi hỏi người thu hái phải kiên nhẫn và khéo léo. Sau đó, chúng được chế biến cùng nếp nương thơm dẻo, tạo thành những chiếc bánh nếp nhân trứng kiến thơm ngon.

Chị Tiêu vừa bóc từng chiếc lá để gói bánh vừa kể về quá trình làm bánh trứng kiến: Bột nếp nương được nhào mềm, sau đó cán mỏng và cho nhân trứng kiến vào giữa, gói lại thành từng miếng bánh vuông vức. Bánh được bọc trong lớp lá ngoã, rồi hấp chín trong khoảng 60 phút. Mỗi chiếc bánh thường được bọc trong 2-3 lớp lá, với lớp lá non mềm bên trong có thể ăn được, mang lại hương vị đặc trưng, trong khi lớp lá ngoài được chọn từ lá già hơn để giữ hình dáng của bánh khi hấp, không bị vỡ.

 Những chiếc bánh trứng kiến vuông vắn, thơm ngon là món ăn độc đáo của người dân vùng cao.

Ban đầu, chị Tiêu làm bánh trứng kiến phụ vụ cho nhu cầu gia đình, nhưng sự khen ngợi từ bạn bè và người thân về hương vị ngon và độc đáo đã thôi thúc chị mở rộng sản xuất để cung cấp cho du khách vào dịp lễ hội. Nhiều du khách sau khi thưởng thức đã gọi điện đặt hàng, tạo động lực cho chị phát triển kinh doanh bánh trứng kiến thành sản phẩm đặc trưng của vùng.

Nhờ sự phát triển của việc kinh doanh bánh trứng kiến, gia đình chị Tiêu có thêm nguồn thu nhập giúp cải thiện cuộc sống, nuôi dưỡng con cái học hành đồng thời còn góp phần bảo tồn và phát huy nét văn hóa ẩm thực độc đáo của dân tộc Tày.

Theo TQĐT