Năm 2024 có thể nói là năm mà thiên tai gây ảnh hưởng lớn đến các hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Cơn bão số 3 đổ bộ vào đất liền gây mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất, giao thông đi lại rất khó khăn, ảnh hưởng đến hoạt động du lịch.
Dừng tổ chức lễ hội
Trước tình hình cấp bách đó, tỉnh quyết định cho dừng Liên hoan trình diễn Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và Lễ hội Thành Tuyên năm 2024, khi công tác chuẩn bị cho lễ khai mạc được chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, nhất là Lễ hội Thành Tuyên được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Tất cả các dịch vụ du lịch trong dịp lễ hội Thành Tuyên năm 2024 đã bị ngừng hoàn toàn do lũ lụt sau cơn bão số 3. Hàng trăm mô hình đèn Trung thu của các xóm, tổ dân phố của thành phố Tuyên Quang phải cất vào kho, thiệt hại nặng nề. Những đêm hội đường phố sôi nổi bị hủy bỏ do mưa bão làm người dân và du khách chỉ biết tiếc nuối.
Đoàn du khách tỉnh Quảng Bình dâng hương, tham quan lán Nà Nưa.
Ngoài làm “hỏng” chương trình lễ hội lớn nhất năm của tỉnh, bão số 3 còn để lại hậu quả nặng nề cho ngành du lịch. Trong thời gian khắc phục, cứu trợ lũ lụt, mọi hoạt động ăn chơi, giải trí, du lịch hoàn toàn bị đóng băng. Nhiều di tích, khách sạn, nhà nghỉ, homestay, nhà hàng, khu, điểm du lịch bị nước ngập, cây đổ. Hiện tượng sạt lở đất ở một số huyện, rác trôi từ thượng nguồn về lòng hồ thủy điện Tuyên Quang, ảnh hưởng đến tâm lý, cảm xúc, môi trường du lịch.
Đồng chí Lê Thanh Sơn, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Trước những khó khăn bộn bề của thiên tai đến du lịch tỉnh, ngành đã chỉ đạo các cơ sở du lịch khắc phục khó khăn, nỗ lực phục hồi hoạt động du lịch trở lại bình thường. Đặc biệt yêu cầu các cơ sở lữ hành du lịch trên địa bàn tăng cường quảng bá, kết nối, đưa các đoàn khách đến Tuyên Quang du lịch. Thể hiện môi trường du lịch trên địa bàn đã an toàn, sẵn sàng cơ sở vật chất, dịch vụ, sản phẩm tốt nhất đón khách trở lại. Trong tháng 10 lượng khách đã tăng trở lại, đây là tín hiệu tốt cho du lịch của tỉnh.
Khách du lịch trải nghiệm thác Khuổi Nhi.
Ổn định, phục hồi
Chị Chẩu Thị Nga, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Cô Sơn Nữ (TP Tuyên Quang) đã năng động kết nối đưa gần 200 khách thuộc Công ty Oxalis Adventure-đơn vị tiên phong việc tổ chức các tour du lịch trải nghiệm, khám phá hang động tại Quảng Bình “xông” đất Tuyên Quang sau bão. Đoàn đã có chuyến tham quan, trải nghiệm tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào (Sơn Dương); Khu du lịch Suối khoáng nóng Mỹ Lâm (TP Tuyên Quang) và vùng lòng hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình; ở homestay, thưởng thức ẩm thực địa phương tại thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, Lâm Bình. Anh Nguyễn Châu Á - Tổng Giám đốc Công ty Oxalis Adventure, Trưởng đoàn du lịch cho biết, Tân Trào đúng là Thủ đô Khu Giải phóng, Thủ đô Kháng chiến của cách mạng Việt Nam. Tới đây cán bộ, nhân viên Công ty Oxalis Adventure thấy tự hào về truyền thống cách mạng của cha ông.
Chị Lê Thị Ngọc Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Bình, khách mời cùng tham quan, khảo sát du lịch của đoàn khẳng định, lòng hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình qua đợt lũ nước trong xanh, môi trường đảm bảo trở lại. Đoàn ấn tượng với ẩm thực, bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số của các homestay tại thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình). Qua chuyến đi đoàn thấy Tuyên Quang có nhiều tiềm năng, thế mạnh du lịch: du lịch lịch sử cách mạng, du lịch sinh thái, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch cộng đồng. Nếu biết quy hoạch, khai thác tốt, chắc chắn du lịch Tuyên Quang sẽ trở thành ngành kinh tế quan trọng, có nét riêng.
Du khách vui lửa trại tại homestay Tài Ngào, xã Thượng Lâm, Lâm Bình.
Đoàn tham quan Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang - Lâm Bình, anh Đinh Minh Tuyển, Phó Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Minh Hóa, Quảng Bình, thành viên của đoàn tham quan, khảo sát du lịch cho rằng, Tuyên Quang giữ rừng rất tốt. Đi thuyền máy du lịch trên mặt hồ, phóng tầm mắt đâu đâu cũng là những cánh rừng xanh bạt ngàn. Nếu giữ rừng tốt và biết phát huy từ rừng nguyên sinh, du lịch địa phương sẽ phát triển bền vững.
Cùng với các hoạt động quảng bá, xúc tiến, lữ hành, Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh tổ chức chương trình khảo sát tài nguyên du lịch để xây dựng sản phẩm du lịch tại Khu du lịch Tân Trào (Sơn Dương), khảo sát tuyến du lịch sinh thái rừng đặc dụng Tân Trào; điểm di tích các xã Tân Trào, Trung Yên (Sơn Dương), Kim Quan (Yên Sơn).
Đồng chí Đỗ Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh khẳng định, chuyến khảo sát là cơ sở để tỉnh tiếp tục xây dựng các tour tuyến, sản phẩm, dịch vụ du lịch đa dạng, chất lượng mang bản sắc địa phương. Mục tiêu hướng tới xây dựng Tân Trào trở thành khu du lịch Quốc gia trong tương lai, đưa du lịch Tuyên Quang phục hồi sau đại dịch Covid-19 và cơn bão số 3 nhanh, bền vững, trọng tâm, trọng điểm.
Theo TQĐT