Đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh

Thứ tư, ngày 06/01/2021 - 11:00
Đã xem: 2,744 views

Vị trí địa lý thuận lợi, tài nguyên du lịch phong phú, hệ thống dịch vụ du lịch đã và đang được đầu tư khá đồng bộ cùng những chính sách phát triển ngành Du lịch của tỉnh cùng với sự nỗ lực của các doanh nghiệp làm du lịch sẽ là những điều kiện cơ bản để du lịch Tuyên Quang tiếp tục cất cánh, trở thành điểm đến hấp dẫn trên bản đồ du lịch trong nước và quốc tế.

Được thiên nhiên ưu đãi cho nhiều tài nguyên du lịch quý giá cùng với bề dày lịch sử, văn hóa được trải rộng khắp các huyện trong toàn tỉnh đã cho phép Tuyên Quang phát triển ngành du lịch đa dạng về loại hình, có chiều sâu, có nền tảng vững chắc và có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách trong và ngoài nước.

Thời gian vừa qua, Tuyên Quang đã thu hút được nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực này, tiêu biểu là các dự án đầu tư vào các khu, điểm du lịch như: Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm, Danh lam thắng cảnh quốc gia đặc biệt Na Hang - Lâm Bình; Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, các nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng có quy mô lớn… Qua các năm, bức tranh về du lịch Tuyên Quang ngày càng rõ nét hơn.

Tập đoàn VinGroup đầu tư hạ tầng du lịch vào Khu du lịch Suối khoáng Mỹ Lâm

Tuyên Quang hiện có 376 cơ sở lưu trú, với 3.900 phòng nghỉ. Trong đó có 33 khách sạn đạt tiêu chuẩn từ 1-4 sao. Hiện ngành Du lịch đang tạo việc làm cho 16.000 lao động. 100% cán bộ, công chức, viên chức trong ngành du lịch được bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước về du lịch, 60% lao động du lịch trực tiếp được bồi dưỡng kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ, đạt mục tiêu đề ra.

Những năm qua, các cấp, ngành, địa phương cũng đã quan tâm xây dựng, ký kết chương trình phối hợp, vận động quần chúng thực hiện nếp sống văn minh du lịch, như: xây dựng các mô hình “Không sử dụng sản phẩm nhựa, túi nilon dùng một lần trong phát triển du lịch cộng đồng gắn với giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc tại huyện Lâm Bình” trở thành điểm sáng về văn minh, văn hóa và vệ sinh môi trường ở trong tỉnh, hay việc thành lập Nhóm tự quản về an ninh trật tự và vệ sinh môi trường ở  điểm du lịch thác Khuổi Nhi. Nhờ đó, công tác quản lý môi trường du lịch, đảm bảo văn minh, văn hóa, an ninh trật tự tại đây đã có nhiều chuyển biến tích cực. Không có tình trạng bày bán hàng hóa tràn lan gây cản trở giao thông, hay hành vi bắt chẹt khách sử dụng các dịch vụ và lạm dụng sức lao động của trẻ em... 

Các hộ kinh doanh đặt biển quảng cáo đúng nơi quy định, các trạm bán vé, bến xe, bến thuyền hoạt động nền nếp, các tuyến phố mang dáng dấp trung tâm du lịch nhộn nhịp cả ngày lẫn đêm… Nhiều khu, điểm du lịch mang phong cách phục vụ chuyên nghiệp, tạo được cảm giác thân thiện, môi trường an toàn cho du khách. 

Khách du lịch chèo kayak trên hồ Na Hang - Lâm Bình

Nhờ những nỗ lực kể trên, số lượt khách du lịch đến tham quan và doanh thu từ ngành Du lịch tăng lên qua các năm. Cụ thể, trong năm 2019, lượt khách du lịch thu hút 1.945.650 lượt khách, đạt 104% kế hoạch năm, tăng 10,5% so với cùng kỳ. Tổng thu từ khách du lịch đạt 1.750 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch năm, đạt 12,5% so với năm 2018. Riêng năm 2020, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến ngành Du lịch của tỉnh nhà. Số lượng khách đến Tuyên Quang đã giảm còn 1.708.000 lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch đạt 1.500 tỷ đồng, đạt 5,2% so với năm 2019.

Trong 5 năm qua (giai đoạn 2016-2020), Tuyên Quang thu hút 8.445.700 lượt khách, trong đó khách du lịch quốc tế chiếm 0,3%/năm, khách du lịch nội địa là 99,7%; tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm 4,85/năm. Cùng với sự gia tăng về số lượng khách du lịch, tổng thu từ khách du lịch của tỉnh cũng có mức tăng trưởng nhất định. Giai đoạn 2016 - 2020, tổng thu xã hội từ du lịch khoảng 7.425 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân 5,2%/năm.

Để đạt mục tiêu đến năm 2025 du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế quan trọng và chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, theo đó, thời gian tới Tuyên Quang tập trung thực hiện có hiệu quả các giải pháp nhằm phát huy tiềm năng, khai thác các loại hình du lịch lịch sử, văn hóa, nghỉ dưỡng, sinh thái, tâm linh. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thi công Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm,...; tiếp tục thu hút đầu tư phát triển hạ tầng dịch vụ du lịch tại các khu, điểm du lịch quan trọng như Khu di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, Khu di tích Quốc gia đặc biệt Kim Bình, Khu danh thắng quốc gia Na Hang - Lâm Bình. Ứng dụng công nghệ hiện đại nâng cao hiệu quả hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại; tăng cường liên kết, hợp tác, kết nối tua du lịch từ thành phố Hà Nội và các tỉnh, thành phố của cả nước đến Tuyên Quang. Chú trọng nâng cao chất lượng các tour, tuyến đã có, nghiên cứu xây dựng thêm các sản phẩm mới, đặc sắc; tăng cường quảng bá, giới thiệu thu hút khách du lịch như: đẩy mạnh các hoạt động văn hóa trong du lịch, Lễ hội rước mẫu đền Hạ, đền Thượng, đền Ỷ La; Lễ hội Lồng Tông; lễ hội Nhảy lửa; Lễ hội Thành Tuyên… để thu hút khách du lịch. Tập trung xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư chiến lược nhằm tạo ra các sản phẩm du lịch chất lượng cao. 

Nâng cao chất lượng công tác thông tin và quảng bá du lịch. Đổi mới cách thức, nội dung, tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại. Kết hợp nguồn lực Nhà nước và huy động sự tham gia của toàn xã hội trong hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác nghiên cứu thị trường, hợp tác, liên kết phát triển du lịch trong nước và quốc tế. Xây dựng và tổ chức các chương trình quảng bá, xúc tiến du lịch có trọng tâm, trọng điểm gắn với các sự kiện văn hóa, lễ hội, hội chợ, hội nghị, hội thảo tại các tỉnh, thành phố và quốc tế. 

Hy vọng sự thay đổi về chiến lược quảng bá cùng với sự chỉ đạo sát sao của các cấp các ngành cùng với sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp sẽ đưa Tuyên Quang trở thành điểm đến của du khách và các nhà đầu tư, góp phần tạo đà cho du lịch sớm trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh trong thời gian tới./.

Phạm Hương